Trường học chống rét cho học sinh thế nào?
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại, nhiều trường học đã có hàng loạt giải pháp ứng phó.
Linh hoạt nhiều phương án đảm bảo sức khỏe cho học sinh
Từ ngày 22/1, khu vực Hà Nội sẽ có những ngày rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 7-10 độ.
Tại Trường mầm non Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhà trường vẫn tổ chức đón trẻ đến trường học như bình thường. Song do rét đậm lại kèm mưa nên trẻ đi học muộn hơn, sĩ số trẻ đến trường giảm hơn so với những ngày trước đó.
Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống, cô Vũ Nguyệt Ánh - Hiệu trưởng Trường mầm non Linh Đàm cho biết, nhà trường đã có nhiều phương án để chống rét cho học sinh. Nếu thời tiết chuyển rét đậm và dù có quy định học sinh mầm non, tiểu học được nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C thì để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, nhà trường vẫn đón trẻ đến trường như bình thường nếu phụ huynh có nhu cầu gửi con.
Theo cô Ánh, để đảm bảo sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh, nhà trường đã kiểm tra cửa các phòng học, đảm bảo các lớp học kín gió, có đủ thảm ấm, chăn ấm, nước ấm cho các con học sinh.
"Thực đơn bữa ăn của trẻ cũng được tăng cường các loại rau xanh nhiều vitamin, đảm bảo cho trẻ ăn nóng, ngủ ấm, vệ sinh, lau mặt, rửa tay bằng nước ấm. Sau giờ ăn các cô hướng dẫn trẻ xúc miệng bằng nước muối. Các cô giáo cũng tăng cường hoạt động dạy kỹ năng phòng chống rét cho trẻ. Đặc biệt, các hoạt động ngoài trời đều được chuyển vào không gian trong lớp học.
Ngoài ra, nhà trường cũng thông báo tới phụ huynh về các nội dung như: cho trẻ mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang, đi tất… khi đến trường. Các bậc phụ huynh chú ý giữ ấm đôi chân, phần tai, phần đầu cho trẻ để tránh gió lạnh. Chuẩn bị thêm cho trẻ ít nhất một bộ quần áo, tất vào ba lô cá nhân; Tăng cường cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không ăn thức ăn và đồ uống lạnh để đảm bảo sức khỏe".
Không chỉ khối mầm non, các trường tiểu học cũng tăng cường các biện pháp phòng chống rét cho học sinh.
Cô Vũ Thị Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yết Kiêu (quận Hà Đông) cho biết, nhà trường theo bản tin dự báo thời tiết 6 giờ sáng để quyết định cho học sinh nghỉ học hay không. Theo quy định, nhiệt độ cao nhất dưới 10 độ C thì học sinh sẽ được nghỉ học. "Để phòng tránh rét và đảm bảo sức khỏe cho học sinh ở trường, mỗi lớp đều có cửa kính, rèm che và điều hòa 2 chiều. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm sẽ dặn học sinh hạn chế ra ngoài giờ ra chơi và cũng trao đổi với phụ huynh cho con mặc ấm đi đến trường sáng sớm và đón về nhà chiều tối.
Việc đi học hay nghỉ học sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của từng học sinh. Nếu sức khỏe của con không đảm bảo thì phụ huynh nên cho con nghỉ học ở nhà. Nếu sức khỏe của con đảm bảo thì phụ huynh nên cho đi học để không bị ảnh hưởng học tập, sinh hoạt của con cũng như đến công việc của bố mẹ", cô Yến chia sẻ.
Trước đó, đại diện Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc cho biết, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm công tác, những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C theo bản tin dự báo thời tiết trong chương trình "Chào buổi sáng" trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và chương trình "Hà Nội buổi sáng" trên kênh H1, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội vào 6h sáng hằng ngày, nhà trường sẽ lùi lịch học của học sinh. Theo đó, 8h30 học sinh có mặt ở trường, 8h40 vào học tiết 1. Giờ tan học không thay đổi.
Nếu phụ huynh phải đi làm, không thể đưa con đến trường theo giờ trên, nhà trường vẫn mở cửa theo giờ học cũ đón học sinh vào lớp. Phương án lùi giờ học này chỉ áp dụng vào những ngày nhiệt độ ngoài trời của Hà Nội dưới 10 độ C theo như dự báo thời tiết ở trên.
Không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông báo tới các Phòng GD&ĐT, các đơn vị, trường học trực thuộc về việc, học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C. Các trường học căn cứ thông tin dự báo thời tiết vào 6 giờ sáng hằng ngày để chủ động điều chỉnh giờ học hoặc cho học sinh nghỉ học. Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, học sinh mầm non, tiểu học sẽ nghỉ học; nhiệt độ ngoài trời dưới 7 độ C, học sinh THCS nghỉ học.
Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết của từng địa phương, các nhà trường có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, nhà trường cần linh hoạt giải quyết để học sinh được vào học.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các nhà trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại. Các trường phối hợp cha mẹ học sinh nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm. Nhà trường không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày trời rét; đồng thời, tăng cường kiểm tra và sửa chữa kịp thời cửa các phòng học, phòng chức năng, phòng bán trú, phòng ăn... bảo đảm tránh gió lùa, đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh.
Khi nào đợt không khí lạnh này chấm dứt?
TS. Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: "Hôm nay (22/1), không khí lạnh sẽ tăng cường và tràn xuống rất mạnh các tỉnh miền Bắc nước ta. Vì vậy, toàn khu vực Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng của không khí lạnh, sau đó sẽ mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và kéo dài tới tận tỉnh Quảng Ngãi.
Dự báo đợt không khí lạnh này kéo dài tương đối lâu, có thể hết tuần sau. Thời điểm rét nhất là khoảng ngày 22 - 23/1 khi có đợt không khí lạnh bổ sung, trong giai đoạn này nhiệt độ thấp nhất ở đồng bằng có thể xuống dưới 10 độ C, trung du xuống dưới 7 độ C, vùng núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C".