Trường đại học phải nhanh chóng phấn đấu đạt chuẩn Thông tư 01 nếu muốn tồn tại

Trường đại học đáp ứng được tỉ lệ diện tích theo Thông tư 01 chưa nhiều, các trường chưa đạt chuẩn phải nhanh chóng phấn đấu nếu muốn mình còn tồn tại.

Theo tiêu chí 3.1, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn cơ sở giáo dục đại học, quy định: Từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.

Tiêu chí này được xem là thách thức đối với không ít cơ sở giáo dục đại học, nhất là đối với trường công lập.

Việc tăng diện tích/sinh viên đòi hỏi phải có lộ trình, vì hiện nay rất nhiều trường không đạt

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đánh giá: “Đó là một lộ trình để các trường đại học phấn đấu và có những chiến lược phát triển trường.

Tuy nhiên, theo tôi đây không phải là việc mà “một sớm một chiều” các trường có thể đạt được ngay, vì hiện nay có rất nhiều trường đại học tại Việt Nam không đạt chuẩn tiêu chí này”.

Theo biểu mẫu công khai thông tin về cơ sở vật chất năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, diện tích đất/sinh viên có tỉ lệ là 6,97m2/sinh viên.

Để tăng diện tích đất/sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng chia sẻ: “Ngoài số đất có sổ đỏ là 25.366 m2, nhà trường đã được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì (Hà Nội) giải tỏa và giao Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 10.282 m2 đất để mở rộng trường giai đoạn 1. Có thể tính đến năm 2024, tổng diện tích đất của nhà trường trên 35.648 m2.

Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở rộng trường và đặt thêm địa điểm ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) với diện tích khoảng 20 ha (200.000 m2) để xây dựng cơ sở mới của trường.

Điều này có thể đòi hỏi phải có thời gian và được đầu tư từ nhiều nguồn lực, tuy nhiên đây là cách hiệu quả nhất để tăng diện tích trường”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

“Hiện tại, Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường đang có Đề án hợp tác với các đối tác để mở các phân hiệu trường tại Bắc - Trung - Nam, đây cũng là cách mở rộng diện tích và thu hút đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Quá trình này sẽ giúp trường thu thập nguồn lực từ các đối tác và làm giảm chi phí đầu tư cho mở rộng diện tích trường.

Trong năm 2024, nhà trường cũng đang được đầu tư nguồn kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện dự án xây dựng giảng đường bộ môn chung và giảng đường đa năng với kinh phí gần 66 tỷ đồng, có diện tích xây dựng là 900 m2 với gần 7.000 m2 mặt sàn xây dựng nhằm tạo ra những không gian học tập mới cho sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật. Cải tạo, mở rộng, xây dựng và đầu tư mới tăng cường các điều kiện tiện nghi về cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động đào tạo, tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nghệ thuật.

Hiện, trường có cơ sở vật chất thuận lợi để đào tạo sinh viên tại trường. Ngoài ra, nhà trường liên kết với các đối tác, các công ty, nhà máy bên ngoài để sinh viên có những cơ sở thực hành/thực tế hiện đại sát với ngành nghề đào tạo

Tuy nhiên, việc tăng diện tích/sinh viên cho trường đòi hỏi phải có lộ trình, sự đầu tư về nguồn lực của Bộ Giáo dục Đào tạo và nguồn thu tự có để chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, nhà trường cần có thời gian đánh giá kỹ lưỡng trong tài chính và kế hoạch đầu tư trước khi thực hiện” - vị Chủ tịch Hội đồng trường thông tin thêm.

Tiêu chí 3.2 Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học cũng yêu cầu, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Giáo sư Đào Đăng Phượng cũng cho hay: “Mở rộng quy mô đào tạo tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là nhu cầu rất quan trọng để nhà trường phát triển.

Hiện nay, theo thống kê năm học 2023-2024 Tổng số cán bộ, giảng viên, người lao động là: 337 người trong đó: 226 giảng viên (67%); 111 viên chức văn phòng và kiêm công tác giảng dạy (33%). Số sinh viên: 4.125 sinh viên. Quy đổi là 18,3 sinh viên/giảng viên.

Tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo nghiên cứu khoa học là 26.576,93 m2.

Trong đó, có 8.742,99 m2 làm hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu”.

“Việc bố trí chỗ làm việc toàn thời gian là tiêu chí khó khăn với các trường đại học nói chung và Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương nói riêng nhưng đó cũng là điều cần thiết hướng tới cần phải có.

Tuy nhiên, đối với trường nghệ thuật, thì việc giảng dạy nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật…) cần không gian mỗi phòng làm việc và đầu tư trang thiết bị cho công việc phục vụ là rất lớn.

