Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN mở ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam
Với định hướng chú trọng thực hành và thực tập, CTĐT tạo điều kiện để SV Việt ở nước ngoài và SV quốc tế trực tiếp đến các cơ sở giảng dạy tiếng Việt trải nghiệm.
Ngày 18/5, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức buổi lễ ra mắt chương trình đào tạo cử nhân ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chương trình đào tạo Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Tham dự buổi lễ là sự hiện diện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Trường - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sĩ Lê Tuấn Anh - Trưởng ban Hợp tác và phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Kim Sang Hoi - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội cùng đại diện ban giám hiệu một số trường trung học phổ thông, công ty và trung tâm học thuật.
Về phía Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội có sự hiện diện của Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Long - Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng; Tiến sĩ Hoa Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng; Tiến sĩ Trần Hữu Trí - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á;... cùng sự hiện diện của lãnh đạo các đơn vị, phòng ban chức năng, khoa đào tạo trong toàn trường và toàn thể cán bộ, sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á.

Lễ ra mắt chương trình đào tạo cử nhân ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chương trình đào tạo Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sinh viên theo học chương trình “Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ” (ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) trong năm 2025 sẽ được thụ hưởng trọn vẹn những thành quả tích lũy qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của nhà trường.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc buổi lễ.
“Chương trình đào tạo Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ hướng đến cả học sinh, sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy tối đa thế mạnh từ hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong đào tạo, tổ chức giảng dạy và triển khai các chương trình học tập ở nước ngoài.
Nhờ đó, sinh viên theo học chương trình này sẽ có cơ hội tiếp cận những kinh nghiệm quốc tế quý giá, cũng như được thụ hưởng các mối quan hệ đối tác mà nhà trường đã dày công xây dựng trong suốt quá trình phát triển.
Ngoài ra, chương trình đào tạo cũng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ các đơn vị chức năng, với sự phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình triển khai. Chương trình đào tạo đã hoàn tất quy hoạch ngành và chuyên ngành theo định hướng của Đại học Quốc gia Hà Nội, vượt qua các vòng thẩm định từ cấp cơ sở đến cấp đại học, và được phê duyệt công tác tuyển sinh từ rất sớm.
Hôm nay, nhà trường chính thức công bố tuyển sinh chương trình Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Trong thời gian tới, nhà trường mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ quý báu từ các đơn vị chức năng cũng như từ các đối tác trong và ngoài nước, nhằm hoàn thiện quy hoạch ngành và chuyên ngành giai đoạn 2025-2030 của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội”, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh cho hay.
Cũng tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Lan - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo và người học đã báo cáo về quá trình xây dựng ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, chương trình đào tạo Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Theo đó, chương trình đào tạo Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ được xây dựng trên nền tảng vững chắc về ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy đã được khẳng định trong nhiều năm qua.
Với định hướng chú trọng thực hành, thực tập, chương trình sẽ tạo điều kiện cho sinh viên bao gồm cả người Việt ở nước ngoài và người học quốc tế được trực tiếp đến các cơ sở giảng dạy tiếng Việt để trải nghiệm thực tế. Đây là một điểm nhấn trong chương trình, đồng thời thể hiện định hướng giáo dục nhất quán của nhà trường: phát triển con người toàn diện, năng động, sáng tạo và có trách nhiệm với xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Thúy Lan - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo và người học phát biểu tại buổi lễ.
“Năm nay, khóa học đầu tiên của chương trình Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ sẽ tuyển sinh khoảng 50 sinh viên, đảm bảo quy mô hợp lý để tăng cường chất lượng đào tạo và hỗ trợ học tập tốt nhất.
Dù chỉ có 7 tháng để hoàn tất các thủ tục và thuyết phục Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt chương trình, nhưng thực chất, nền tảng cho chương trình học này đã được nhà trường chuẩn bị từ những năm 1990 với nhiều kinh nghiệm tích lũy. Đây là một chương trình được đầu tư bài bản, có hàm lượng học thuật cao và mang đậm giá trị văn hóa, phù hợp với xu thế đào tạo tiếng Việt cho người nước ngoài hiện nay”, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Lan thông tin.
Về điểm nổi bật của chương trình đào tạo Giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ (ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam), Tiến sĩ Trần Hữu Trí - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chương trình học này không chỉ giúp người học nắm vững một cách hệ thống về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam mà còn phát triển năng lực giảng dạy tiếng Việt chuyên sâu và khoa học.
Đặc biệt, người học sẽ có năng lực ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn thành thạo để sử dụng trong môi trường giảng dạy và học thuật.

Tiến sĩ Trần Hữu Trí - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Trí, các nhóm năng lực sinh viên đạt được sau khi tốt nghiệp gồm: kiến thức, kỹ năng và trình độ.
Về kiến thức, sinh viên theo học chương trình sẽ nắm vững và sử dụng tiếng Việt một cách hiệu quả trong giảng dạy cũng như giao tiếp. Đồng thời, sinh viên có khả năng so sánh, đối chiếu văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam với các quốc gia khác, từ đó tăng cường hiểu biết liên văn hóa. Ngoài ra, chương trình còn trang bị kiến thức khoa học về giáo dục, ngôn ngữ và văn hóa, giúp sinh viên vận dụng linh hoạt vào thực tiễn nghề nghiệp sau này.
Về kỹ năng, sinh viên sẽ được trang bị năng lực thiết kế và tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng người học. Đồng thời, có khả năng vận dụng hiệu quả các kỹ năng mềm như tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp và giải quyết vấn đề. Sinh viên cũng sẽ thành thạo trong việc sử dụng công nghệ và các công cụ số phục vụ cho học tập, giảng dạy và công việc chuyên môn.
Cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành này rất đa dạng. Sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên có thể đảm nhiệm vai trò giáo viên giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài; làm biên - phiên dịch viên trong các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; trở thành chuyên viên phụ trách đào tạo tại các cơ quan giáo dục hoặc doanh nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể làm hướng dẫn viên du lịch, biên tập viên, hoặc thư ký văn phòng trong môi trường làm việc đa văn hóa và sử dụng tiếng Việt như một công cụ chuyên môn.