Trường Đại học đề xuất có chính sách đặc thù để giữ chân giảng viên giỏi

Lãnh đạo các trường đại học cho biết mức lương hiện nay khá thấp, chưa tương xứng. Do đó, Bộ GD&ĐT phải có chính sách đặc thù để giữ chân giảng viên giỏi để mọi người toàn tâm cho công việc.

Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chiều 15-8, PGS.TS Phạm Ngọc Minh - Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, đào tạo ở trường y tương đối dài. Cụ thể, bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo 6 năm và muốn trở thành giảng viên thì phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú.

Lãnh đạo các trường đại học tham dự buổi gặp gỡ chiều nay với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Lãnh đạo các trường đại học tham dự buổi gặp gỡ chiều nay với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: BỘ GD&ĐT

“Chúng tôi đào tạo ra đội ngũ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe người dân. Giảng viên trường y là thầy thuốc lẫn thầy giáo nên trách nhiệm rất nặng nề” - PGS.TS Phạm Ngọc Minh bày tỏ.

Bên cạnh đó, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí là nhiều hơn. Nhưng giảng viên chỉ được hưởng 1 loại lương, phụ cấp.

Từ thực tế trên, PGS.TS Phạm Ngọc Minh đề xuất, cần có cơ chế chính sách, đặc thù, thu hút tương xứng. “Chúng ta giữ chân người giỏi bằng tâm huyết của họ, chứ không phải bằng mệnh lệnh, hành chính” - ông Minh nói.

TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch công đoàn Trường Đại học Nha Trang chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: BÁO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI

TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch công đoàn Trường Đại học Nha Trang chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: BÁO GIÁO DỤC THỜI ĐẠI

Tương tự, TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch công đoàn Trường Đại học Nha Trang cho biết, công việc của viên chức, người lao động chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Do đó, không người xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Thậm chí, không ít viên chức dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm công việc khác như bán hàng online, bất động sản …

Từ đó, ông Đạo đề xuất nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác.

Mặt khác, theo ông Đạo cần có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10-20 năm), phương thức trả nợ vay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động, cần tính toán để đảm bảo cuộc sống. Thực tế cho thấy, thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 nêu định hướng, tiến tới giáo viên sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, công tác tài chính cũng là yếu tố vô cùng quan trọng trong hoạt động ở các trường đại học. Hiện Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81 để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị Nhà nước cấp bù kinh phí cho các trường để đảm bảo chất lượng hoạt động.

NGUYỄN QUYÊN - MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-dai-hoc-de-xuat-co-chinh-sach-dac-thu-de-giu-chan-giang-vien-gioi-post746936.html