Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nêu lý do mở ngành về Marketing và Logistics

Năm học tới, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM dự kiến mở 6 ngành/chuyên ngành mới và tăng gần 700 chỉ tiêu so với năm ngoái.

Mới đây, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố thông tin về tuyển sinh đại học chính quy 2024.

Trong đó, nhà trường dự kiến mở 6 ngành/chuyên ngành mới là: Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro thuộc ngành Kế toán.

Ngoài ra, trong năm học tới đây, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái. Tỉ lệ chỉ tiêu cho mỗi phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển cũng có nhiều thay đổi đáng chú ý.

Đào tạo liên ngành ở những lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số

Điều đáng nói, năm nay Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, ngành Marketing.

Lý giải vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dựa trên cơ sở chiến lược phát triển của nhà trường và nhu cầu của xã hội, nhà trường quyết định mở 6 ngành/ chuyên ngành mới phù hợp với khả năng và nguồn lực của cơ sở đào tạo.

Về tầm nhìn chiến lược dài hạn, nhà trường đào tạo trọng tâm ở các ngành kinh doanh, đồng thời hướng tới đào tạo liên ngành ở những lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số.

Theo lịch sử phát triển từ năm 2003, nhà trường đã bắt đầu tuyển sinh và mở ra 7 ngành học bao gồm: Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Tài chính Ngân hàng, Kế toán Kiểm toán, Quản trị kinh doanh và Hệ thống thông tin quản lý.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Năm 2018, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chủ trương thực hiện chiến lược đào tạo liên ngành với định hướng tích hợp chuyển đổi số để phù hợp với nhu cầu của xã hội 4.0. Với 5 năm thực hiện công tác chuẩn bị thông qua việc mở các chuyên ngành, nhà trường quyết định tuyển sinh mở các ngành học liên quan đầu tiên vào năm học 2024-2025.

Ví dụ, Khoa học dữ liệu trong kinh doanh là ngành được xuất phát từ chuyên ngành thuộc ngành Hệ thống thông tin quản lý; ngành Công nghệ tài chính (Fintech) được xuất phát từ một chuyên ngành thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng; ngành Marketing định hướng Digital Marketing và Truyền thông đa phương tiện được bắt nguồn từ chuyên ngành Marketing thuộc Quản trị kinh doanh; ngành Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng bắt nguồn từ chuyên ngành Quản lý chuỗi cung ứng thuộc ngành Quản trị kinh doanh;...

Đặc biệt, trong năm học 2025-2026, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đẩy mạnh mở thêm những ngành kỹ thuật, ví dụ như Trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên nền tảng trường hiện có 62 nhân sự trình độ cao trực tiếp liên quan đến giảng dạy bài bản về lĩnh vực này, cũng như phát triển từ nền tảng của ngành Khoa học dữ liệu trong kinh doanh.

Theo thầy hiệu trưởng, trước khi mở ngành, nhà trường đã xây dựng đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng tới nhiều vấn đề liên quan. Chỉ khi đảm bảo được tất cả những yếu tố này, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh mới quyết định thực hiện quy trình mở ngành.

Một là, về nhân sự, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều kiện mở ngành trình độ đại học cần ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình.

Đối với Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, trong ba năm qua, công tác tuyển dụng luôn đảm bảo bố trí tối thiểu từ 20 tiến sĩ trong mỗi ngành, cùng với đó là khoảng 20-30 thạc sĩ.

Phần lớn đội ngũ giảng viên được đào tạo ở nước ngoài và từng làm việc tại các đơn vị thực tiễn trong và ngoài nước nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục. Đồng thời, đội ngũ giảng viên của nhà trường thường được tập huấn liên tục để đảm bảo chất lượng dạy học phù hợp nhất đối với chương trình đào tạo.

Hơn nữa, do tính liên ngành được kế thừa từ nhiều đội ngũ nhân sự hiện tại của nhà trường, lực lượng giảng viên tiến sĩ thuộc khối ngành Kinh doanh quản lý, Luật kinh tế và Ngôn ngữ Anh.

Lãnh đạo Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng khẳng định, công tác tuyển dụng đủ nhân sự trong các ngành cần hoàn thiện trước 1 năm thì mới bắt đầu tuyển sinh ngành học mới. Điều này giúp ổn định tính an toàn cho người học, tránh những biến động nhân sự ảnh hưởng đến quá trình học tập tại trường.

Hai là, về cơ sở vật chất, nhà trường đảm bảo hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp trước 1 năm trở lại đây, như phòng Lab, hệ thống thực tế ảo VR,... để sinh viên được trải nghiệm thực tế tại cơ sở giáo dục. Đồng thời, trường cũng ký kết hợp tác với các đơn vị liên quan để có cơ sở thực hành cho người học.

Ba là, về hệ thống học liệu và giáo trình đào tạo, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng mỗi môn học đảm bảo có ít nhất từ 5-7 học liệu chuyên ngành liên quan. Trong đó có tối thiểu 1 học liệu tiếng Anh được cập nhật, tiếp cận theo phiên bản mới nhất.

Nhà trường thực hiện các hoạt động đối sánh giữa khối kiến thức đào tạo với nhiều chương trình quốc tế liên quan nhằm bắt kịp với bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. 100% học liệu này phải được kiểm tra, kiểm định kỹ càng đáp ứng cho việc giáo dục, nhất là các ngành mới có tính chất kỹ thuật.