Do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với chuyên môn, chuyên ngành để không lãng phí. Thời gian tới (trong năm 2024), nhà trường sẽ thực hiện dự án xây dựng giảng đường bộ môn chung và giảng đường đa năng với kinh phí gần 66 tỉ đồng có diện tích xây dựng là 900 m2 với gần 7.000 m2 mặt sàn xây dựng. Chắc chắn sẽ đáp ứng đầy đủ phòng học cho tất cả sinh viên trong toàn trường cũng như mở thêm mã ngành mới” - thầy Phượng nhấn mạnh.

Chỉ tiêu để các trường, các tỉnh thành, cơ quan quản lý và Chính phủ có quy hoạch, kế hoạch phấn đấu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải, tiêu chí 3.1 đã được các trường trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các phiên họp lấy ý kiến về dự thảo thông tư, đây là tiêu chí Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để các trường phối hợp với Bộ kiến nghị các tỉnh (thành phố) và Chính phủ có các cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030 các trường đạt được tiêu chí trên.

Theo quy định, đây sẽ là chỉ tiêu để các trường, các tỉnh (thành phố) các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ có quy hoạch và các kế hoạch thực hiện phấn đấu trong tương lai.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: NVCC

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Giao thông vận tải, diện tích đất/sinh viên có tỉ lệ là 9,12 m2/sinh viên.

Trong khi Thông tư 01 quy định từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.

 Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Mộc Trà.

Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Mộc Trà.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương, mục tiêu này khẳng định là tiêu chuẩn và quy định, các trường đều phấn đấu đạt được và mỗi trường có những điều kiện khác nhau, vì vậy, đây là mục tiêu mong muốn đạt được, còn được để đạt được theo kế hoạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm ý chí quyết tâm của nhà trường, ngoài ra còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ.

“Về phía Trường Đại học Giao thông vận tải, chúng tôi thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý và Chính phủ, thực hiện nhiều giải pháp để mở rộng diện tích như ưu tiên các nguồn lực của trường để tăng cường quỹ đất, nghiên cứu đề xuất sáp nhập một số cơ sở đào tạo không hiệu quả vào trường” - thầy Chương cho biết.

 Không gian thư viện tại Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Mộc Trà.

Không gian thư viện tại Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Mộc Trà.

Theo báo cáo 3 công khai năm 2023, diện tích sàn/sinh viên của Trường Đại học Giao thông vận tải đạt 3,13 m2/sinh viên.

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương cũng cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang hoàn thiện khối nhà 15 tầng cho cán bộ giảng viên và năm học 2024-2025 tới đây, 100% giảng viên toàn thời gian sẽ được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.

Hiện nay, nhà Trường Đại học Giao thông vận tải mới tự chủ một phần, nên nguồn đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Vì vậy, nhà trường tiếp tục tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài trường, thực hiện các chính sách huy động với doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn lực từ Chính phủ để tiếp tục đầu tư các điều kiện học tập, như phòng học, phòng thí nghiệm cho sinh viên.

Với điều kiện của mình trong giai đoạn trước mắt, nhà trường sẽ giữ ổn định quy mô đào tạo, việc mở rộng quy mô đào tạo sẽ được nghiên cứu tính toán trên cơ sở các điều kiện phục vụ đào tạo như đội ngũ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để đảm bảo tăng quy mô với việc giữ vững chất lượng đào tạo. Ngoài ra, nhà trường cũng còn nghiên cứu theo nhu cầu nhân lực của xã hội trong thời gian tới để xây dựng kế hoạch cụ thể”.

 Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải học thể chất. Ảnh: Mộc Trà.

Sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải học thể chất. Ảnh: Mộc Trà.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng: “Việc đảm bảo những yêu cầu về mặt diện tích theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới, không thể là vấn đề “một sớm một chiều” làm ngay được, mà chúng ta đã có Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và mới đây nhất là Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nên cũng cần có lộ trình và bước đi phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo tôi, Chính phủ sẽ hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, xác định rõ nhiệm vụ và sứ mệnh của các trường ở các tỉnh/ thành phố.

Tiếp đến, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần bố trí quỹ đất cho các trường.

Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần có chính sách để hỗ trợ các trường huy động nguồn lực trong xây dựng phát triển. Theo tôi, đây là vấn đề lớn và khó nên cần có chính sách một cách quyết liệt và mức đầu tư thỏa đáng thì mới đạt được mục tiêu đề ra”.

Trường đại học chưa đạt chuẩn phải nhanh chóng phấn đấu nếu muốn mình còn tồn tại

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng cũng bày tỏ: “Mơ ước có một môi trường làm việc tốt, có một cơ sở đào tạo rộng, đẹp, hiện đại thì không chỉ lãnh đạo các trường đại học mà 100% cán bộ, giảng viên của các nhà trường đều mong muốn. Ở nước ngoài cũng vậy, cũng tùy thuộc vào từng nước phát triển/chưa phát triển.

Trường đại học ở Việt nam cũng đã có một số trường được đánh giá và xếp hạng vào tốp trong những trường đại học của thế giới.

