Trường Hải và khát vọng làm công nghiệp ôtô đến cùng
Xe Mazda lắp ráp bởi Trường Hải được đánh giá có chất lượng tốt hơn Thái Lan. Nhà sản xuất này đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu ôtô ra thị trường ASEAN trong tương lai gần.
Đến thăm khu sản xuất, lắp ráp ôtô của Trường Hải tại Chu Lai (Quảng Nam), phóng viên cảm nhận được quy mô hùng hậu và sự đồng bộ từ sản xuất linh kiện, phụ tùng, lắp ráp ôtô cho đến vận chuyển bằng cảng biển riêng.
Chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động của Trường Hải tại Chu Lai là ông Phạm Văn Tài - Phó tổng giám đốc Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải. Tốt nghiệp ngành Cơ khí ôtô, Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Tài bắt đầu làm việc cho Thaco từ năm 2002 và giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực từ tháng 3/2008.
Trò chuyện với Zing.vn, lãnh đạo cấp cao của Thaco luôn cho thấy khát vọng làm công nghiệp ôtô đến cùng và những kế hoạch, hoài bão lớn của doanh nghiệp đang nắm giữ vị thế dẫn đầu thị trường.
Khát vọng làm công nghiệp ôtô đến cùng
- Cơ duyên nào đưa Chủ tịch Trần Bá Dương và Trường Hải đến với Chu Lai và xây dựng ở đây một khu tổ hợp sản xuất lắp ráp ôtô lớn nhất Việt Nam?
- Chiến lược của Trường Hải là muốn tiếp tục phát triển về công nghiệp ôtô. Muốn làm như vậy phải cần nhiều đất đai để xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền. Đúng lúc đó, khu kinh tế mở Chu Lai hình thành. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào TP.HCM xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư đến đây. Hai bên có nhu cầu gặp nhau, đó chính là cơ duyên.
Thời điểm đó, Trường Hải gặp nhiều khó khăn khi đặt chân đến Chu Lai. Toàn bộ khu vực là bãi cát trắng, không có hoạt động sản xuất, trồng trọt nào. Hai vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là nhân sự và vận chuyển, nhưng cũng đã từng bước cố gắng, khắc phục để vươn lên.
Năm 2010, Trường Hải thành lập trường Cao đẳng nghề, đánh dấu mốc quan trọng giải quyết căn cơ bài toán về nhân sự. Cũng trong năm đó, chúng tôi khởi công xây dựng cảng Chu Lai, giải quyết bài toán về giao nhận, vận chuyển.
Từ đó đến nay, Trường Hải đã phát triển, từ một nhà máy thành một khu công nghiệp, thậm chí nhiều khu công nghiệp thành một khu phức hợp sản xuất, lắp ráp ôtô, linh kiện phụ tùng, trường Cao đẳng nghề, cảng biển.
- Năng lực sản xuất hiện tại đã cho phép Trường Hải nghĩ tới việc xuất khẩu?
- Hiện nay, Trường Hải có 6 nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô bao gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp xe du lịch Kia, Mazda. Hai nhà máy này có công suất hơn 60.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất xe tải công suất hơn 50.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất xe bus hơn 5.000 xe và nhà máy xe chuyên dụng có công suất tương đương.
Với năng lực đó, chúng tôi đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chúng tôi chỉ sản xuất theo hệ thống kéo, tức là có đặt hàng thì sản xuất để không lãng phí, giảm tối đa chi phí, giảm giá thành cho người tiêu dùng.
Để định hướng xuất khẩu, chúng tôi đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Mazda mới với công suất 100.000 xe/năm. Ngoài ra, còn có nhà máy bus mới công suất 20.000 xe/năm vận hành từ tháng 7, nhà máy xe tải mới 100.000 xe/năm. Những nhà máy mới với công suất lớn, dây chuyền hiện đại sẽ cho phép chúng tôi nghĩ đến việc xuất khẩu.
Xe Mazda lắp ráp ở Việt Nam tốt hơn Thái Lan
- Thaco vừa khởi công xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Mazda mới, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2018. Thaco nhìn nhận thế nào về sự cạnh tranh và cơ hội trên thị trường ôtô thời gian tới?
