Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Trung Quốc

Đây là một sự kiện quan trọng để kỷ niệm 15 năm đào tạo ngành ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, và mở ra cơ hội để hướng tới tương lai.

Sáng ngày 10/11, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp cùng Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu giáo dục Hán ngữ quốc tế (Trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu tiếng Trung Quốc: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trưởng ban tổ chức Hội thảo cho biết: “Đây là một sự kiện quan trọng để kỷ niệm 15 năm đào tạo ngành ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, đồng thời vừa là dịp để chúng ta tự hào về những thành tựu đã đạt được, vừa mở ra cơ hội để hướng tới tương lai, với những xu hướng đang diễn ra trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam”.

Tiến sĩ Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trưởng ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc.

Tiến sĩ Bùi Kiên Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trưởng ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc.

Vị Phó Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia sử dụng tiếng Trung.

Cùng với sự tăng trưởng về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị, việc hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc sẽ giúp cho việc hợp tác giữa các nước trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, chúng ta cũng không thể xem nhẹ những thách thức hiện tại, từ việc áp dụng công nghệ mới trong giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đến việc cập nhật kiến thức và phương pháp nghiên cứu tiên tiến.

Chính vì vậy, Hội thảo lần này đã thu hút được sự tham gia của hơn 400 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên và sinh viên trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học ở Việt Nam và Trung Quốc”.

“Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng qua Hội thảo này, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của việc Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc; đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp góp phần mở ra những hướng nghiên cứu mới, những cơ hội hợp tác mới giữa các giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học chuyên sâu và khoa học liên ngành, đưa việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng Trung Quốc phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, góp phần xây dựng một cộng đồng quốc tế đa văn hóa, hòa bình và phát triển.

Mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa, để Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 bứt phá đi lên mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước, cho tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” - Tiến sĩ Bùi Kiên Cường chia sẻ.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ niềm hân hạnh được tham dự Hội thảo quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu tiếng Trung Quốc: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”.

Ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Theo đó, ông cho biết: “Năm 2010, “Luật Ngôn ngữ và văn tự thông dụng Trung Quốc” được chính thức ban hành, quy định ngôn ngữ và văn tự thông dụng Trung Quốc là tiếng phổ thông và chữ Hán tiêu chuẩn, tương ứng với ngoại văn, thì ngôn ngữ và văn tự thông dụng Trung Quốc được gọi là Trung văn.

Điều này một mặt thể hiện được tính đại diện của tiếng phổ thông và hệ thống chữ Hán tiêu chuẩn với nền tảng là chữ Hán của Trung Quốc, mặt khác cũng thể hiện được vị thế bình đẳng với các ngôn ngữ khác trên thế giới.

Đồng thời, cùng với sự giao lưu quốc tế của Trung Quốc ngày càng rộng rãi, việc dạy và học ngôn ngữ chữ viết Trung Quốc, đặc biệt là những khu vực ngoài Trung Quốc, đã hình thành những đặc điểm khác nhau.

Giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc không còn theo một cách bị động nữa, mà đã trở thành chủ thể đầy tính chủ động trong việc dạy-học văn hóa ngôn ngữ Trung Quốc, dùng tư liệu bản địa để biên tập giáo trình giảng dạy tiếng Trung, dùng tiếng Trung để kể chuyện của chính mình.

Nhìn từ hình thức dạy học, người học không chỉ đơn thuần tiếp thu kiến thức văn hóa Trung Quốc, mà còn hướng đến trải nghiệm hình thức giáo dục mở, học tập trong môi trường văn hóa mà chữ Hán là nền tảng. Xuất phát từ quan điểm này, năm 2019, “Đại hội tiếng Hán” do Trung Quốc tổ chức hàng năm bắt đầu từ đầu thế kỷ này đã đổi tên thành Đại hội “Giáo dục tiếng Trung Quốc”, để thể hiện tính bình đẳng và giao lưu trong giáo dục tiếng Trung.

Trao chứng nhận cho các báo cáo viên.

Trao chứng nhận cho các báo cáo viên.

Ông Bành Thế Đoàn nhấn mạnh: "Làm thế nào để biên tập tài liệu giảng dạy tiếng Trung cũng như sáng tạo phương pháp giảng dạy tiếng Trung mang đậm bản sắc đặc trưng của từng quốc gia, là một vấn đề không hề mới nhưng cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ, không gian phát triển là rất lớn.

Song song với việc Trung Quốc - Việt Nam cùng nhau xây dựng “Vành đai và Con đường” đi vào chiều sâu, giao lưu và hợp tác giữa hai nước chắc chắn sẽ ngày càng mật thiết và đi vào chiều sâu, đặt ra nhu cầu rất lớn từ số lượng cho đến chất lượng đối với nhân lực vừa thông thạo tiếng Trung, vừa am hiểu lịch sử văn hóa của nước mình”.

Ông Bành Thế Đoàn cho biết thêm: “Theo đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Việt Nam phê duyệt năm 2013, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông Việt Nam có thể triển khai giảng dạy tiếng Trung.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đảm trách cung cấp nguồn giáo viên chất lượng cao cho cả nước.

Các vị học giả và chuyên gia tham dự hội thảo hôm nay sẽ chia sẻ nghiên cứu, thành quả từ góc độ quan hệ Việt Trung, hệ thống tiêu chuẩn giáo dục tiếng Trung quốc tế, chính sách giáo dục tiếng Trung của các nước và việc dạy học chữ Nho trong lịch sử Việt Nam, nội dung phong phú và vô cùng đặc sắc”.

