Trường ĐH Tài chính - Marketing đề ra 5 trụ cột phát triển
Trường ĐH Tài chính - Marketing xác định việc lựa chọn ngành và chuyên ngành đào tạo phải mang bản sắc và không chạy theo thị trường.
Ngày 17-12, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM) tổ chức hội thảo bàn về giải pháp đột phá phát triển trường giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến 2045.
Trong giải pháp phát triển trường giai đoạn 2024-2026, PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng UFM, đề ra 5 trụ cột cho trường là đào tạo; nghiên cứu khoa học; dịch vụ đào tạo, tư vấn, khởi nghiệp, doanh nghiệp; hợp tác quốc tế, liên doanh quốc tế; cơ sở vật chất, và cho biết đây sẽ là những vấn đề định hình tất cả các hoạt động của trường trong thời gian tới.
Trong 5 trụ cột trên, đào tạo là nội dung được PGS-TS Phạm Tiến Đạt dành nhiều thời gian chia sẻ. Ông cho biết tới đây có những ngành sẽ biến mất nhưng cũng hình thành những ngành nghề mới.
Trong tình hình đó, trường sẽ chọn những ngành, chuyên ngành mang bản sắc, không chạy theo thị trường mà phải gắn với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tài chính, gắn với hoạt động của doanh nghiệp như tài chính công (ngân sách nhà nước, thuế, kho bạc, hải quan), tài chính doanh nghiệp, kế toán - kiểm toán, chứng khoán, thẩm định giá, phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô và chính sách tài khóa, marketing, quản trị kinh doanh, khoa học dữ liệu và phân tích dữ liệu kinh doanh doanh nghiệp, kinh doanh quốc tế, logistic, luật kinh tế.
Trong việc xây dựng và rà soát chương trình đào tạo và liên ngành chương trình đào tạo, trường tham khảo chương trình đào tạo của các trường ĐH đã liên kết với UFM tại các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Anh...; tham khảo và tích hợp các môn của chương trình đào tạo của các tổ chức nghề nghiệp uy tín trên thế giới như ACCA (chứng chỉ kế toán Anh được Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc cấp); gắn với quá trình chuyển đổi số nền kinh tế, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Khảo thí và kiểm định chương trình đào tạo, trường thực hiện kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời xây dựng lộ trình về nhân sự, cơ sở vật chất, chương trình thí điểm để kiểm định 1 số chương trình đào tạo đã liên kết với các trường ĐH nước ngoài theo AACSB (hiệp hội các trường đào tạo kinh doanh) để tận dụng kinh nghiệm.
"Phải bỏ tình trạng cứ đến chu kỳ kiểm định cả trường phải lao vào làm, phải xây dựng hệ thống thật chất lượng để làm kiểm định thường xuyên"- ông Đạt nói.
Về học liệu cho người học, Hiệu trưởng UFM cân nhắc việc viết giáo trình đại trà, sử dụng nguồn dữ liệu trên thế giới hoặc công nhận sử dụng giáo trình sẵn có; hợp tác khai thác dữ liệu số giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế.
Với hoạt động khoa học, lãnh đạo nhà trường khẳng định nghiên cứu khoa học phải phục vụ cho hoạt động, nhiệm vụ của trường, từng khoa, ngành phải đề ra giải pháp để giải quyết hàng loạt các vấn đề.