- Hiện nay Mazda không có nhà máy ở các nước ASEAN. Việc hợp tác với Mazda tạo ra cơ hội cho chúng tôi. Mặc dù vậy, Thaco cũng chỉ được phép xuất khẩu theo chuỗi sản phẩm toàn cầu của Mazda. Bản thân Thaco không thể xuất khẩu được xe Mazda mà cần có sự đồng ý của Mazda Nhật Bản.
Giống như Thái Lan được chỉ định sản xuất xe bán tải Toyota, các nước khác không có quyền sản xuất nên buộc phải nhập xe từ Thái Lan. Với động thái của Mazda, điều kiện xuất khẩu cho Thaco là rất khả thi.
- Chất lượng các dòng xe Kia, Mazda lắp ráp bởi Thaco được đánh giá thế nào so với các thị trường khác?
- Hiện nay, Mazda Nhật Bản đánh giá xe Mazda lắp ráp ở Việt Nam có thang điểm cao hơn Thái Lan. Điều này chứng tỏ công nhân và kỹ sư Thaco tại Chu Lai đáp ứng được tiêu chuẩn của Mazda toàn cầu. Chúng tôi không ngần ngại nói rằng sản phẩm lắp ráp trong nước không thua kém hàng nhập.
Về con người, chúng tôi có khái niệm "nhân sự phù hợp" - phù hợp với trình độ, quy mô, văn hóa của Thaco. Ngoài trường Cao đẳng nghề, chúng tôi còn cử cán bộ, công nhân đi nước ngoài đào tạo hoặc mời chuyên gia nước ngoài sang truyền đạt kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ.
Không dừng lại tại đó, chúng tôi cải tiến liên tục, đầu tư nhà máy mới với trang thiết bị đáp ứng đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc lắp ráp trong nước mười mấy năm qua đã giúp Thaco tích lũy được nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ điều kiện đường sá cũng như thị hiếu người tiêu dùng Việt.
Sản xuất ôtô có giá rẻ nhất, chất lượng tốt nhất
- Trong giai đoạn hiện nay, khi thời điểm thuế suất nhập khẩu ôtô từ ASEAN chuẩn bị về 0%, chiến lược của Thaco có gì thay đổi?
- Kịch bản thị trường 2018 khi thuế suất từ các nước ASEAN bằng 0% chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu. Để làm được điều đó chúng tôi đã có chiến lược giảm giá theo lộ trình giảm thuế. Muốn giảm giá, Thaco thực hiện đề án nâng cao năng lực quản trị cũng như tính cạnh tranh.
Chúng tôi giảm chi phí sản xuất, giảm giá giao nhận vận chuyển, giảm nguyên liệu đầu vào, tiêu thụ năng lượng. Tất cả những việc này nhằm đưa đến tay người tiêu dùng Việt những chiếc ôtô rẻ nhất mà chất lượng tốt nhất. Có như vậy, Thaco mới có cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia.
Trước thời điểm hội nhập năm 2018, Thaco tiếp tục đầu tư vào các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, trung tâm nghiên cứu và phát triển, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể thỏa mãn theo đơn đặt hàng của khách hàng.
Chúng tôi tin rằng Thaco hiểu nhu cầu của người Việt Nam hơn bất cứ nhà sản xuất nào khác. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối rộng khắp cả nước là lợi thế của Thaco so với các thương hiệu ôtô nước ngoài.
- Là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô số một Việt Nam, Thaco nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của mình như thế nào trong việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước?
- Đứng về góc độ doanh nghiệp lớn của đất nước, chúng tôi có triết lý tạo ra giá trị cho khách hàng, cho xã hội và cho nền kinh tế Việt Nam. Thaco cũng có trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước chuyển sang sản xuất công nghiệp và trở thành nhà cung cấp cho Thaco. Một nền công nghiệp hỗ trợ hùng mạnh hơn là thứ mà Thaco luôn mong mỏi.
Trường Hải rất vui mừng trước việc Hội nghị Trung ương 5 đặt vấn đề lấy kinh tế tư nhân làm động lực thúc đẩy kinh tế đất nước. Có rất nhiều doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam năng động, sáng tạo. Trên thế giới, những công ty tư nhân như Microsoft, Toyota, Coca-Cola... đang tạo ra công ăn việc làm ở nhiều quốc gia và có doanh thu rất lớn.
Để thực sự hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, chúng tôi mong muốn thị trường được tự vận hành và điều tiết. Nhà nước không can thiệp quá sâu vào quy luật thị trường mà hãy tạo ra những hành lang, pháp lý tốt hơn để cho các doanh nhân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.