Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam lo ngại khi 'phụ nữ có xu hướng không lên tiếng trên mạng'
Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ khiến phụ nữ có xu hướng không lên tiếng trong môi trường trực tuyến, làm giảm sự tham gia của họ trong đời sống cộng đồng và chính trị, làm giảm tính dân chủ của xã hội và vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, đã có cuộc chia sẻ với báo chí về những nguy cơ bất bình đẳng giới mà bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ mang lại.
Rào cản lớn đối với bình đẳng giới
PV: Thưa ông, quá trình số hóa đem lại những cơ hội và thách thức nào đối với lĩnh vực sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bình đẳng giới và trao quyền cho thanh niên?
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: Lợi ích lớn nhất mà ta có thể thấy là việc các nền tảng kỹ thuật số cho phép người trẻ, đặc biệt các bạn trẻ ở vùng sâu vùng xa hay các vùng khó tiếp cận dịch vụ, có thể tiếp cận các thông tin quan trọng về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, và quyền của họ. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách về kiến thức và giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt về sức khỏe và cuộc sống của chính mình.
Đặc biệt, với vấn đề nhạy cảm như sức khỏe sinh sản và bạo lực trên cơ sở giới, các công cụ kỹ thuật số, nếu được triển khai một cách an toàn, sẽ cung cấp một không gian an toàn và riêng tư cho các cá nhân, đặc biệt là thanh thiếu niên và phụ nữ, để tìm kiếm sự hướng dẫn và dịch vụ mà không sợ bị phán xét hay kỳ thị.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện truy cập vào internet hoặc các công cụ kỹ thuật số. Điều này khiến cho nhóm thiểu số, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hoặc có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp hơn, khó được hưởng lợi đầy đủ từ các nguồn tài nguyên kỹ thuật số.
Và điều đáng lo ngại là các nền tảng kỹ thuật số cũng khiến chúng ta phải đối mặt với tình trạng quấy rối trực tuyến, bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ, đặc biệt là đối với phụ nữ và thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBTQIA+.
Nữ chính trị gia có nguy cơ cao bị bạo lực trên mạng
PV: Ông hãy chia sẻ thêm về tình trạng "Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ" đối với thanh thiếu niên trong bối cảnh Việt Nam hiện nay? Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất là ai?
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ (TFGBV) chỉ các hành vi có hại như quấy rối, bóc lột và lạm dụng, được thực hiện thông qua các nền tảng và công cụ kỹ thuật số. Đa số hành vi này hướng đến tấn công phụ nữ và trẻ em gái với nhiều hình thức như bám đuôi trực tuyến, lan truyền hình ảnh riêng tư, đe dọa người bị bạo lực một cách trực tuyến bằng các thông tin hay hình ảnh nhạy cảm của họ...
Đáng buồn hơn, người bị bạo lực dựa trên cơ sở giới sử dụng công nghệ có liên quan đến tình dục thường bị kỳ thị và đổ lỗi, chịu tổn hại danh tiếng, gây ảnh hưởng đến mọi khía cạnh cuộc sống xã hội của họ.
Một số nhóm phụ nữ, bao gồm những người bảo vệ nhân quyền, các nữ chính trị gia, nhà báo, blogger, phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số, người đồng tính nữ, song tính và chuyển giới, và phụ nữ khuyết tật có nguy cơ cao trở thành mục tiêu của bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ
Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giới vốn đã tồn tại từ trước, khiến không gian kỹ thuật số trở nên thiếu an toàn với nhiều phụ nữ.
Trong bối cảnh người trẻ sử dụng không gian trực tuyến cho công việc ngày càng nhiều, bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ cũng tác động nghiêm trọng đến các cơ hội kinh tế và khả năng tiếp cận các nguồn lực của họ.
Cụ thể, tình trạng bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ khiến phụ nữ có xu hướng không lên tiếng trong môi trường trực tuyến, làm giảm sự tham gia của họ trong đời sống cộng đồng và chính trị, làm giảm tính dân chủ của xã hội và vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Chính vì vậy, điều này góp phần củng cố các chuẩn mực, vai trò, định kiến của một xã hội gia trưởng và là rào cản lớn đối với bình đẳng giới và việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Tiên phong nghiên cứu thực trạng Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ tại Việt Nam
PV: Vậy tầm nhìn tương lai của UNFPA nhằm giải quyết vấn đề mới nổi này thế nào, thưa ông?
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam: UNFPA đang hợp tác với các bên liên quan, vận động nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ trực tuyến và thúc đẩy tích hợp an toàn kỹ thuật số vào các chương trình trao quyền cho thanh thiếu niên, từ đó đảm bảo những người trẻ, đặc biệt là trẻ em gái, được trang bị đầy đủ công cụ và kiến thức để làm chủ không gian kỹ thuật số một cách an toàn.
Trong Kế hoạch triển khai năm 2024 của UNFPA, chúng tôi sẽ hỗ trợ Bộ Lao động Thương binh & Xã hội tiến hành những nghiên cứu tiên phong về thực trạng của Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, UNFPA dự kiến tổ chức các cuộc thi thiết kế hoặc trình diễn thời trang với các bên đối tác với chủ đề "quyền cơ thể" nhằm thông qua nghệ thuật để truyền tải thông điệp của chiến dịch.
Chúng tôi muốn hợp tác với thanh thiếu niên để khởi xướng các chiến dịch trên toàn quốc nhằm giáo dục cả thanh thiếu niên và người trưởng thành về Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ, tác động của nó và cách phòng tránh, đồng thời trang bị cho họ các kỹ năng để làm chủ không gian số một cách an toàn và có trách nhiệm.
Bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ phản ánh các vấn đề rộng hơn về bất bình đẳng giới. UNFPA muốn hợp tác với các bên liên quan và đối tác để giải quyết, cũng như đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý vững chắc, cơ chế an toàn kỹ thuật số và nỗ lực chung của nhiều bên (như chính phủ, các công ty công nghệ, tổ chức phi chính phủ, thanh thiếu niên, v.v.)
57% phụ nữ bị lạm dụng, sử dụng hình ảnh cá nhân sai mục đích
Nghiên cứu trên toàn cầu của Economist Intelligence Unit (Cơ quan Tình báo Thế giới) vào năm 2021 cho thấy 57% phụ nữ bị lạm dụng hoặc sử dụng hình ảnh, video cá nhân sai mục đích. 85% phụ nữ từng chứng kiến bạo lực trực tuyến xảy ra với phụ nữ khác.
Đặc biệt, khi công nghệ deepfake (sử dụng công nghệ để thay thế một khuôn mặt bằng một khuôn mặt khác) trở nên phổ biến hơn, thực trạng lan truyền các nội dung khiêu dâm sử dụng deepfake càng trở nên tồi tệ. Theo một nghiên cứu vào năm 2019 của Deeptrace Labs, 96% nội dung deepfake là khiêu dâm và tất cả đều có sự góp mặt của phụ nữ. Tình trạng này thậm chí còn nghiêm trọng hơn đối với người trẻ.
Một nghiên cứu do Tổ chức Plan International thực hiện tại 31 quốc gia cho thấy 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và lạm dụng trực tuyến và 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ.