Trường Đại học Hà Nội lý giải về mức học phí tăng
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội cho biết, trường là trường tự chủ nhóm 1 nên không còn nhận kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước và phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi cho hoạt động của nhà trường. Do đó, học phí sẽ cần có một lộ trình tăng dần để đảm bảo cân đối thu - chi và phát triển.
Mới đây trên diễn đàn mạng xã hội, một số sinh viên Trường đại học Hà Nội bày tỏ bức xúc khi nhà trường thông báo tăng học phí năm học 2024-2025.
Theo thông báo về quy định mức thu học phí các chương trình đào tạo theo trình độ và hình thức đào tạo của Trường Đại học Hà Nội, áp dụng cho năm học 2024-2025, học phí năm học tới của Trường Đại học Hà Nội dao động từ 720.000 đồng đến 1.740.000 đồng/tín chỉ. Tùy chương trình, sinh viên cần hoàn thành 145 - 152 tín chỉ để được công nhận tốt nghiệp.
Đối tượng áp dụng mức thu học phí này là sinh viên các khóa tuyển sinh từ năm học 2022-2023.
So với mức thu năm ngoái, học phí của Trường Đại học Hà Nội tăng khoảng 10%.
Thông tin này khiến nhiều sinh viên nhà trường cảm thấy áp lực. Theo phản ánh của sinh viên, trong đợt tuyển sinh năm 2022, đại diện tuyển sinh nhà trường thông tin sẽ không tăng học phí trong cả 4 năm học. Đến nay sau 2 năm học, nhà trường bất ngờ thông báo tăng học phí. Điều này không đúng với cam kết trước đó. Bên cạnh đó, học phí tăng nhưng cơ sở vật chất không thể tăng ngay như học phí.
Lý giải về việc tăng học phí, TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, trường là trường tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư nên không còn nhận kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước và phải tự đảm bảo hoàn toàn các khoản chi cho hoạt động của nhà trường.
Do đó, học phí sẽ cần có một lộ trình tăng dần để đảm bảo cân đối thu - chi và phát triển.
Học phí và các nguồn thu khác của nhà trường sau khi thu về sẽ dùng để chi cho các hoạt động thường xuyên và đầu tư.
Sau khi lấy thu trừ đi các khoản chi, nhà trường sẽ trích lập các quỹ theo quy định của Nhà nước và chi đúng mục đích của quỹ đó. Trong đó, có quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25%) dùng để tái đầu tư: mua sắm trang thiết bị, xây mới các công trình.
Khi học phí tăng, quỹ học bổng dành cho sinh viên sẽ tăng vì chiếm tỉ trọng 8% tổng thu học phí. Để đầu tư cho cơ sở vật chất, nhà trường sẽ dùng quỹ phát triển hoạt động đã nêu ở trên.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các điều kiện như hiện nay, nhà trường cần xây dựng mới một số công trình vì sẽ tăng quy mô đào tạo. Do đó, sẽ cần có kinh phí để bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và đầu tư cho các công trình mới.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng quan tâm đầu tư cho nguồn nhân lực để thu hút các giảng viên có trình độ cao, tránh tình trạng chảy máu chất xám.
TS Nguyễn Thị Cúc Phương nhấn mạnh, để thực hiện được chiến lược phát triển cần có kinh phí và nguồn kinh phí này sẽ đến từ học phí và từ các nguồn thu hợp pháp khác của nhà trường.