Bốn là, các ngành học của nhà trường dự kiến mở đều được đảm bảo phù hợp với chiếc lược hợp tác quốc tế. Theo đó, nhà trường có 52 đối tác quốc tế là các trường thuộc top 30 của các quốc gia phát triển nhằm đảm bảo đối sánh chương trình, trao đổi và chuyển tiếp sinh viên theo chương trình Pathway 2+2 hoặc 2+1. Từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận các chương trình học hiện đại cho sinh viên của trường.

Cụ thể, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã ký kết với các trường nước ngoài như EM Normandie (Pháp), Anglia Rushkin, Bolton (Anh), Macquarie, Griffith, Adelaide (Úc),...

Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Những thay đổi về tuyển sinh đại học đáng chú ý

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là 4.366 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái.

Đối với chương trình đại học chính quy, nhà trường vẫn duy trì 4 phương thức tuyển sinh như năm ngoái, gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phương thức xét tuyển tổng hợp; Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính; và Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Tuy nhiên, trong năm học tới đây, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh ở hai phương thức xét tuyển tổng hợp và xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính.

Về phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính, trường tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng và dành 10-40% chỉ tiêu các chương trình chuẩn để xét tuyển bằng kết quả này. Dự kiến, 4 đợt thi đánh giá năng lực của trường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5.

Chia sẻ thêm về kỳ thi đánh giá năng lực, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung thông tin: “Năm nay, trường mời thêm Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng phối hợp với 6 trường đại học khu vực phía Bắc và phía Nam tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính phục vụ tuyển sinh năm 2024.

Các trường tham gia ký kết cùng gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing và Học viện Ngân hàng.

Đồng thời, chúng tôi quyết định đổi tên kỳ thi thành V-SAT để sử dụng phổ biến rộng rãi hơn, tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh theo quy định, và sử dụng chung kết quả với những đơn vị khác tổ chức”.

Mặt khác, về phương thức xét tuyển tổng hợp kết quả học tập và thành tích bậc trung học phổ thông của thí sinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đây là phương thức tuyển sinh hiệu quả nhất trong quá trình chọn lọc đầu vào.

Qua phân tích số liệu trong 2 năm liền kề gần đây, kết quả học tập của các em sinh viên tuyển sinh bằng phương thức này có chất lượng hiệu quả rất cao, vì vậy, nhà trường tăng tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này.

Cụ thể, điểm xét tuyển được tính dựa trên điểm trung bình lớp 11 và lớp 12; điểm quy đổi các chứng chỉ và thành tích trong quá trình học tập (nếu có) như: chứng chỉ tiếng Anh, kỳ thi chọn học sinh giỏi, học sinh thuộc trường chuyên/năng khiếu,...

Bảng điểm quy đổi các tiêu chí về phương thức xét tuyển tổng hợp của nhà trường

Chia sẻ về cơ hội việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung cho hay: “Khoảng 99% người học ra trường có việc làm, còn lại là những trường hợp mong muốn tiếp tục học lên trình độ cao hoặc du học tại nước ngoài.

Sinh viên học năm ba của trường đa phần được các “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp hợp tác, ngân hàng thương mại về khoa học công nghệ vào tháng 5 hằng năm. Theo số liệu khảo sát công khai thông tin tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm của nhà trường, mức thu nhập trung bình của các em thông thường trên 20 triệu đồng/tháng”.

Về tổng chỉ tiêu tuyển sinh, thầy Đức Trung cũng kỳ vọng nếu nhà trường đảm bảo duy trì tốt các hệ thống liên quan, đồng thời mở rộng vấn đề ký túc xá tăng lên khoảng 1000-1500 chỗ ở, thì cơ sở đào tạo mới nâng thêm chỉ tiêu. Bởi lẽ, trường luôn phải đảm bảo cứ 2-3 người học thì có 1 sinh viên được ở ký túc xá.

Ngoài ra, theo thông tin tuyển sinh đại học 2024 của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên website, năm nay cơ sở này dự kiến tuyển sinh 6 ngành thuộc chương trình chất lượng cao (Tiếng Anh bán phần).

Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT (quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học) không có khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao.

Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Theo đó, từ ngày 1/12/2023, trong các trường đại học sẽ không còn chương trình đào tạo chất lượng cao.

Trả lời phóng viên về thông tin tuyển sinh chương trình chất lượng cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung cho biết, thực tế, các chương trình này tại Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh được gọi là “tiếng Anh bán phần”. Tất cả các chương trình đào tạo bậc đại học và sau đại học của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đều đã được kiểm định.

Theo thầy Đức Trung, thuật ngữ “chương trình chất lượng cao” được sử dụng trong quảng bá, truyền thông giúp đại đa số học sinh, phụ huynh,... dễ dàng tiếp cận và nắm bắt được. Bởi thực tế các chương trình này đều có các điều kiện đảm bảo chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà.

Hiện nay, nhà trường vẫn đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn xét về quyền tự chủ của các trường đại học, chất lượng đầu ra của chương trình học phụ thuộc vào quyết định cân đối và đảm bảo của trường. So với chương trình đại trà, người học sẽ được hưởng thêm một số ưu đãi về điều kiện học tập và nghiên cứu, cũng như chuẩn đầu ra cao hơn.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-ngan-hang-tphcm-neu-ly-do-mo-nganh-ve-marketing-va-logistics-post241215.gd