Trường đại học kiến nghị giải pháp để Việt Nam thu hút thêm sinh viên quốc tế
Cần có hàng loạt chính sách về học bổng, hỗ trợ chi phí, phát triển đa dạng các chương trình tiếng Anh tăng cường kiểm định quốc tế, thu hút thêm nhiều SV quốc tế.
Theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), năm học 2023-2024 có khoảng 22.000 du học sinh nước ngoài đang học tập tại các trường đại học của Việt Nam. Trong đó, có gần 4.000 du học sinh theo học diện hiệp định, số còn lại theo học diện tự túc hoặc theo các thỏa thuận song phương cấp trường, địa phương.
Số lượng sinh viên nước ngoài học tại Việt Nam tăng dần qua từng năm: năm học 2020-2021 có 18.500 du học sinh, năm học 2022-2023 tăng lên 21.000 du học sinh. [1]
Số lượng sinh viên quốc tế tại các cơ sở giáo dục đại học đang có xu hướng tăng. Ngoài việc nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà trường cũng đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam.
Cần xem xét việc duyệt ngôn ngữ đầu vào
Anh Keosouvanh Micky (sinh năm 1993), du học sinh Lào, học chuyên ngành Báo chí (Khoa Văn thư lưu trữ và Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) cho biết: “Tôi sang Việt Nam học 5 năm theo chương trình học bổng toàn phần. Những ngày đầu sống và học tập tại Hà Nội, tôi cũng gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên, do bất đồng ngôn ngữ nên việc giao tiếp còn trở ngại. Tiếng Việt vừa khó đọc, vừa khó viết, nên thời gian đầu tôi còn chưa hiểu hết bài, nhiều từ khó vẫn chưa thể dịch được. Sau mỗi giờ học, tôi phải tự tìm hiểu lại và học nói tiếng Việt nhiều hơn. Ngoài ra, tại Lào, thời tiết chỉ có 2 mùa, còn ở miền Bắc Việt Nam có 4 mùa nên tôi chưa quen. Tôi thường xuyên bị ốm, sốt do chưa kịp thích nghi với khí hậu ở đây.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ của thầy cô cùng các bạn sinh viên trong trường đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống, văn hóa Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên Lào về học phí, chi phí sinh hoạt, chi phí đi lại… Tôi mong muốn, sau khi học tập xong, Việt Nam sẽ có nhiều chính sách trong việc tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài được ở lại sinh sống và làm việc”.
Nữ sinh Ling Fei (sinh năm 2003), du học sinh người Lào, hiện đang là sinh viên năm 2, ngành Kỹ thuật xây dựng (Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ: “Khi học tại Việt Nam, tôi gặp khá nhiều khó khăn nhất là trong việc giao tiếp và tiếp thu kiến thức. Do chưa thông thạo tiếng Việt và các môn học có quá nhiều từ chuyên ngành, nên tôi bị “ngợp”. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi đã quen với môi trường, cuộc sống, con người ở Việt Nam. Tiếng Việt của tôi hiện tại cũng đã được cải thiện rất nhiều.
Là một sinh viên quốc tế, tôi được hỗ trợ về học phí, chi phí sinh hoạt. Lý do tôi quyết định chọn Việt Nam là điểm đến để du học, vì chương trình đào tạo của Việt Nam được đánh giá cao, đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội”.
Nữ sinh chia sẻ thêm: "Với vai trò là một du học sinh tại Việt Nam, tôi mong muốn việc duyệt ngôn ngữ đầu vào chặt chẽ hơn để khi theo học sinh viên bớt khó khăn. Thực tế cho thấy, có trường hợp do bất đồng về ngôn ngữ, dẫn đến việc sinh viên không thể tiếp tục theo học.
Trước khi qua Việt Nam sinh sống, học tập, tôi dành 1 năm học tiếng. Khi đạt trình độ B2 theo khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài, tôi mới bắt đầu được theo học chương trình năm nhất đại học. Nếu không đạt, sẽ phải học thêm 1 năm tiếng Việt. Có những trường hợp điểm số đạt từ 8-9 điểm, nhưng giao tiếp tiếng Việt không tốt, không hiểu được các cụm từ khó".
Nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên quốc tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Sơn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sinh viên quốc tế, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện đang tập trung nhiều tại các thành phố lớn, năng động, có nền kinh tế phát triển. Khi theo học, các sinh viên quốc tế sẽ thuận lợi hơn trong việc di chuyển, dễ dàng khám phá, tìm hiểu về văn hóa cũng như con người Việt Nam nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang có những chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực cho các nước bạn như: Lào, Campuchia… rất tốt".
Thầy Sơn chia sẻ, sinh viên quốc tế theo học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thường chọn một số ngành như: Y khoa, Dược học, Công nghệ thông tin, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh với chương trình đào tạo chính quy tập trung, thời gian đào tạo từ 4-6 năm tùy từng ngành.
Lý giải về khó khăn trong việc thu hút sinh viên quốc tế, thầy Sơn nhận định, các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh trong các trường đại học chưa nhiều. Chính vì vậy, sẽ giảm bớt đi sự lựa chọn của sinh viên, đặc biệt là sinh viên đến từ các nước phát triển.
