Trường ĐH nói gì khi có mốc thời gian để thu hồi kinh phí hỗ trợ SV sư phạm?
NĐ 60 giúp tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ sinh viên sư phạm, đảm bảo sinh viên được nhận kinh phí kịp thời và quy định rõ trách nhiệm thu hồi, sử dụng ngân sách.
Nghị định số 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 4 năm 2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Chính sách mới giúp địa phương chủ động trong đào tạo giáo viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Tân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: "Nghị định số 60/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã làm rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố, nơi sinh viên thường trú hoặc cơ quan giao nhiệm vụ đặt hàng để thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ nếu không đáp ứng điều kiện theo quy định. Để triển khai cụ thể nhiệm vụ này cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố, cơ quan giao nhiệm vụ đặt hàng và cơ sở giáo dục.
Theo Nghị định số 60, việc hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm sẽ bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Nếu địa phương có nhu cầu thì giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho trường sư phạm trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường đại học trên cả nước.
Quy định mới này vừa giúp địa phương chủ động vừa đảm bảo nguồn tài chính ổn định, rõ ràng, giúp cơ sở đào tạo giáo viên không phải chờ đợi kinh phí. Từ đó, nhà trường chủ động trong kế hoạch đào tạo, sinh viên nhận được kinh phí đầy đủ, kịp thời và không phụ thuộc vào chính sách thay đổi của địa phương".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Tân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho rằng, so với Nghị định số 116, Nghị định số 60 đã bổ sung thêm mốc thời cụ thể đối với các đơn vị liên quan khi thực hiện thu hồi kinh phí hỗ trợ sinh viên sư phạm. Cụ thể:
Tại khoản 6, Điều 9: Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền bồi hoàn kinh phí của sinh viên sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nộp trả kinh phí vào ngân sách nhà nước.
Tại khoản 7, Điều 11: Trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện báo cáo số liệu của năm trước liền kề theo hình thức nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện kinh phí bồi hoàn của sinh viên sư phạm gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính. Thời gian chốt số liệu báo cáo từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề.
Việc quy định các mốc thời gian cụ thể là một trong những điều chỉnh hợp lý, giúp nâng cao trách nhiệm của cơ quan liên quan, bảo đảm việc thu hồi kinh phí rõ ràng, hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở đào tạo giáo viên cũng chủ động thu hồi và hoàn trả đúng hạn, phối hợp thường xuyên hơn với địa phương trong đào tạo giáo viên. Đồng thời, cũng làm rõ trách nhiệm của sinh viên trong việc thực hiện đúng hạn, tránh việc bị áp lãi suất do chậm hoàn trả.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho biết, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách. Đối với các địa phương có nhu cầu về nguồn giáo viên, có thể thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên. Cơ sở đào tạo sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên đăng ký hưởng trước ngày 15 hàng tháng.
Kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định này sẽ được tính toán và phân bổ hàng năm theo quy định hiện hành về ngân sách nhà nước. Điều này giúp các cơ sở đào tạo và sinh viên sư phạm nhận được kinh phí hỗ trợ kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện cho sinh viên yên tâm học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngoài ra, Nghị định số 60 cũng làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ tài chính.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội cho rằng, Nghị định số 60/2025/NĐ-CP đã sửa đổi và bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm, nhằm giải quyết những bất cập tồn tại trước đây. Cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định đã bổ sung thêm trường hợp sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ sẽ do cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng theo dõi, ra thông báo và quy định rõ trình tự thực hiện, hồ sơ làm căn cứ để ra thông báo thu hồi. Ngoài ra, Nghị định bổ sung thêm mẫu số 3 về báo cáo nhu cầu đào tạo giáo viên; mẫu số 4 về thông báo người học nộp tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt; mẫu số 5 về báo cáo thực hiện hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt và kinh phí bồi hoàn của sinh viên sư phạm.
Thứ hai, Nghị định này đã quy định cụ thể ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc hướng dẫn thủ tục theo dõi, đôn đốc và ra thông báo thu hồi tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm thường trú tại địa phương thuộc trường hợp phải bồi hoàn. Việc thu hồi kinh phí bồi hoàn của sinh viên được chuyển giao cho cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ) theo quy định.
Thứ ba, quy định về miễn, giảm hoặc xóa bồi hoàn nêu rõ, sinh viên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc từ trần sẽ được xóa kinh phí bồi hoàn. Nếu thuộc diện được miễn hoặc giảm học phí theo quy định của Chính phủ, sinh viên sẽ được miễn hoặc giảm mức bồi hoàn tương ứng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên thường trú sẽ quyết định việc miễn, giảm hoặc xóa kinh phí bồi hoàn cho các trường hợp này.
