Trường đại học ngoài công lập cùng nhau tìm phương án tuyển sinh theo CTGDPT mới

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho hay, từ năm 2025 trở đi, phương thức tuyển sinh của các trường đại học sẽ phải thay đổi.

Ngày 21/12, tại Trường Đại học FPT ở Thành phố Hồ Chí Minh, Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm tuyển sinh 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đến tham dự buổi tọa đàm có Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ; Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam; ông Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác hội viên (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).

Ngoài ra, tham dự tọa đàm còn có hơn 30 thầy cô là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, đại diện cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trên cả nước.

Trước khi bắt đầu buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao quyết định hội viên mới của Hiệp hội là Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ.

Tuyển sinh từ năm 2025 sẽ khác những năm trước như thế nào?

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho hay, kỳ tuyển sinh năm 2024 về cơ bản vẫn như những năm trước đó.

Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, phương thức tuyển sinh của các trường đại học sẽ phải thay đổi, vì không thể dựa vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được nữa.

Lý do của việc này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng đưa ra là do đây là lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp trung học phổ thông (các em học lớp 10 từ năm 2022). Theo đó, những khác biệt so với lứa thí sinh trước đó là trong nội dung học các em sẽ có các môn bắt buộc và tự chọn.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: V.D)

Tiến sĩ Lê Trường Tùng phát biểu tại buổi tọa đàm (ảnh: V.D)

Cụ thể, lứa học sinh này hiện đang học 8 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và 4/9 môn học lựa chọn (Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở năm 2025, học sinh sẽ chỉ thi có 4 môn, bao gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán. Hai môn lựa chọn, thí sinh sẽ chọn trong tổng số 9 môn lựa chọn.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhấn mạnh, sẽ không còn khái niệm tổ hợp các khối môn như trước đây. Thí sinh sẽ có môn học (chọn từ lớp 10) và môn thi (đăng ký ở lớp 12) không giống nhau.

Đồng thời, theo thầy Tùng, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là trao cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh, tổ chức công bằng giữa các thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội.

Toàn cảnh buổi tọa đàm (ảnh: V.D)

Toàn cảnh buổi tọa đàm (ảnh: V.D)

Chia sẻ về phương thức tuyển sinh của Trường Đại học FPT trong những năm qua, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho biết, nhà trường sử dụng nhiều phương thức.

Trong đó, từ năm 2020 đến năm 2023 có phương thức xét tuyển dựa vào công cụ tra cứu xếp hạng học sinh FPT SchoolRank, theo một công tác tính điểm riêng, nhưng từ năm học 2024 – 2025 dự kiến công thức tính điểm của FPT SchoolRANK cũng sẽ có sự điều chỉnh để cho phù hợp với thực tế.

Tuyển sinh đúng, đủ theo đề án tuyển sinh là vô cùng khó

Tại tọa đàm, Tiến sĩ Lâm Thành Hiển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ dần dần trả lại mục đích cho nó là chỉ chủ yếu đánh giá kết quả học tập ở bậc trung học phổ thông.

Đối với việc tuyển sinh vào các trường đại học, Tiến sĩ Lâm Thành Hiển cho rằng, cần thoát ra khỏi việc sử dụng kết quả của kỳ thi nói trên, vì tính phân hóa của đề thi không cao.

Trong điều kiện đó, lãnh đạo Trường Đại học Lạc Hồng cho rằng: “Từng trường đại học cần tìm ra giải pháp tuyển sinh phù hợp cho mình”.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm phát biểu tại tọa đàm (ảnh: V.D)

Tiến sĩ Trần Ái Cầm phát biểu tại tọa đàm (ảnh: V.D)

Còn theo Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, công tác tuyển sinh luôn là một vấn đề được các trường ngoài công lập quan tâm hàng đầu.

Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho một trường đại học trên cơ sở được phép tự chủ, thì các trường thực hiện ở một thời điểm cụ thể, dựa trên năng lực đào tạo, nhưng kết quả tuyển sinh thì lại phụ thuộc vào nhu cầu của người học, nên nguy cơ tuyển vượt chỉ tiêu hoàn toàn có thể xảy ra, dễ bị Bộ Giáo dục và Đào tạo xử phạt.

Cũng đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT bày tỏ quan điểm: “Tuyển sinh đủ, đúng với đề án tuyển sinh là vô cùng khó, nên các trường thường chọn phương án tuyển sinh không đạt chỉ tiêu”.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng đưa ra ví dụ, Trường Đại học FPT có năm đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo xử phạt, dù tỷ lệ tuyển sinh vượt nằm trong giới hạn cho phép.

Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) bầu bổ sung hai phó chủ nhiệm (ảnh: V.D)

Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) bầu bổ sung hai phó chủ nhiệm (ảnh: V.D)

Lí do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phạt là vì nhà trường tuyển sinh không đúng trong đề án tuyển sinh. Sau này, trong đề án tuyển sinh của nhà trường có ghi số lượng tuyển sinh trong đề án là con số kế hoạch.

Việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh thì các trường đại học được quyền ra quyết định, nhưng vấn đề là ở thời điểm nào, và việc điều chỉnh đó miễn không làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Dịp này, Câu lạc bộ Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã tiến hành kiện toàn nhân sự Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Theo đó, ngoài Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiện là Tiến sĩ Lê Trường Tùng, hiện câu lạc bộ đã có thêm hai Phó Chủ nhiệm là Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng và Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-ngoai-cong-lap-cung-nhau-tim-phuong-an-tuyen-sinh-theo-ctgdpt-moi-post240090.gd