Trường ĐH cẩn trọng đưa ra mức điểm xét tuyển
Các trường ĐH đang lần lượt công bố điểm sàn xét tuyển để thông tin đến thí sinh trước khi các em điều chỉnh nguyện vọng
Trường ĐH Tài chính - Marketing vừa công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 15,5 điểm cho tất cả ngành đào tạo bậc ĐH chính quy thuộc các chương trình đào tạo, không phân biệt tổ hợp xét tuyển. TS Đặng Thị Ngọc Lan, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn/bài thi và điểm ưu tiên (nếu có).
Điểm xét tuyển biến động tùy ngành
Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố điểm sàn xét tuyển theo các phương thức xét tuyển.
Mức điểm nhận hồ sơ phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 đối với các chương trình tiên tiến quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, các chương trình chất lượng cao, chương trình kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản và các chương trình định hướng nghề nghiệp là 15,5 điểm. Đây là tổng điểm 2 môn/bài thi THPT quốc gia gồm môn toán và môn khác (không phải ngoại ngữ); chương trình tiên tiến và chất lượng cao kinh tế đối ngoại xét từ 16 điểm.
Với phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 (đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng), mức điểm sàn là 20,5. Riêng cơ sở tại Quảng Ninh xét từ 17 điểm. Thạc sĩ Trần Đình Huyên, Trưởng Ban Đào tạo Cơ sở 2 Trường ĐH Ngoại thương, cho biết mức điểm xét tuyển năm nay cao hơn năm 2018 là 0,5 điểm.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, mức điểm xét tuyển dự kiến từ 15 đến 17, tùy ngành. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường, mức điểm sàn năm nay có nhích hơn năm ngoái dựa vào số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV) 1, phổ điểm thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố và xu thế điểm chuẩn các năm trước.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, điểm xét tuyển của cơ sở chính ở TP HCM từ 16 đến 18 điểm. Riêng 2 phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận có điểm xét tuyển chỉ trên 13.
Cẩn trọng vì quá nhiều phương án
Mặt bằng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 tốt hơn năm 2018 nên các chuyên gia dự kiến điểm trúng tuyển vào các trường sẽ tăng. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến thận trọng hơn trong việc đưa ra mức điểm xét tuyển.
TS Đặng Thị Ngọc Lan cho biết điểm xét tuyển năm nay, Trường ĐH Tài chính - Marketing đưa ra ngang bằng với năm 2018 dù kết quả thi của thí sinh năm nay tốt hơn năm ngoái. Bởi vì những thí sinh có kết quả thi cao thường có xu hướng chọn y dược và khối ngành kỹ thuật để học. Ở khối ngành kinh tế, hiện có nhiều trường đào tạo và chất lượng thí sinh cũng chỉ ở học lực trung bình khá đến mức đầu của loại khá. Do vậy, mức điểm xét tuyển 15,5 là phù hợp.
Cùng quan điểm này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho rằng kết quả điểm thi THPT của thí sinh tốt hơn năm ngoái là có nhưng hiện các trường có nhiều phương thức xét tuyển như tuyển thẳng học sinh trường chuyên, trường top 200 cả nước…
Ngoài ra, ĐHQG TP HCM còn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với lượng thí sinh tham gia rất lớn. Do vậy, những thí sinh giỏi chủ yếu đã trúng tuyển theo các phương thức trên nên số thí sinh khá, giỏi xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia không nhiều, khó đẩy điểm chuẩn lên cao. Có chăng, chỉ những ngành "hot" mới có điểm trúng tuyển cao, các ngành khác điểm giữ nguyên hoặc tăng không nhiều.