Thứ tư, cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ có trách nhiệm nộp trả kinh phí bồi hoàn vào ngân sách nhà nước trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được tiền bồi hoàn từ sinh viên. Điều chỉnh này giúp quy trình bồi hoàn kinh phí trở nên rõ ràng, minh bạch và khả thi hơn, khắc phục các bất cập trước đây, đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
Xác định rõ ràng trách nhiệm của từng bên liên quan trong việc giám sát và thu hồi kinh phí
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho rằng, những điều chỉnh trong Nghị định số 60 quy định rõ ràng về nghĩa vụ bồi hoàn và các hình thức xử lý khi sinh viên không hoàn trả kinh phí hỗ trợ là hợp lý nhằm tạo sự công bằng cho người học. Bên cạnh đó, Nghị định cũng xác định rõ ràng trách nhiệm của từng bên liên quan trong việc giám sát và thu hồi kinh phí.
Theo Nghị định số 60, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên đăng ký thường trú theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện chính sách giáo dục trên địa bàn.
Nhìn chung, Nghị định này đã tháo gỡ được những vướng mắc lớn trước đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục trong quá trình triển khai chính sách.
Nghị định số 60 sẽ bắt đầu áp dụng từ năm học 2025–2026 nên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ phổ biến đến sinh viên để giúp các em hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, trong công tác tư vấn tuyển sinh năm 2025, nhà trường sẽ đưa nội dung này vào các buổi trao đổi để thí sinh nắm bắt đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như trách nhiệm của bản thân khi quyết định theo học các ngành sư phạm. Khi hiểu rõ ràng, quy trình thực hiện sẽ diễn ra thuận lợi và đảm bảo tính minh bạch.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục, ngoài chính sách quy định tại Nghị định số 60, các trường đang hướng tới tự chủ cần có cơ chế linh hoạt hơn. Việc này giúp nhà trường có thể chủ động triển khai những giải pháp linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm nâng cao sức cạnh tranh và thu hút sinh viên.

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trong một buổi tham quan trưng bày đồ án tốt nghiệp. Ảnh: website nhà trường
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết, một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 60 là việc ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ các địa phương chưa đủ nguồn lực, đảm bảo tất cả sinh viên sư phạm trên cả nước đều được hưởng chính sách hỗ trợ.
Cụ thể, kinh phí thực hiện chính sách được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước hằng năm theo phân cấp quản lý hiện hành. Ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ ngân sách địa phương theo nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu, giúp các địa phương khó khăn có đủ nguồn lực để chi trả các khoản hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.
Việc phân bổ ngân sách từ trung ương để bù đắp các khoản chưa chi trả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sư phạm. Quy định này giúp khắc phục tình trạng một số địa phương không cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ, đảm bảo tất cả sinh viên sư phạm đều được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính một cách kịp thời và đầy đủ.
Nhờ đó, sinh viên sư phạm có thể yên tâm học tập, không phải lo lắng về việc chậm trễ hoặc thiếu hụt trong hỗ trợ tài chính, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và chất lượng giáo dục nói chung.
Ngoài ra, việc quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi kinh phí bồi hoàn giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý ngân sách nhà nước. Điều này đảm bảo rằng các khoản kinh phí hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích và được thu hồi kịp thời khi sinh viên không đáp ứng các điều kiện cam kết.
Để việc thu hồi kinh phí bồi hoàn trở nên cụ thể và minh bạch hơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quyết đề xuất:
Cầnquy định trách nhiệm thu hồi đối với từng đối tượng: Đối với sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn theo quy định tại điểm a, b, Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 116 là những sinh viên đã tốt nghiệp và không thuộc phạm vi theo dõi của cơ sở đào tạo giáo viên do vậy việc thu hồi nên giao cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ) thu hồi.
Đối với sinh viên thuộc đối tượng bồi hoàn theo quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 6, Nghị định số 116 sẽ giao cho cơ sở đào tạo giáo viên hoặc cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ (đối với sinh viên thuộc đối tượng đặt hàng, giao nhiệm vụ) theo quy định.
Ứng dụng công nghệ thông tin: Phát triển hệ thống quản lý trực tuyến để theo dõi và quản lý việc thu hồi kinh phí, giúp các cơ quan liên quan dễ dàng cập nhật thông tin và sinh viên có thể tra cứu, thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn một cách thuận tiện.
Tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn: Tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp tài liệu hướng dẫn cho sinh viên và cán bộ quản lý về quy trình bồi hoàn kinh phí, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan.
Thiết lập cơ chế giám sát và kiểm tra: Thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ để giám sát việc thực hiện thu hồi kinh phí tại các địa phương và cơ sở đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng quy định và kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.
Nghị định số 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 4 năm 2025 và áp dụng bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 do đó Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Tân thông tin, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tới sinh viên, giảng viên và xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, công tác chuẩn bị tuyên truyền tuyển sinh năm học 2025 - 2026 cần được chú trọng hơn nữa nhằm thu hút thí sinh tiềm năng, đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan để kịp thời rà soát, xác định nhu cầu kinh phí, đảm bảo nguồn lực tài chính được cấp phát đúng thời điểm. Việc này đòi hỏi sự chủ động trong lập kế hoạch, theo dõi các chính sách hỗ trợ và đề xuất phương án phân bổ hợp lý.
Ngoài ra, cần thực hiện quản lý chặt chẽ, minh bạch nguồn kinh phí từ khâu phân bổ đến sử dụng, đảm bảo hiệu quả và đúng mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng.