Trường đại học mở ngành mới đáp ứng phát triển công nghệ số

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thông tin, dự kiến năm học 2025-2026 mở thêm 5 ngành/chuyên ngành thuộc chương trình dạy và học bằng tiếng Anh: Thiết kế Vi mạch, Năng lượng Tái tạo, Công nghệ Sinh học số, Kinh doanh số và Kinh tế Tuần hoàn.

Thư viện Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BKTPHCM

Thư viện Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ảnh: BKTPHCM

Đây là các ngành học đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ số, trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai. Trước đó Trường Đại học Bách khoa mở ngành Thiết kế vi mạch với chương trình tiêu chuẩn (đào tạo bằng tiếng Việt - PV).

TS. Nguyễn Cảnh Tuấn, Phó Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành học Năng lượng Tái tạo khá mới mẻ ở Việt Nam. Trường xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong 5 năm tới. Để triển khai chương trình này cũng không hề dễ dàng bởi đây là ngành học có tính liên ngành, kết nối các khoa có liên quan. Trong đó, Khoa Điện – Điện tử là chủ đạo, cùng với các Khoa khác xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và định hướng của Nhà nước. Mục tiêu để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

“Lợi thế của việc học liên ngành là sinh viên được học các ngành liên quan. Vì vậy cơ hội làm việc dễ dàng hơn trong lĩnh vực đó”, TS. Nguyễn Cảnh Tuấn chia sẻ.

PGS. TS. Nguyễn Đình Tuyên, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm đáp ứng những yêu cầu về nhân lực cho sự phát triển của đất nước, trong năm tới, Nhà trường đã và đang nghiên cứu để mở các ngành như Đường sắt cao tốc, Điện hạt nhân.

Tại Trường Đại học Bách khoa, cơ bản các chương trình chất lượng cao (tên gọi trước đây-PV) đã đạt kiểm định quốc tế và chuyển sang mô hình chuyển tiếp quốc tế. Đến nay, Nhà trường có 27 chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong đó, lấy 15 ngành duy trì hợp tác với các đối tác nước ngoài và gửi sinh viên đi du học.

“Chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với đầu vào IELTS 6.0 và chứng chỉ tương đương. Có khoảng 10 – 15% các môn học giáo viên nước ngoài. Trường mời giáo viên đến dạy trực tiếp, trường hợp không được sẽ giảng dạy theo hình thức online”, TS. Nguyễn Cảnh Tuấn nói.

Đoàn lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trao đổi cơ hội hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu Nhật Bản trong lĩnh vực phần cứng, AI, robot, máy tính lượng tử, chất bán dẫn, thiết kế vi mạch tháng 4/2025. Ảnh: BKTPHCM

Đoàn lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trao đổi cơ hội hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu Nhật Bản trong lĩnh vực phần cứng, AI, robot, máy tính lượng tử, chất bán dẫn, thiết kế vi mạch tháng 4/2025. Ảnh: BKTPHCM

Theo TS. Nguyễn Cảnh Tuấn, chương trình đào tạo quốc tế cung cấp thêm cho sinh viên các chương trình khác như đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng thể chất. Mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và có khả năng hội nhập cao. Tại Singapore mô hình này phát triển tới mức sinh viên tốt nghiệp đi làm khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là định hướng và tầm nhìn của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Với chương trình đào tạo quốc tế khi tốt nghiệp sinh viên có được kỹ năng chuyên môn tốt, thể chất tốt, kỹ năng mềm tốt, tự tin ngoại ngữ, xin việc làm công ty đa quốc gia ở Việt Nam hay ở nước ngoài. Đến nay, số lượng tuyển sinh vào chương trình này và điểm chuẩn gần với chương trình tiếng Việt. Tổng chỉ tiêu của Trường hiện nay là 5.150 thì chỉ tiêu cho đào tạo quốc tế là 1.500 trong đó dành cho 150 liên kết quốc tế – chương trình chuyển tiếp quốc tế.

Với hơn 150 đối tác học thuật đến từ các quốc gia như Úc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Trường Đại học Bách khoa đang đẩy mạnh các chương trình liên kết quốc tế, trong đó có các chương trình liên kết đào tạo như chương trình Tiên tiến, chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV), và các chương trình Chuyển tiếp Quốc tế.

Mới đây, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình Liên kết Cử nhân Kỹ thuật Quốc tế với Đại học Công nghệ Sydney (UTS), một trong các trường thuộc top 100 thế giới. Chương trình này sẽ giúp sinh viên theo học các ngành Trí tuệ Nhân tạo và Công nghệ Thông tin nhận bằng tốt nghiệp do UTS cấp, mở ra cơ hội học tập trực tiếp tại trường và tiếp cận môi trường học thuật chất lượng quốc tế.

Lê Vân/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-mo-nganh-moi-dap-ung-phat-trien-cong-nghe-so-20250521193742396.htm