Tuy nhiên, trường đáp ứng được tỉ lệ diện tích chưa nhiều, nên tôi cho rằng, việc đưa ra tỉ lệ đó là để bắt buộc các trường phải phấn đấu, bằng cách này, cách khác (có thể là đầu tư, mở rộng, sáp nhập…), để đạt được tiêu chuẩn đó. Khi đó, trường đại học nào chưa đạt chuẩn phải nhanh chóng phấn đấu nếu muốn mình còn tồn tại.

Bên cạnh đó, cũng có một phần các địa phương muốn có trường đại học, muốn có nhiều cơ sở đào tạo đạt chuẩn, chất lượng tốt thì cũng phải quan tâm đến việc tạo điều kiện nguồn đất, kinh phí đầu tư cho các cơ sở đào tạo”.

Ngoài ra, vị Chủ tịch Hội đồng trường cũng có một số chia sẻ thêm về định hướng phát triển và đảm bảo yêu cầu chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 01.

Cụ thể: “Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương theo tự đánh giá là 6,7 m2/sinh viên (năm 2023); Số liệu thực tế khi được tăng diện tích đất lên 35.648 m2 với quy mô 4.125 sinh viên tương đương 8,6 m2/sinh viên. So với các trường trong và ngoài nước không phải là lớn. Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã đạt tiêu chuẩn theo đánh giá của kiểm định chu kỳ 2 năm 2024-2029 (do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiến hành đánh giá cơ sở giáo dục chu kỳ 2 theo tiêu chuẩn kiểm định đánh giá chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nhà trường đã nêu rõ mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển nhà trường tới năm 2030 trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rằng nhà trường đề xuất xây dựng và phát triển Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thành trường đại học trọng điểm về giáo dục nghệ thuật”.

“Để tiến tới thực hiện mục tiêu đó, nhà trường đã đề xuất cấp kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư xây dựng ở khu đất mới mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng của trường bao gồm nhà đa năng, trung tâm học liệu, (sách giáo trình, sách chuyên khảo, kết nối hệ thống thư viện điện tử các trường đại học), Hội trường và các phòng học chuyên ngành nghệ thuật.

Ngoài ra, nhà trường rất cần được hỗ trợ về mặt công nghệ, đưa công nghệ mới và hiện đại vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, đào tạo. Bởi dự án “chuyển đổi số” mà nhà trường mới được thụ hưởng năm học 2023-2024 đã và đang cải thiện chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và tăng hiệu suất làm việc của giảng viên trong toàn trường.

Nhận được hỗ trợ trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo chắc chắn sẽ giúp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương phát triển mạnh mẽ và nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu và đào tạo để đáp ứng với sự phát triển của đất nước” - thầy Phượng kỳ vọng.

Cần có sự phân biệt giữa các trường đại học đã và đang hoạt động với các trường thành lập mới

Về phía Trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện nhà trường cho biết: “Chúng tôi ủng hộ cách tiếp cận của Thông tư 01 là đưa ra lộ trình để các cơ sở giáo dục đại học có thể chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, cụ thể đến năm 2030 mới bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí về diện tích đất trên một người học chính quy quy đổi.

Hiện nay, Trường Đại học Luật Hà Nội đang hoàn thành xây dựng cơ sở 2 tại thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) với diện tích gần 28 ha, theo kế hoạch đến năm 2025 dự án đưa vào sử dụng.

Khi đó, tỉ lệ diện tích đất/sinh viên quy đổi sẽ đạt chuẩn 25 m2/sinh viên theo Thông tư 01. Về cơ bản, trường không gặp thách thức gì trong lộ trình thực hiện”.

Bên cạnh đó, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng: “Các trường đại học cần có diện tích đất rộng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong quá trình thực hiện các chức năng của mình và cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, cần lưu ý các yếu tố sau:

Thứ nhất, cần có sự phân biệt đối với các trường đại học đã thành lập và đang hoạt động với các trường đại học thành lập mới trong giai đoạn hiện nay. Đối với các cơ sở đào tạo dự kiến thành lập thì cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về diện tích đất, nhưng đối với các cơ sở đào tạo có lịch sử lâu đời, có uy tín thì cần có lộ trình phù hợp, có thể tính điểm quy đổi đối với một số hạng mục thì mới khả thi trên thực tiễn. Điều này rất cần thiết đối với những trường đại học ở Việt Nam được thành lập từ mấy chục năm nay, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, được xã hội đánh giá cao.

Thứ hai, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, nhiều hoạt động của cơ sở đào tạo không nhất thiết phải thực hiện trên diện tích đất, hoàn toàn có thể thực hiện trên môi trường mạng và không cần nhiều diện tích. Ví dụ, thư viện điện tử, phòng họp trực tuyến, các lớp học online (Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép 30% thời lượng giảng dạy trực tuyến)”.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-phai-nhanh-chong-phan-dau-dat-chuan-thong-tu-01-neu-muon-ton-tai-post243849.gd