Trường Đại học Kiểm sát thông báo điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học chính quy năm 2025
Trường Đại học Kiểm sát vừa ban hành Thông báo số 263/TB-T2-ĐT về điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học chính quy năm 2025. Theo đó, thí sinh phải có tổng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2025 của một trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 18/30 điểm trở lên (không bao gồm điểm ưu tiên).
Theo đó, Trường Đại học Kiểm sát thông báo điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (mức điểm nhận đăng ký xét tuyển đại học chính quy năm 2025) cụ thể như sau:
Đối với ngành Luật, chuyên ngành Kiểm sát: Phương thức 1 (kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phương thức 2 (kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả học tập THPT của thí sinh học tại trường THPT Chuyên hoặc có hệ thống lớp Chuyên trực thuộc đại học, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...); Phương thức 3 (kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả học tập THPT và điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật (Academic): ≥ 6.0 hoặc chứng chỉ tiếng Nga TPKH-2); Phương thức 4 (kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả học tập THPT và kết quả thi Học sinh giỏi Quốc gia (giải khuyến khích) hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh); Phương thức 5 (kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức); Phương thức 6 (kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2024-2025): Có tổng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2025 của một trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 18/30 điểm trở lên (không bao gồm điểm ưu tiên); thí sinh phải đủ điều kiện được xét, công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025 hoặc đã tốt nghiệp THPT.

TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát trao bằng cử nhân ngành Luật cho sinh viên năm 2025 và chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các tân cử nhân. (Ảnh minh họa)
Đối với ngành Luật, ngành Luật kinh tế: Phương thức 7 (xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Phương thức 8 (xét tuyển kết quả học tập THPT); Phương thức 9 (xét kết quả học tập THPT và điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật (Academic): ≥ 5.0); Phương thức 10 (xét kết quả học THPT và kết quả đạt giải khuyến khích trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh); Phương thức 11 (xét kết quả thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức); Phương thức 12 (xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2024-2025): Có tổng điểm tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2025 của một trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt từ 18/30 điểm trở lên (không bao gồm điểm ưu tiên); thí sinh phải đủ điều kiện được xét, công nhận tốt nghiệp THPT năm 2025 hoặc đã tốt nghiệp THPT.