Để thu hút sinh viên quốc tế ở nhiều ngành học khác, theo Thạc sĩ Nguyễn Quỳnh Sơn, cần phải thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, các trường đại học phải có thêm các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo ngắn hạn. Tăng cường hợp tác với các trường đại học khác trong việc trao đổi sinh viên.
Thứ hai, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, hỗ trợ tối đa các thủ tục tiếp nhận sinh viên quốc tế nhập học.
Thứ ba, đảm bảo môi trường sinh hoạt tốt, bố trí nơi ăn ở cho sinh viên quốc tế. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động giúp sinh viên có trải nghiệm về văn hóa, cũng như chăm lo đời sống tinh thần trong thời gian theo học tại Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã triển khai một số chính sách về học bổng thu hút sinh viên quốc tế có thành tích tốt, đặc biệt là các nước Lào, Campuchia. Đồng thời, thành lập Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên quốc tế chuyên trách trong công tác quản lý và hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh viên quốc tế; thành lập Ban tự quản sinh viên của các quốc gia có số lượng sinh viên theo học nhiều tại trường. Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên quốc tế trong học tập, nơi ở, giao lưu văn hóa.
Việc triển khai đồng loạt nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên quốc tế đã đem lại được hiệu quả nhất định. Sinh viên quốc tế nhanh chóng hòa nhập môi trường học tập xa quê, gia đình và bản thân sinh viên yên tâm khi xác định theo học tại Việt Nam.
Với những quốc gia có số lượng sinh viên học tập đông, dần dần hình thành cộng đồng nhỏ tại trường. Thông qua Ban tự quản sinh viên, các bạn có thể giúp đỡ, hướng dẫn và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập, sinh hoạt. Việc hỗ trợ, chăm sóc tốt cho sinh viên quốc tế thể hiện sự cam kết, uy tín từ phía nhà trường. Đây cũng sẽ là một trong những ưu thế cạnh tranh trong việc thu hút sinh viên quốc tế theo học trong tương lai.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Đạt - Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chiến lược thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế trước hết là nhu cầu nội tại của cơ sở giáo dục đại học, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) xác định, để thu hút sinh viên quốc tế và được các trường đối tác tín nhiệm, công nhận, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục. Đến nay, trường đang dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín (ABET, ASIIN, FIBAA, AQAS….). [2]
Đồng thời, việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực công bố quốc tế là nhiệm vụ tất yếu và là giải pháp mang tính bền vững, để quảng bá cho hình ảnh nhà trường, tạo ấn tượng tốt với đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Đạt cho biết, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) còn tích cực tham gia vào các mạng lưới, dự án quốc tế - một cơ hội rộng mở để tiếp cận các học bổng, chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, đặc biệt là để gia tăng sự hiện diện và tính thương hiệu của trường đối với bạn bè quốc tế.
Xây dựng hệ sinh thái tiếng Anh trong trường cũng là một mục tiêu mà nhà trường đang thực hiện. Thời gian qua, trường tập trung phát triển các chương trình dạy và học bằng tiếng Anh (22 ngành) và các chương trình chuyển tiếp với các trường đại học uy tín trên thế giới.
Cùng với đó, nhà trường cũng nhận thấy rõ những thách thức phải đối mặt như: Hệ thống dịch vụ hỗ trợ còn hạn chế, chính sách liên quan thu hút cho sinh viên quốc tế còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn.
Để tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc thu hút sinh viên quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lại Quốc Đạt đề xuất: “Cần có thêm chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên tại Thành phố Hồ Chính về tài chính, dịch vụ hỗ trợ… Phát triển đa dạng các chương trình tiếng Anh tại các trường đại học. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm định quốc tế cũng cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp, đảm bảo tính toàn diện và bền vững.
Không chỉ vậy, cần có thêm Trung tâm Sinh viên quốc tế để hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên nước ngoài. Đồng thời, tạo nền tảng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, cấp visa, giấy phép lao động cho người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam.
Và Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Hiện nay, có rất nhiều sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp có mong muốn được tiếp tục làm việc và phát triển tại Việt Nam”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thông tin thêm: “Nhà trường đã sớm nhận thấy tác động to lớn của quốc tế hóa giáo dục đại học nói chung và đón tiếp sinh viên, học giả quốc tế đến học tập, làm việc tại trường nói riêng.
Trong năm 2023, đã có 160 sinh viên quốc tế đến học tập tại trường thông qua các hình thức khác nhau như toàn thời gian, trao đổi tín chỉ, trao đổi văn hóa và chương trình được thực hiện theo yêu cầu của đối tác. Tỷ lệ sinh viên quốc tế còn khiêm tốn so với quy mô sinh viên toàn trường (chưa đến 1%), nhưng cao hơn gấp đôi mức trung bình của các trường đại học cả nước”.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.sggp.org.vn/cac-truong-dai-hoc-viet-nam-no-luc-thu-hut-sinh-vien-quoc-te-post768039.html
2. https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-co-gan-2000-ctdt-duoc-danh-gia-cong-nhan-dat-chuan-chat-luong-giao-duc-post244795.gd