Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội công bố Đề án tuyển sinh trình độ Đại học năm 2023
Trường là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học, dịch vụ pháp lý có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội vừa công bố Đề án tuyển sinh trình độ Đại học năm 2023. Theo Đề án, sứ mệnh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học, dịch vụ pháp lý có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Mã trường: DKS; Địa chỉ trụ sở: Số 59, ngõ 230, đường Ỷ La, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội. Địa chỉ trang thông tin điện tử: https://hpu.vn
Về phương thức tuyển sinh năm 2021 và năm 2022, Đề án nêu rõ: Năm 2021, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đó là: Phương thức 1: Kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển học bạ THPT; Phương thức 2: Kết hợp giữa sơ tuyển và xét điểm thi THPT năm 2021; Phương thức 3: Xét kết quả học tập, rèn luyện THPT.
Phương thức 1 và phương thức 2 áp dụng xét tuyển thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển trình độ đại học ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát; Phương thức 3 áp dụng xét tuyển thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển trình độ đại học ngành Luật - chuyên ngành Luật thương mại.
Về đối tượng tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát, theo Đề án, thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phải đáp ứng các điều kiện chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các điều kiện đặc thù về sức khỏe, hạnh kiểm, học lực, lý lịch theo những tiêu chí cụ thể.
Về học lực và hạnh kiểm, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức 1, 2, 3, 4 có điều kiện về học lực, hạnh kiểm như sau: có học lực loại Giỏi trở lên lớp 11 và học kỳ I lớp 12; hạnh kiểm đạt loại Tốt trở lên năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12.
Thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức 5 (xét điểm thi THPT) có điều kiện về học lực, hạnh kiểm: Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT, kết quả học tập, hạnh kiểm lớp 10, 11, 12 đạt từ loại Khá trở lên. Đối với thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2022-2023 thì kết quả học tập, hạnh kiểm đạt từ loại Khá trở lên các năm học lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12.
Về độ tuổi: Thí sinh đăng ký xét tuyển không quá 25 tuổi (tính đến năm dự thi).
Về tiêu chuẩn chính trị: Thí sinh là công dân Việt Nam, là Đảng viên hoặc Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, có lịch sử chính trị rõ ràng, tuyệt đối trung thành và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có cha, mẹ, anh, chị, em ruột hoặc vợ/chồng chưa từng vi phạm pháp luật hình sự đến mức bị kết án, trừ các vi phạm pháp luật hình sự về giao thông.
Về tiêu chuẩn sức khỏe: Người đăng ký xét tuyển đại học phải có đủ sức khỏe để học tập, công tác, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Nam: Chiều cao từ 1,60m trở lên, nặng 50 kg trở lên. Nữ: Chiều cao từ 1,55m trở lên; nặng 45 kg trở lên. Không bị dị hình, dị dạng, khuyết tật, không nói ngọng, nói lắp, không mắc bệnh kinh niên, mãn tính.
Đối tượng tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy ngành Luật - chuyên ngành Luật Thương mại: Đáp ứng các yêu cầu chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có học lực và xếp loại hạnh kiểm từ loại Khá trở lên năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I của lớp 12.
Phạm vi tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy ngành Luật - chuyên ngành Kiểm sát; trình độ đại học hệ chính quy ngành Luật - chuyên ngành Luật Thương mại: Tuyển sinh trong cả nước.
Xem toàn văn Đề án tuyển sinh trình độ Đại học năm 2023 tại đây: de-an-ts.pdf