Trường ĐH Sư phạm TDTT kỷ niệm 20 năm nâng cấp thành trường đại học
Ngày 18/11, Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đã làm lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và 20 năm ngày nâng cấp lên thành trường đại học.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan trung ương, cùng đông đảo các thế hệ giảng viên sinh viên nhà trường.
Chặng đường 20 năm phát triển
Diễn văn của PGS.TS Nguyễn Duy Quyết, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng tại Lễ kỷ niệm 20 năm trường nâng cấp lên đại học và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất cho biết: Cách đây 20 năm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký quyết định số 83 nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương số 1 thành Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao (TDTT) Hà Tây, mở ra một trang sử mới.
Kế tục truyền thống của các thế hệ đi trước, 20 năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng của nhân dân, cũng như sự giúp đỡ quý báu của các đơn vị đối tác, bạn bè trong và ngoài nước, trường tự hào vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh để trở thành một cơ sở đào tạo giáo viên giáo dục thể chất hàng đầu của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, mặc dù qua nhiều thời điểm hết sức khó khăn, nhưng trường luôn kiên định, giữ vững chất lượng đào tạo, giữ vững giá trị truyền thống tốt đẹp để làm nên thương hiệu Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội. Từ trường đào tạo ở trình độ cao đẳng, đến nay đã và đang đào tạo ở trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Từ trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, đến nay đã trở thành trường đào tạo đa ngành với quy mô lớn với nhiều ngành nghề được xã hội đánh giá cao.
Bên cạnh những thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò và vị thế của trường còn được thể hiện đậm nét trong các hoạt động NCKH, những công trình và đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp đổi mới giáo dục, phát triển phong trào TDTT. Nhà trường đã triển khai thực hiện hơn 30 đề tài NCKH cấp Bộ; hơn 500 đề tài NCKH cấp trường; hàng trăm bài báo khoa học trong nước và quốc tế. Trường đã xây dựng phát triển bền vững tạo môi trường sư phạm TDTT đạt chuẩn.
Đổi mới theo hướng hội nhập quốc tế
Phát biểu chúc mừng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã ghi nhận đóng góp quan trọng vào sự nghiệp GD&ĐT của nhà trường. Từ một cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ, đơn ngành, cơ sở vật chất nhiều thiếu thốn, nhà trường đã không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn khẳng định uy tín, vị thế của mình. Đặc biệt là trong chặng đường 20 năm qua, với vai trò, sứ mạng là trường đại học đầu tiên của cả nước thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên thể chất.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giao nhiệm vụ, năm học 2023-2024, toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết của Quốc hội với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”. Tập thể sư phạm của trường quan tâm, tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Cần xác định phát triển đội ngũ con người là trọng tâm của mọi sự phát triển. Theo đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở GDĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030. Xây dựng kế hoạch, lộ trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Định hướng phát triển đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực trên cơ sở nhu cầu xã hội, đi đôi với nâng cao chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến và công nghệ đào tạo hiện đại. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá.
Chương trình đào tạo cần được nghiên cứu phù hợp với yêu cầu của người giáo viên trong giai đoạn mới, gắn với đặc điểm của các nhà trường phổ thông và gắn với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai cần phải được nghiên cứu bài bản, khoa học và nhà trường cần chủ động tham mưu cho Bộ trong việc xây dựng các chương trình nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tính sư phạm gắn với phổ thông, gắn với học sinh, tăng tính thực hành, thực tế.
Nhà trường cần nghiên cứu phát triển quy hoạch mở rộng thêm diện tích để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo, vừa để phục vụ tốt cho các hoạt động thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện để công tác đào tạo gắn với thực tiễn ngay tại Trường. Ngoài việc chú trọng, phát triển về chuyên môn, thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đội ngũ sinh viên cần phải được đặc biệt chú trọng - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.