Trường Đại học Thủy lợi: Khẳng định chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế

Trường Đại học Thủy lợi là trường công lập đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và ngày càng khẳng định là một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý.

"Học đi đôi với hành"

Trải qua chặng đường 63 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Thủy lợi luôn giữ vững danh hiệutrường đại học số 1 trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tài nguyên, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hiện Trường đã trở thành trường đại học đa ngành, nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập và bắt nhịp cùng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư như: trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu; cơ điện tử; công nghệ thông tin; thương mại điện tử; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Kinh tế số, Thương mại điện tử, Kiểm toán, Kỹ thuật robot và điều khiển thông minh…

Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, GS. Trịnh Minh Thụ

Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, GS. Trịnh Minh Thụ

Dự kiến năm 2023, Trường tuyển sinh và đào tạo 41 ngành trình độ Đại học, trong đó có 1 ngành giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, thuộc chương trình tiên tiến được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo từ 2008, chương trình gồm 2 chuyên ngành gồm Kỹ thuật xây dựng hợp tác với Đại học Arkansas - Hoa Kỳ và Kỹ thuật tài nguyên nước hợp tác với Đại học Bang Colorado - Hoa Kỳ.

Theo thống kê của trường ĐH Thủy Lợi, trong 5 năm trở lại đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau một năm luôn đạt trên 95%. Năm 2021, tỷ lệ sinh viên có việc làm là 97.32%.

GS.TS. Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Trường đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những đại học đa ngành hàng đầu trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các ngành khoa học - kỹ thuật, kinh tế và quản lý. Việc hợp tác với các doanh nghiệp trong và nước ngoài được xem là chiến lược quan trọng và được triển khai thành công trong nhiều năm qua, vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, vừa mở thêm cánh cửa cơ hội việc làm cho sinh viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp.

Hiệu trưởng cho biết, với quan điểm "học đi đôi với hành", nhiều năm qua, Trường Đại học Thủy lợi đã có nhiều kết nối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, với nhiều trường đại học nước ngoài thông qua các chương trình trao đổi học thuật của sinh viên, giảng viên, chương trình định hướng làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, chương trình đào tạo 2+2… đây sẽ là cầu nối vững chắc trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi sinh viên; tạo cơ hội để giảng viên, sinh viên sang các trường đại học, doanh nghiệp tiếp cận với môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại; nâng cao tác phong và kỹ năng làm việc.

Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu

Với quan điểm “Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu”, Trường ĐH Thủy Lợi đã thực hiện hợp tác, xây dựng và phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn và truyền thống, tạo khả năng thương mại để giải quyết các vấn đề khoa học từ thực tế yêu cầu, phát triển Trường Đại học Thủy lợi thành trường đại học định hướng nghiên cứu. Năm 2020, Trường ĐH Thủy lợi đã phối hợp với Chính phủ Pháp thành lập Trung tâm Hợp tác Quốc tế nhằm triển khai các dự án nghiên cứu quốc tế, trao đổi học thuật, NCKH và trao đổi sinh viên giữa Trường ĐH Thủy lợi với Pháp nói riêng và Quốc tế nói chung.

Theo đó, Nhà trường đã bám sát các chương trình khoa học công nghệ (KHCN) và chương trình phát triển kinh tế xã hội của Trung ương và địa phương, liên kết với các nước và các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề KHCN có yêu cầu cấp thiết từ thực tế.Phát triển một số lĩnh vực KHCN mũi nhọn truyền thống trong tính toán, dự báo, thiết kế, ứng dụng công nghệ và vật liệu mới, tạo khả năng thương mại và hợp tác quốc tế.Tăng cường hội nhập và công bố quốc tế.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường ĐH Thủy Lợi và 7 trường đại học kỹ thuật Việt Nam gồm: Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Mỏ - Địa chất ký kết hợp tác; đã ký kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: thống nhất số lượng tín chỉ đào tạo cho mỗi bậc đào tạo; công nhận tín chỉ giữa 7 trường; khai thác cơ sở vật chất, nguồn lực của nhau; thúc đẩy, phối hợp chia sẻ về khoa học công nghệ; quốc tế hóa giáo dục... Đây sẽ là cơ hội để 7 trường cùng nhau phát triển hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng.

Trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục đại học, việc đẩy mạnh các hoạt động kiểm định quốc tế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược phát triển, hoàn thành sứ mạng và mục tiêu tầm nhìn của mỗi Trường.

GS.TS. Trịnh Minh Thụ cho biết, trong những năm vừa qua Trường Đại học Thủy lợi cũng đã tiến hành kiểm định 14 chương trình đào tạo (trong đó 2 ngành thuộc Chương trình tiên tiến, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh đạt chuẩn AUN-QA).

Trường cũng là một trong những trường đầu tiên trong cả nước tiến hành kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo thông tư 12/2017/TT-BGDĐT đạt kết quả cao với 95.5% số tiêu chí đạt yêu cầu trong số 111 tiêu chí liên quan đến tất cả các mặt hoạt động của Nhà trường, từ bảo đảm chất lượng về chiến lược, về hệ thống, về thực hiện chức năng cho đến kết quả hoạt động.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Thương mại KCL Hàn Quốc

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trường Đại học Thủy lợi và Công ty Thương mại KCL Hàn Quốc

Tăng cường hợp tác quốc tế và doanh nghiệp

Hợp tác quốc tế luôn được coi là một trong các chiến lược phát triển quan trọng của Trường Đại học Thủy lợi. Nhà trường chú trọng phát triển hợp tác sâu rộng trong đào tạo, nghiên cứu với tất cả các trường học, tổ chức, viện nghiên cứu, các tập đoàn trên toàn thế giới.

Nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác song phương và đa phương trong đào tạo và nghiên cứu đã được ký kết và đang triển khai hiệu quả giữa Trường Đại học Thủy lợi và các trường đại học danh tiếng đến từ Mỹ, Hà Lan, Đức, Pháp, Anh, Ý, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Phần Lan, Lào… từ đó đem lại cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường nhiều cơ hội để trao đổi, mở rộng kiến thức cũng như kinh nghiệm trong môi trường học tập và nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.

Trường Đại học Thủy lợi đã và đang nhận được nhiều tài trợ cho các dự án tăng cường năng lực và nghiên cứu khoa học từ các tổ chức quốc tế như ADB; World Bank; Chính phủ Hà Lan, Đan Mạch, New Zealand, Nhật Bản, Đức… nhờ đó uy tín Nhà trường được nâng cao trong khu vực và trên toàn thế giới trong lĩnh vực tài nguyên nước, thủy điện, môi trường và quản lý thiên tai.

Ngoài ra, Trường Đại học Thủy lợi đã và đang đẩy mạnh công tác tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, chuyên đề và hội nghị trong các lĩnh vực quan trọng này.

Vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ tại Australia và New Zealand “Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Việt Nam - Australia”, “Diễn đàn Hợp tác Giáo dục Việt Nam - New Zealand” diễn ra tại thành phố Melbourne (Australia) và Hamilton (New Zealand).

Tham gia Diễn đàn, GS.TS. Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi đã ký kết Biên bản ghi nhớ quan trọng về đào tạo và nghiên cứu khoa học với Trường Đại học Waitako - New Zealand.

Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi khẳng định: trong những năm gần đây, Trường Đại học Thủy lợi đã thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các đối tác Australia và New Zealand trong nghiên cứu và đào tạo. Đặc biệt, Chính phủ New Zealand đã luôn giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Quản lý tài nguyên và Biến đổi khí hậu của Nhà trường.

Thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh

Trong định hướng chiến lược, Trường Đại học Thủy lợi trở thành trường đại học nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực; uy tín trong đào tạo và chuyển giao công nghệ hướng tới các vấn đề phát triển bền vững.

Chính vì vậy, nhà trường đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh để tập hợp các chuyên gia nghiên cứu mũi nhọn của Trường Đại học Thủy Lợi và các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, với mục tiêu chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu của Trường Đại học Thủy Lợi trở thành trường hàng đầu trong nước và có uy tín trong các trường trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Vừa qua, Trường Đại học Thủy Lợi đã thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh gồm: nhóm AICOST - liên ngành giữa công nghệ thông tin, thủy văn và kỹ thuật tài nguyên nước nhằm mục tiêu ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các vấn đề thủy lợi, phòng chống thiên tai trong ngữ cảnh của biến đổi khí hậu; nhóm MLIC - liên ngành giữa công nghệ thông tin - điện - điện tử với mục tiêu xây dựng các hệ thống giám sát, điều khiển thông minh; nhóm GRAT - liên ngành giữa công nghệ viễn thám và thủy lợi nhằm mục tiêu ứng dụng các kỹ thuật viễn thám tiên tiến (remote sensing) cho các bài toán thủy lợi; nhóm ROOM - nghiên cứu tồn lưu, đánh giá rủi ro và giải pháp giảm thiểu của các chất hữu cơ bền (PTS) trong môi trường.

Nhóm cũng nghiên cứu giải pháp xử lý nước thải chứa các chất hữu cơ dễ phân hủy, từ đó hoàn chỉnh hướng nghiên cứu về ô nhiễm chất hữu cơ nói chung trong môi trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, mục tiêu xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm: nâng cao năng lực đội ngũ thông qua hoạt động nghiên cứu liên ngành để giải quyết các vấn đề phát triển bền vững; tiến tới việc tạo ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao cho công nghiệp, nông nghiệp và đời sống xã hội; tăng cường các công bố quốc tế chất lượng cao; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong các dự án nghiên cứu cụ thể...

Việc triển khai xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giúp hình thành nên những tập thể khoa học mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn. Điều này không chỉ giúp nâng cao số lượng các công trình công bố quốc tế chất lượng cao, giải pháp hữu ích, mà còn tăng cường khả năng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo sau đại học và xếp hạng đại học theo các tiêu chuẩn quốc tế của Nhà trường.

Có thể nói rằng, sự trưởng thành vượt bậc và khẳng định vị thế của Trường Đại học Thủy lợi trong hệ thống giáo dục của đất nước không thể tách rời khỏi công tác khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

Bình An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/truong-dai-hoc-thuy-loi-khang-dinh-chat-luong-dao-tao-day-manh-chuyen-giao-cong-nghe-hop-tac-quoc-te-i313857/