Trường đại học mở ngành game: Cân nhắc, chọn thời điểm phù hợp

Đề xuất đưa ngành game vào đào tạo trong các trường đại học đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Sau khi Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game, câu chuyện về phát triển ngành game tại Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trong cuộc họp báo tháng 4 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được tổ chức mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục Trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Bộ TT&TT là quản lý, thúc đẩy ngành game phát triển lành mạnh.

Cũng tại một sự kiện mới đây, ông Lê Quang Tự Do cho biết, nhằm phát triển ngành game trong thời gian tới thì giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi.

Theo đó, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất Bộ GDĐT mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã kết nối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường đại học khác, để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.

Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất Bộ GDĐT mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game.

Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất Bộ GDĐT mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game.

Về đề xuất trên, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc của VTC, khi coi game là một ngành thì nó sẽ sinh ra nghề và lúc đó các trường đại học sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực cho ngành này. Bởi, khi đó định kiến với game của xã hội thay đổi, lúc này các phụ huynh sẽ cho con theo học ngành game và sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đang thiếu hiện nay.

Bên cạnh đó, khi xem game là một ngành thì không chỉ các trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin mà còn mở rộng việc đào tạo ra cho các trường khác. Chẳng hạn như, Trường Đại học Mỹ thuật sẽ đào tạo nhân lực thiết kế đồ họa cho game, hay thậm chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ đào tạo ra những người chuyên về xây dựng kịch bản, cốt truyện cho game…

Ngoài ra, sinh viên có thể phát triển ở nhiều khâu trong thiết kế và sản xuất game như: thiết kế màn chơi, cân bằng gameplay, nghệ thuật dẫn dắt và kể chuyện hay quản lý dự án số, trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về hình ảnh game, lập trình game và lập trình kịch bản.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, TS Đoàn Trung Sơn - chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikka cho biết, liên quan tới công nghệ game có nhiều vị trí công việc như: thiết kế game, phát triển game… Từ đó, trên thực tế xuất hiện nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tại Việt Nam chưa có ngành đào tạo nhân lực về game ở các trường đại học. Nhân lực liên quan tới ngành này thường được lấy từ nguồn của các ngành đào tạo liên quan như: công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật đa phương tiện.

Hiện một số trường có các môn liên quan đến lĩnh vực game như: Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Công nghiệp, Học viện Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học RMIT. Tuy nhiên, đây chỉ là những môn học đơn lẻ không thể giải quyết được bài toán tổng thể để phát triển game một cách chuyên nghiệp.

TS Đoàn Trung Sơn - chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikka.

TS Đoàn Trung Sơn - chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikka.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia an ninh mạng, TS Đoàn Trung Sơn cho rằng, việc phát triển thị trường game chuyên nghiệp và lành mạnh sẽ góp phần loại bỏ các loại game lừa đảo, trò chơi mang tính cờ bạc. Như vậy, theo ông Sơn, ngành game cần được mở rộng và đào tạo một cách chuyên nghiệp.

Ông Sơn nhìn nhận, thị trường game tại Việt Nam hiện phát triển vì lợi nhuận, và chủ yếu là gia công game cho các nước. Việc đào tạo chuyên nghiệp sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường ngay sau khi sinh viên ra trường. Thực tế qua trao đổi với một số người làm trong lĩnh vực game cho thấy, số nguồn nhân lực khi vừa ra trường chưa thể đáp ứng được công việc liên quan tới lĩnh vực game ngay mà phải mất ít nhất 1 năm đào tạo sau đó thì mới làm được việc.

Từ thực tế trên, ông Sơn nhìn nhận, với việc mở ngành đào tạo game ngay khi trong trường đại học, sinh viên đã có sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường để các em làm quen với công việc tương lai khi ra trường và có thể tham gia vào công việc ngay lập tức sau khi ra trường.

Tuy nhiên, TS Đoàn Trung Sơn nêu quan điểm, khi mở ngành đào tạo game cần xem xét các yếu tố tác động trong đó có việc lạm dụng chơi game quá mức hoặc phát triển game sai mục đích hay vi phạm các yếu tố văn hóa. Điều này có tác động rất lớn tới xã hội. Bởi xã hội hiện còn đang nhìn nhận về game dưới góc độ tiêu cực khi đã có nhiều hậu quả từ việc chơi game của giới trẻ đã được cảnh báo từ trước và thực tế còn đang tồn tại.

“Mở ngành đào tạo game đồng nghĩa với việc thúc đẩy phát triển game. Chúng ta phải nhấn mạnh và quan tâm tới những yếu tố tác động xã hội khi phát triển game một cách chuyên nghiệp trên phương diện đạo đức, văn hóa người chơi và các yếu tố khác. Đó là rào cản chính của xã hội đối với việc mở ngành. Thế nên chúng ta phải hết sức cân nhắc và chọn thời điểm phù hợp trước khi mở ngành này”, ông Sơn phân tích.

TS Đoàn Trung Sơn - chuyên gia An ninh mạng, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Phenikka:

Tiếp cận văn hóa qua game

Ở Việt Nam số lượng người chơi game rất lớn, khoảng 12 triệu người. Thu nhập của người lập trình game cũng khá cao và lợi nhuận thu được từ ngành game là rất lớn thế nên thu hút nhiều doanh nghiệp chủ yếu là gia công phần mềm game hoặc phát hành các phần mềm game cho nước ngoài. Chúng ta còn thiếu những tựa game của người Việt, mang văn hóa người Việt và có tính phổ biến.

Để game phát triển lành mạnh, chúng ta cần đưa ra thị trường các tựa game lồng ghép yếu tố văn hóa, có tác động tích cực vào người chơi thay vì chỉ là một game thuần túy để kiếm lợi nhuận từ đó. Nếu ta nhìn game dưới góc nhìn là một phương tiện truyền tải giá trị văn hóa thì game Việt không chỉ sản xuất cho người Việt mà thậm chí còn xuất khẩu sản phẩm văn hóa đó ra nước ngoài như cách mà các nước hiện đang làm.

Hiện trên thế giới có nhiều trường đại học đào tạo ngành game. Lợi nhuận lớn thu được từ ngành game và nhu cầu là có thật thì việc nâng tầm game thành ngành đào tạo ở trường đại học đáp ứng nhu cầu xã hội là chuyện hết sức bình thường.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/truong-dai-hoc-mo-nganh-game-can-nhac-chon-thoi-diem-phu-hop-5715024.html