Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM: Đào tạo gắn liền thực tiễn

Nhân dịp kỷ niệm 37 năm ngày thành lập trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (18-5-1988 18-5-2025), báo Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Hiệu trưởng nhà trường – PGS.TS Nguyễn Xuân Phương về những dấu mốc, những trăn trở và khát vọng vươn mình của trường trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Phóng viên: Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, 37 năm là một chặng đường dài. Điều gì khiến ông tự hào nhất khi nhìn lại hành trình phát triển của Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (UTH)?.

PGS.TS Nguyễn Xuân Phương: Tôi nghĩ điều khiến tôi tự hào nhất trong hành trình 37 năm của Nhà trường không nằm ở những con số hay thứ hạng, mà chính là con người, là đội ngũ giảng viên tận tâm, giỏi chuyên môn, giàu lý tưởng. Nhiều thầy cô đã gắn bó với trường từ những ngày đầu, không ngừng nỗ lực giảng dạy, nghiên cứu và truyền cảm hứng cho sinh viên.

Chúng tôi đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, trách nhiệm, luôn sẵn sàng đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và của đất nước. Chính đội ngũ ấy là nền tảng quan trọng giúp UTH từng bước khẳng định vị thế của mình và tiếp tục vững vàng trong giai đoạn chuyển mình hiện nay.

 Đội ngũ viên chức, người lao động tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM trình độ cao, tâm huyết với nghề.

Đội ngũ viên chức, người lao động tại Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM trình độ cao, tâm huyết với nghề.

+ Trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng cạnh tranh, ông đánh giá thế nào về lợi thế và thách thức của UTH hiện nay?.

UTH đã không ngừng nỗ lực đổi mới và thích ứng. Từ một cơ sở đào tạo quy mô nhỏ, giờ đây UTH vươn lên là một trong những cơ sở giáo dục đại học trọng điểm trong lĩnh vực kỹ thuật và giao thông vận tải, với thế mạnh ở các ngành mũi nhọn như logistics, hàng hải, hàng không, đường sắt tốc độ cao – những lĩnh vực then chốt trong chiến lược phát triển hạ tầng quốc gia.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường tính thực tiễn trong đào tạo để đáp ứng nhanh với thị trường lao động đang biến động nhanh chóng.

Bên cạnh đó, là một trường đại học công lập, UTH cũng gặp không ít rào cản về cơ chế, nhất là trong việc thu hút nhân tài, các nhà khoa học giỏi hoặc chuyên gia từ nước ngoài. Đây là những vấn đề mà chúng tôi đang nỗ lực tháo gỡ để bảo đảm nhà trường có thể phát triển bền vững và bắt kịp yêu cầu hội nhập.

+ Trường đã có giải pháp gì để thích ứng và vượt qua những thách thức đó, thưa ông?.

Để thích ứng và vượt qua những thách thức hiện nay, UTH xác định hướng đi cốt lõi là tự lực tự cường, tận dụng tốt các lợi thế sẵn có, đồng thời tích cực mở rộng kết nối với các nguồn lực bên ngoài. Đây là cách tiếp cận thực tiễn và hiệu quả, giúp Nhà trường chủ động trong đổi mới và phát triển bền vững.

Trên tinh thần đó, UTH đã và đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện – đặc biệt là trong công tác đào tạo. Chúng tôi tập trung đổi mới chương trình theo hướng ứng dụng, tăng tính thực tiễn, gắn chặt với nhu cầu thị trường. UTH xây dựng các không gian trải nghiệm, đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp để sinh viên được tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp ngay từ khi còn trên giảng đường – thông qua mô hình “học kỳ doanh nghiệp”.

Song song đó, UTH đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác uy tín, đầu tư vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời có chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài – từ đội ngũ giảng viên đến chuyên gia trong và ngoài nước. Các chương trình hợp tác toàn diện đã và đang giúp Nhà trường tiếp cận các nguồn lực, mô hình tiên tiến, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng đào tạo một cách rõ rệt.

 Cơ sở vật chất tại UTH ngày càng khang trang, hiện đại.

Cơ sở vật chất tại UTH ngày càng khang trang, hiện đại.

+ Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo ông, UTH sẽ góp phần như thế nào vào hành trình ấy?.

Tôi cho rằng, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng là thời điểm vàng để UTH thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước. Khi Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng, thì giáo dục đại học – đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật, giao thông vận tải – sẽ đóng vai trò tiên phong.

UTH nhận thức rõ đây không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm. Với chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, chúng tôi định hướng đồng hành cùng sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, thông qua việc đào tạo những thế hệ kỹ sư, cử nhân giỏi chuyên môn, vững kỹ năng, có tư duy đổi mới và bản lĩnh hội nhập.

Nhà trường đang tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ, mở rộng không gian sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên và tăng cường kết nối với doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước. Mục tiêu đến năm 2030, UTH sẽ trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững và vươn tầm của quốc gia.

+ Với vai trò là người đứng đầu, ông ấp ủ điều gì cho UTH trong chặng đường tới?.

Tôi mong muốn UTH không chỉ là nơi đào tạo ra những kỹ sư giỏi, mà còn là nơi gieo mầm lý tưởng sống, khơi dậy khát vọng vươn lên và hun đúc tinh thần phục vụ đất nước trong từng sinh viên.

UTH sẽ không ngừng lớn mạnh, nhưng điều quan trọng hơn cả là giữ được bản sắc – tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhân văn – để mỗi người khi bước ra từ nơi đây đều tự hào nói rằng: “Tôi từng là sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM”.

Xin cảm ơn ông.

ĐT thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/truong-dai-hoc-giao-thong-van-tai-tphcm-dao-tao-gan-lien-thuc-tien-post850383.html