Trường Đại học Khoa học-Tự nhiên chuyển giao mô hình AI xử lý ảnh y tế cho doanh nghiệp Mỹ
Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra Lễ bàn giao sản phẩm dự án 'Khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy' giữa đơn vị thực hiện là Khoa Toán - Cơ - Tin học, Đại học Khoa học Tự nhiên và đơn vị đặt hàng là Công ty Med-Aid (Mỹ).
Đây là dự án công nghệ và chuyển giao tri thức, phối hợp giữa một đơn vị đào tạo trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào điều trị bệnh nhân. Tiến sĩ Đỗ Thanh Hà, Phó trưởng Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trưởng Bộ môn Tin học, Chủ nhiệm dự án “Khoanh vùng ảnh tự động bằng học máy” cho biết, dự án được ký kết từ ngày 22-5-2019. Mục đích của dự án là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cụ thể là các phương pháp học máy trong việc khoanh vùng tự động các bộ phận cơ thể người trên ảnh chụp cắt lớp”.
Theo đánh giá, sản phẩm thu được có độ chính xác cho vùng đầu và ngực đạt 92%, vùng bụng đạt trên 83%, trong khi yêu cầu của Công ty Med-Aid về độ chính xác cần đạt được là 80%. Ông John Công Nguyễn, Chủ tịch Công ty Med-Aid cho biết, đây là dự án đầu tiên giữa một trường đại học của Việt Nam với Công ty Med-Aid (Hoa Kỳ). Kết quả dự án đem lại lợi ích cho lĩnh vực xạ trị ung thư, giúp giảm bớt thời gian điều trị cho bác sĩ, điều quan trọng làm tăng và bảo đảm chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thời gian gần đây đã liên tục có những cải tiến chương trình giảng dạy, nghiên cứu phù hợp với xu hướng hiện đại, ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0. Trường cũng chính là đơn vị triển khai thí điểm chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học dữ liệu đầu tiên trên cả nước từ năm học 2018-2019. Đến nay, sau 2 khóa tuyển sinh, chương trình đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ học viên, khẳng định vai trò và tính hấp dẫn đặc biệt của một chương trình đào tạo liên ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cao: Từ những lĩnh vực có nhu cầu phân tích dữ liệu khoa học như y sinh học, môi trường, địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn, nông nghiệp, xã hội học… đến những lĩnh vực có nhu cầu phân tích dữ liệu trong nền kinh tế số như tài chính, kinh doanh thương mại, chăm sóc khách hàng, mạng xã hội...
Trong đó, khoa học dữ liệu được xem là một trong những lĩnh vực nghề nghiệp hấp dẫn nhất thế kỷ 21, gắn liền với thời đại chuyển đổi số, khoa học dữ liệu đang thu hút đông đảo sự quan tâm của nguồn nhân lực trẻ cũng như của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Một nghiên cứu của McKinsey dự đoán trong năm 2018, nhu cầu thế giới về các nhà khoa học dữ liệu sẽ vượt 50% so với nguồn cung, trong đó chỉ riêng nước Mỹ cần đến 490.000 người, trong khi đào tạo và nguồn cung thu hút từ các nước khác chỉ được gần 200.000 người.