Trường đại học Sư phạm Hà Nội trao bằng cho 916 tiến sĩ, thạc sĩ
Ngày 24/3, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ cho 916 nghiên cứu sinh, học viên hoàn thành học tập, nghiên cứu, bảo vệ luận án, luận văn tốt nghiệp. Trong đó, có 54 nghiên cứu sinh được trao bằng tiến sĩ và 862 học viên được trao bằng thạc sĩ.
Theo Trường đại học Sư phạm Hà Nội, trường được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học từ năm 1976, đến nay đã đào tạo hàng nghìn tiến sĩ, hàng chục nghìn thạc sĩ với hàng chục ngành, chuyên ngành khác nhau.
Cùng với nhiệm vụ đào tạo nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho đất nước, nhất là nhân lực cho ngành giáo dục, Trường đại học Sư phạm Hà Nội còn đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho nhiều sinh viên, giáo viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh quốc tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, Trường đại học Sư phạm Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học trường đại học trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng cao.
Chia sẻ với các tân tiến sĩ và thạc sĩ, GS,TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng học tập, nghiên cứu để làm giàu tri thức, tạo dựng cách thức làm việc hiệu quả là không có điểm cuối cùng, nhất là trong thời kỳ công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay. Hơn nữa, mọi sự tiến bộ, văn minh và phát triển bền vững của một đất nước phải bắt đầu từ giáo dục và bằng con đường phát triển giáo dục. Trong đó, tự học và học tập suốt đời là giải pháp mang tính căn cơ.
Hầu hết các tân tiến sĩ, thạc sĩ là nhà giáo và sẽ là nhà giáo đã chọn nghề giáo, hãy dành tình yêu quý cao nhất cho nghề. Giáo dục không chỉ tác động đến trẻ ở thời điểm hiện tại mà còn đến cả tương lai của các em. Một đứa trẻ lớn khôn, tiến bộ hơn, lễ phép hơn, trung thực hơn và biết thương yêu cha mẹ, ông bà hơn; trưởng thành trở thành người tử tế, đó là hạnh phúc của nhà giáo.
Cũng theo GS,TS Nguyễn Văn Minh, công nghệ mãi mãi là công cụ, làm chủ công nghệ, ứng dụng nó trong công việc để giáo dục, phát triển con người là điều phải quan tâm, nhất là hiện nay. Cần biết về AI, robot, ChatGPT và các tiện ích để dùng nó một cách hữu ích, chính đáng và trong giáo dục đừng bao giờ biến con người thành robot. Đáng chú ý, đối với giáo dục, xã hội luôn kêu ca, phụ huynh luôn phàn nàn và không bằng lòng như là một đòi hỏi chính đáng thôi thúc nhà giáo thay đổi, chứ không nản lòng bởi khi không còn ai kêu ca nghĩa là niềm tin đã nguội lạnh…