Trường đại học, THPT ủng hộ việc nâng ngưỡng đầu vào với ngành sư phạm, sức khỏe

Những thay đổi trong dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ đại học dự kiến tác động trực tiếp đến cách học của học sinh trung học phổ thông.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế tuyển sinh).

Trong đó, dự kiến thay đổi cách xác định ngưỡng đầu vào của phương thức xét tuyển của các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghềbằng kết quả học tập 6 học kỳ của cấp trung học phổ thông thay vì xét 3-5 học kỳ hoặc chỉ lấy kết quả năm lớp 12 như năm 2024.

Xét ngưỡng ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe với kết quả 3 năm là cần thiết

Đề cập đến điểm mới này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên (trường có đào tạo một số ngành sư phạm) cho biết: “Các trường đại học nên nâng cao tiêu chuẩn đối với phương thức xét học bạ, nhất là đối với sinh viên ngành sư phạm. Đây là điều cần thiết.

Qua khảo sát cho thấy kết quả học của các sinh viên trúng tuyển từ phương thức xét học bạ có phần thấp hơn so với các sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục đại học đã điều chỉnh mức điểm học bạ khi xét tuyển, đồng thời giảm chỉ tiêu xét học bạ”.

 Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: NVCC.

Tương tự, đối với các ngành sức khỏe, dự thảo cũng có một số sự thay đổi trong cách xét ngưỡng đầu vào so với quy định hiện hành.

Đánh giá tích cực về những thay đổi trong dự thảo này, Thạc sĩ Dương Văn Bá - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Đào tạo đại học và Sau đại học, Trường Đại học Hòa Bình (đơn vị có đào tạo một số ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe) cho biết: “Việc thay đổi xét tuyển bằng kết quả học tập cả 3 năm cấp trung học phổ thông sẽ đánh giá chính xác hơn, đảm bảo chất lượng đầu vào tốt hơn cho việc đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.

Đồng thời, tôi cũng cho rằng, dự thảo yêu cầu kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 6,5 trở lên với các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là hợp lý.

Những ngành học còn lại trong lĩnh vực sức khỏe đòi hỏi các thí sinh ở trình độ cao hơn để đáp ứng tốt việc học và thực hành nghề nghiệp trong tương lai. Vì vậy, ngưỡng xét tuyển với kết quả học tập trong cả 3 năm cấp trung học phổ thông xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8.0 trở lên, là phù hợp”.

Thầy Bá khẳng định, khi những quy định trong dự thảo thông tư được thông qua, tất nhiên sẽ có tác động đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

Tuy nhiên, yêu cầu chất lượng đầu vào cao hơn cũng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Trường Đại học Hòa Bình sẽ thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời, công khai rõ ràng các thông tin liên quan đến tuyển sinh để các thí sinh nắm bắt.

Ngoài ra, trong dự thảo thông tư cũng có điểm mới liên quan đến điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải đảm bảo mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích).

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Dương Văn Bá nhận xét, quy định chung về một thang đo là hợp lý. Mặc dù vậy, cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về thang đo, cách chuyển đổi với từng phương thức xét tuyển. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng sẽ cần nguồn lực để tiến hành thêm bước tính toán kết quả theo thang đo chuẩn.

Ngoài ra, thầy Bá đưa ra đề xuất: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm ban hành Quy chế tuyển sinh đại học chính thức. Hiện tại, các trường đại học đã kết thúc tuyển sinh năm 2024, đang chuẩn bị tuyển sinh năm 2025.

Các trường đại học chưa thể công khai phương án tuyển sinh chính thức khi Bộ chưa ban hành quy chế".

 Một giờ học tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: Mộc Trà.

Một giờ học tại Khoa Sư phạm, Trường Đại học Phú Yên. Ảnh: Mộc Trà.

Xét kết quả 3 năm tác động tích cực đến học sinh, thúc đẩy giáo viên trau dồi, cập nhật

Về việc “siết” quy định chung đối với phương thức xét học bạ, Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở tỉnh Nam Định cho biết: “Việc xét kết quả học tập của cả năm lớp 12 sẽ toàn diện hơn đồng thời tạo động lực cho học sinh cố gắng, không lơ là, chểnh mảng. Hơn nữa, lớp 12 là năm học trọng tâm về kiến thức. Thực tế, khi chỉ xét kết quả học kỳ 1 của năm lớp 12, nhiều học sinh đã có kết quả trúng tuyển sớm dẫn đến các em sao nhãng, không có tinh thần phấn đấu”.

Bên cạnh đó, vị Hiệu trưởng này cũng ủng hộ việc nâng cao yêu cầu đối với ngưỡng xét tuyển các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe: “Yêu cầu xét tuyển kết quả học tập của cả 3 năm học trung học phổ thông không chỉ tác động tích cực đến việc học tập của học sinh, mà còn thúc đẩy giáo viên tiếp tục học hỏi, trau dồi để nâng cao chất lượng bài giảng.

Nhằm đáp ứng những thay đổi sắp tới trong quy chế tuyển sinh trình độ đại học, nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, lựa chọn giáo viên có trình độ cao giảng dạy cho học sinh lớp 12.

Đồng thời, nhà trường đầu tư thêm trang thiết bị để thực hiện tốt hơn chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng sẽ tăng cường truyền thông để học sinh nắm được những thay đổi sau khi có quy chế tuyển sinh chính thức, từ đó, có kế hoạch học tập hợp lý”.

Chia sẻ thêm về các điểm mới trong dự thảo, cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên Địa lý, thành viên Ban Hướng nghiệp, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nhìn nhận, việc nâng các tiêu chuẩn đối với phương thức xét học bạ hay quy đổi các phương thức về thang điểm chung là cần thiết, giúp nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào.

“Học sinh thường có suy nghĩ, sử dụng phương thức xét học bạ sẽ dễ trúng tuyển hơn so với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, nếu không xét đến kết quả học kỳ 2 năm lớp 12, các em thường chỉ nỗ lực 5 kỳ học đầu tiên, mà thiếu tập trung ở kỳ học cuối.

Vì vậy, tôi ủng hộ việc xét học bạ cả năm 3 năm trung học phổ thông đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; đồng thời, tính toán thang điểm của phương thức xét học bạ hợp lý, để chọn lọc được thí sinh chất lượng vào các trường đại học” - cô Loan nhấn mạnh.

Nhằm hỗ trợ học sinh có phương án học tập tốt nhất, cô Loan cho biết, nhà trường có Ban Hướng nghiệp, sẵn sàng trao đổi và định hướng giúp học sinh dựa trên tình hình học tập hiện tại. Bên cạnh đó, bản thân học sinh cũng cần nỗ lực, cố gắng bám sát chương trình, nắm vững cấu trúc đề minh họa để có chiến thuật học tập phù hợp nhất.

Huyền Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-thpt-ung-ho-viec-nang-nguong-dau-vao-voi-nganh-su-pham-suc-khoe-post247674.gd