Trường ĐH Gia Định: Sinh viên Công nghệ truyền thông được học về AI, kỹ thuật số

Nhà truyền thông phải có khả năng sáng tạo, viết tốt, sản xuất nội dung đa dạng như video, podcast, đồ họa thông tin.

Trước bối cảnh các hình thức truyền thông ngày càng trở nên phong phú và phức tạp, ngành Công nghệ truyền thông được ví như "nhịp cầu" để truyền tải thông điệp từ các tổ chức, doanh nghiệp đến công chúng, mở ra cơ hội việc làm đa dạng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Ngành Công nghệ truyền thông đào tạo người học về việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động truyền thông (bao gồm sản xuất, lan tỏa và tiếp nhận thông tin); trang bị kiến thức nền tảng về truyền thông, công nghệ truyền thông hiện đại và sáng tạo nội dung thu hút, hiệu quả.

Được biết, năm 2024, Trường Đại học Gia Định bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ truyền thông.

Sinh viên Công nghệ truyền thông có nhiều lợi thế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết, thị trường truyền thông hiện nay đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, trong đó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ và sự chuyển dịch trong hành vi của người tiêu dùng. Ví dụ như: chuyển dịch sang kỹ thuật số, tăng cường cá nhân hóa, truyền thông tích hợp và đa kênh,... Do đó, nhu cầu nhân lực có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực truyền thông ngày càng tăng.

 Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. (Ảnh: website nhà trường)

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Chung cho rằng, nhu cầu nhân lực lĩnh vực truyền thông cần có kỹ năng kỹ thuật số, sáng tạo nội dung, kỹ năng quản lý và xây dựng chiến lược, hiểu biết về AI và công nghệ mới.

Cụ thể, thầy Chung chia sẻ: "Các doanh nghiệp đang tìm kiếm những chuyên gia có thể tối ưu hóa hiệu quả các chiến dịch truyền thông kỹ thuật số. Do vậy, kiến thức về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), SEM (quảng cáo trên công cụ tìm kiếm), quản lý nội dung trên các nền tảng số, và khả năng phân tích dữ liệu là những kiến thức, kỹ năng rất quan trọng".

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định nhận xét, sự cạnh tranh gay gắt của thị trường đòi hỏi các nhà truyền thông phải có khả năng sáng tạo, viết tốt, sản xuất nội dung đa dạng như video, podcast, đồ họa thông tin.

Nhân lực lĩnh vực truyền thông cần hiểu biết về chiến lược truyền thông tổng thể, khả năng quản lý dự án, và kỹ năng lãnh đạo cũng là những yêu cầu quan trọng. Các chuyên gia truyền thông cần biết cách lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các chiến dịch truyền thông.

"Việc ứng dụng AI và các công nghệ mới như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) vào truyền thông đang trở nên phổ biến. Do đó, người học có kiến thức về các công nghệ này khi học ngành Công nghệ truyền thông là một lợi thế lớn", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định chia sẻ.

 Sinh viên Trường Đại học Gia Định trong tiết thực hành. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Trường Đại học Gia Định trong tiết thực hành. (Ảnh: NTCC)

Chương trình tích hợp công nghệ, tăng cường thực hành, đảm bảo đạo đức nghề nghiệp

So với những cơ sở giáo dục cùng đào tạo ngành Công nghệ truyền thông, chương trình đào tạo ngành này của Trường Đại học Gia Định được thiết kế theo hướng ứng dụng cao, và có sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia trong ngành.

"Bên cạnh lý thuyết, cơ hội thực hành đối với sinh viên ngành Công nghệ truyền thông được tối đa hóa trong chương trình đào tạo, đặc biệt ở năm thứ 2, 3 - khi sinh viên đã nắm vững khung lý thuyết.

Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển tới đây, ngành Công nghệ truyền thông của nhà trường định hướng đầu tư vào trang thiết bị truyền thông nhằm giúp sinh viên có môi trường thực hành bám sát với môi trường sản xuất các sản phẩm truyền thông trên thực tế", thầy Chung chia sẻ.

Để đáp ứng chuẩn đầu ra trong đào tạo truyền thông, Khoa Truyền thông số của Trường Đại học Gia Định thường xuyên, liên tục cập nhật và điều chỉnh chương trình giảng dạy để phù hợp với xu hướng và nhu cầu thị trường.

Thầy Chung cho rằng, chương trình học ngành Công nghệ truyền thông cũng tích hợp công nghệ, tăng cường kỹ năng thực hành và đảm bảo đạo đức nghề nghiệp - những yếu tố quan trọng giúp sinh viên sẵn sàng khi làm việc trong ngành truyền thông đầy thách thức.

Công nghệ truyền thông là ngành đào tạo đặc biệt chuyên sâu về ứng dụng công nghệ và kỹ thuật truyền thông một cách bài bản nhằm tạo ra các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông chất lượng. Tại Trường Đại học Gia Định, ngành Công nghệ truyền thông hướng tới 3 tiêu chí chính: chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả. Với mục tiêu tạo ra thế hệ người làm truyền thông có khả năng sáng tạo cao, tạo ra những sản phẩm mang tính hiệu quả trong hoạt động truyền thông, giải trí, phong cách làm việc chuyên nghiệp.

 Sinh viên Trường Đại học Gia Định. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Trường Đại học Gia Định. (Ảnh: NTCC)

Được biết, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Công nghệ truyền thông, Trường Đại học Gia Định đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong ngành để tạo điều kiện thực tập cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường chú trọng việc hợp đồng, hợp tác, tổ chức hội thảo và sự kiện kết nối doanh nghiệp với sinh viên, đảm bảo vị trí thực tập phù hợp và có chất lượng cho sinh viên.

Thêm nữa, ngành cũng tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các chương trình thực tập quốc tế để mở rộng kiến thức và kinh nghiệm. Tổ chức các cuộc thi, hoạt động sáng tạo khác nhằm khuyến khích sinh viên thử nghiệm và phát triển ý tưởng.

Ngoài những thuận lợi, thầy Chung chia sẻ, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Công nghệ truyền thông của nhà trường cũng có những khó khăn nhất định:

Thứ nhất, công nghệ truyền thông thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi chương trình đào tạo phải thường xuyên cập nhật để bắt kịp xu hướng.

Thứ hai, thiếu thiết bị công nghệ cao, phòng Lab hiện đại và phần mềm cần thiết cho việc nghiên cứu và giảng dạy.

Thứ ba, thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế và kỹ năng chuyên sâu về Công nghệ truyền thông.

Thứ tư, khó thu hút và giữ chân giảng viên chất lượng cao do mức lương cạnh tranh.

Thứ năm, nguồn kinh phí để đầu tư vào công nghệ mới và cơ sở vật chất còn hạn chế.

Chia sẻ về một số vị trí việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ truyền thông, theo thầy Chung, tốt nghiệp ngành Công nghệ truyền thông, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như:

Chuyên viên SEO/SEM để tăng cường sự hiện diện trực tuyến của doanh nghiệp;

Nhà phân tích dữ liệu truyền thông (phân tích dữ liệu từ các chiến dịch truyền thông để đánh giá hiệu quả và đưa ra các cải tiến);

Chuyên viên quản lý mạng xã hội (quản lý các tài khoản mạng xã hội của doanh nghiệp, xây dựng chiến lược nội dung và tăng cường tương tác với khách hàng).

Ngọc Huệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-gia-dinh-sinh-vien-cong-nghe-truyen-thong-duoc-hoc-ve-ai-ky-thuat-so-post244457.gd