Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh mở thêm 5 ngành học mới
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ đào tạo thêm 5 ngành mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo, điện hạt nhân, quản lý năng lượng, đáp ứng xu hướng nhân lực mới.
Đón đầu xu hướng nhân lực trong thời đại số
Năm 2025, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH) sẽ chính thức mở thêm 5 ngành và chuyên ngành mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 41. Cụ thể, các ngành và chuyên ngành được bổ sung gồm: ngành Công nghệ tài chính (Fintech), ngành Ngôn ngữ Trung, chuyên ngành Điện hạt nhân (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử), chuyên ngành Quản lý năng lượng (thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt) và chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Công nghệ thông tin).

Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là trường trọng điểm của Bộ Công Thương trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nền kinh tế khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Ảnh: Thanh Minh.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, TS. Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng Đào tạo IUH - cho biết: Việc mở thêm 5 ngành và chuyên ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao trong các lĩnh vực then chốt, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như xu hướng phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ trong thời đại số.
“Các ngành và chuyên ngành mới đều thuộc các lĩnh vực mà IUH có thế mạnh đào tạo và nghiên cứu lâu năm. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên trình độ cao cùng hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, được đầu tư liên tục và cập nhật theo tiêu chuẩn công nghệ mới nhất”, TS. Nhân nhấn mạnh.
Điểm nổi bật xuyên suốt trong chương trình đào tạo của IUH là tính ứng dụng thực tiễn. Các chương trình đào tạo, trong đó có Trí tuệ nhân tạo và Điện hạt nhân - hai chuyên ngành mới mang tính công nghệ cao, đều được xây dựng trên tinh thần ứng dụng, giúp sinh viên có thể vận dụng ngay kiến thức, kỹ năng vào công việc sau tốt nghiệp.
Về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, IUH tự tin với bề dày đào tạo trong các lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, nền tảng chính cho việc triển khai các chuyên ngành mới. Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững, kỹ năng sư phạm tốt, luôn bám sát xu hướng đào tạo mới. Các phòng thí nghiệm, thực hành được đầu tư hiện đại và thường xuyên nâng cấp, đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghệ cao.
Về phương thức tuyển sinh cho năm 2025, IUH sẽ áp dụng chung cho cả 5 ngành và chuyên ngành mới cùng với các ngành đào tạo hiện có. Bốn phương thức được triển khai gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn kết hợp thành tích học tập, giải thưởng (nếu có).
Mạng lưới doanh nghiệp rộng lớn - bảo chứng cho đầu ra
Liên quan đến việc hỗ trợ sinh viên thực hành, thực tập và đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp, TS. Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh: Một lợi thế cạnh tranh của IUH chính là mạng lưới hợp tác sâu rộng với hơn 2.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao phủ hầu hết các lĩnh vực đào tạo. Hoạt động hợp tác không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ sinh viên thực tập, mà còn bao gồm đóng góp xây dựng chương trình đào tạo, tuyển dụng trực tiếp, trao học bổng và tài trợ thiết bị, phần mềm phục vụ giảng dạy.
Hàng năm, IUH phối hợp với doanh nghiệp tổ chức định kỳ 2 ngày hội tuyển dụng cùng nhiều hội thảo chuyên đề nhằm kết nối doanh nghiệp với sinh viên, giúp sinh viên hiểu rõ yêu cầu tuyển dụng, xu hướng nghề nghiệp và định hướng phát triển kỹ năng phù hợp. Nhờ đó, sinh viên IUH luôn có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp cao, đặc biệt là việc làm đúng chuyên ngành.
Với định hướng đào tạo ứng dụng, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp cùng hệ sinh thái học tập - nghiên cứu - thực hành toàn diện, IUH tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trường đại học kỹ thuật - công nghệ hàng đầu cả nước. Việc mở thêm 5 ngành, chuyên ngành mới năm 2025 là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập và việc làm cho sinh viên trong các lĩnh vực đang và sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai như Fintech, AI, năng lượng và công nghệ hạt nhân.
Chiều 22/7/2025, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh chính thức thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (ngưỡng sàn) tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 theo phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, áp dụng tại trụ sở chính TP. Hồ Chí Minh.Theo đó, ngưỡng sàn đối với các ngành đào tạo chương trình đại trà là 18.00 điểm; chương trình tăng cường tiếng Anh áp dụng mức điểm 17.00. Mức điểm được tính theo tổng điểm ba môn trong tổ hợp xét tuyển, không nhân hệ số, chưa cộng điểm ưu tiên. Riêng nhóm ngành Pháp luật, bao gồm cả hai chương trình, áp dụng ngưỡng sàn 18.00 điểm và yêu cầu tối thiểu 6.0 điểm với môn Ngữ văn hoặc Toán (nếu tổ hợp chỉ có một trong hai môn); nếu tổ hợp có cả hai, mỗi môn phải đạt từ 6.0 điểm. Ngưỡng sàn ngành Dược học sẽ thực hiện theo quy định riêng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.