“Tôi tin rằng Hội thảo lần này sẽ thúc đẩy giáo dục tiếng Trung tại Việt Nam, góp phần giúp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” - vị Tham tán bày tỏ.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đã diễn ra phiên toàn thể và phiên song song với 3 tiểu ban cùng thảo luận các đề tài.

Phiên toàn thể “Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc - xu thế mới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cầm Tú Tài - Trưởng Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc - Trường Ngoại ngữ và Du lịch (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chủ trì. Tại phiên toàn thể, có 4 nội dung tham luận được báo cáo gồm:

Nghiên cứu về giáo dục tiếng Hán phục vụ con đường đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt” - Giáo sư Ngô Ứng Huy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục tiếng Trung Quốc quốc tế, Viện Trưởng Viện Giáo dục Hoa văn (Trường Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trao đổi học thuật và Xuất bản chuyên ngành - Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ thế giới.

Giáo sư Ngô Ứng Huy phát biểu tham luận.

Giáo sư Ngô Ứng Huy phát biểu tham luận.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, xác định tiêu chuẩn cấp bậc và khung tham khảo trong giáo dục tiếng Hán quốc tế” - Giáo sư Ngô Dũng Nghị - Viện phó Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ học ứng dụng - Học viện Hán ngữ đối ngoại, Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông; Ủy viên Thường vụ Hiệp hội giảng dạy Hán ngữ thế giới; Giám đốc Hiệp hội Văn học thành phố Thượng Hải; chuyên gia Hán Ban Trung Quốc (Văn phòng của nhóm lãnh đạo Quốc gia về xúc tiến quốc tế tiếng Trung Quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa); chuyên gia cấp cao Văn phòng Hoa Kiều Thượng Hải, kiêm giáo sư Trường Đại học Sư phạm Chiết Giang.

Giáo sư Ngô Dũng Nghị trình bày tham luận.

Giáo sư Ngô Dũng Nghị trình bày tham luận.

Hiện trạng, đặc điểm và xu thế phát triển của chính sách giáo dục tiếng Hán trên thế giới” - Giáo sư Vương Tổ Luy - Thành viên Hiệp hội Giảng dạy Hán ngữ thế giới và Hiệp hội hiện đại hóa giảng dạy tiếng Trung Quốc. Chủ nhiệm Ban Biên tập “Giáo dục Hán ngữ quốc tế phiên bản “Tiếng Trung - Tiếng Anh”; học giả phỏng vấn cao cấp tại Trường Đại học Sheffield (Anh quốc).

Giáo sư Vương Tổ Luy trình bày báo cáo.

Giáo sư Vương Tổ Luy trình bày báo cáo.

Nghiên cứu lý thuyết phát triển dạy học tiếng Hán ở Việt Nam” - Tiến sĩ Trần Linh Chi - Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2).

Tiến sĩ Trần Linh Chi - Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) phát biểu tham luận.

Tiến sĩ Trần Linh Chi - Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) phát biểu tham luận.

Sau các phần phát biểu tham luận, các đại biểu tham gia chương trình đã dành thời gian trao đổi, thảo luận thêm một số ý kiến xoay quanh các nội dung này.

Phiên song song diễn ra với hoạt động thảo luận của 3 tiểu ban:

Tiểu ban 1: “Nghiên cứu ngôn ngữ học và ngôn ngữ học đối chiếu” do Thạc sĩ Lê Huy Hoàng chủ trì.

Báo cáo tham luận và thảo luận tại tiểu ban 1.

Báo cáo tham luận và thảo luận tại tiểu ban 1.

Tiểu ban 2: “Nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiếng Hán” do Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tư chủ trì.

Tiểu ban 2.

Tiểu ban 2.

Tiểu ban 3: “Phát triển chương trình, phiên dịch” do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh chủ trì.

Tiểu ban 3.

Tiểu ban 3.

Các đại biểu tham gia thảo luận về các nội dung tham luận.

Các đại biểu tham gia thảo luận về các nội dung tham luận.

Hội thảo quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu tiếng Trung Quốc: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” đã được thiết kế tạo ra một không gian mở để thúc đẩy giao lưu về ý tưởng, trao đổi thông tin và mở rộng mạng lưới chuyên ngành.

Với các phiên thảo luận chuyên sâu, các bài chia sẻ từ các chuyên gia đầu ngành, và các phiên hỏi đáp sôi nổi, sự kiện hứa hẹn đem lại những thông tin quý báu và kích thích sự sáng tạo trong cộng đồng học thuật tiếng Trung Quốc.

Hội thảo tập trung vào các nội dung chủ yếu:

1. Xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc

2. Nghiên cứu ngôn ngữ học và ngôn ngữ học đối chiếu

3. Nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiếng Trung Quốc

4. Phát triển chương trình, phiên dịch.

Cả 4 chủ đề trên đều là những nội dung xuyên suốt Hội thảo, đồng thời cũng là những định hướng chung cho hoạt động của các tiểu ban. Theo đó, mỗi tiểu ban sẽ phát huy tối đa tinh thần chủ động, sáng tạo, tổ chức việc thảo luận thực chất, khoa học, từ đó có thể chắt lọc những ý tưởng, kiến nghị thực sự hữu ích, cung cấp những luận cứ khoa học quý báu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy về tiếng Trung Quốc quốc tế.

Sau các phần báo cáo và thảo luận, các báo cáo viên được trao giấy chứng nhận tham gia Hội thảo và đọc báo cáo tại các tiểu ban.

Bài và ảnh: Mộc Hương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dhsp-ha-noi-2-to-chuc-hoi-thao-quoc-te-ve-giang-day-tieng-trung-quoc-post239135.gd