Trường học đầu đời của mỗi người
Nói về vai trò, vị trí của gia đình đối với từng cá nhân và đời sống xã hội, có thể đúc kết thành những điểm đáng lưu ý như sau.
Thứ nhất, gia đình là nơi mỗi cá nhân được sinh ra, được nuôi dưỡng, bảo bọc, dạy dỗ để trưởng thành; là nơi nuôi dưỡng về mặt thể chất, dưỡng dục về mặt tâm hồn, tình cảm, nhân cách. Vì lẽ đó, mỗi con người đều mang dấu ấn của gia đình, kể cả khi đã rời xa mái ấm, xa những thành viên trong gia đình thì sức ảnh hưởng vẫn còn.
Xét về mặt tâm lý giáo dục, môi trường, hoàn cảnh nào tác động đến con người lâu dài nhất thì sẽ in dấu ấn trong nhân cách con người đó một cách sâu sắc nhất. Lâu nay, trong giáo dục, 3 lực lượng không thể tách rời nhau: gia đình - nhà trường - xã hội, trong đó gia đình đứng đầu để tạo nên nhân cách một người.
Thứ hai, gia đình là nơi ta được yêu thương một cách vô điều kiện và vô bờ bến. Con dẫu có thế nào thì cha mẹ vẫn yêu thương. Bữa cơm mẹ nấu là bữa cơm chúng ta ăn ngon lành nhất vì không có điều kiện. Đồng thời cũng là nơi ta thể hiện tình yêu thương một cách vô bờ bến và vô điều kiện với các thành viên còn lại. Cho nên gia đình chính là nơi hun đúc tình cảm, xây dựng tâm hồn đẹp đẽ cho mỗi cá nhân. Để rồi sau này vào đời, cá nhân ấy thể hiện tình yêu thương đối với mọi người xung quanh, tình yêu đất nước, yêu đồng bào.
Thứ ba, gia đình là nơi mà mỗi thành viên bộc lộ, thể hiện mình một cách tự nhiên, thoải mái, hồn nhiên nhất. Ra đường chúng ta có thể hóa trang, có thể "giữ kẽ", phải khép nép để không bị đánh giá tiêu cực về mình. Sự "đối phó" đó về nhà không cần nữa, chúng ta sống tự nhiên như bản chất của mình. Mà nơi đâu con người sống hồn nhiên thì nơi đó hạnh phúc nhất.
Cũng vì nhà là nơi người ta thấy thoải mái nhất, nhân cách, bản ngã thể hiện đầy đủ nhất nên cha mẹ thấy rõ mặt tích cực của con để phát huy và kịp thời uốn nắn, khuyên răn, dạy bảo những điều còn chưa tốt.
Thứ tư, gia đình là viên gạch đầu tiên để xây dựng ngôi nhà nhân cách. Con sinh ra như một tờ giấy trắng. Những nét vẽ đầu tiên từ cha mẹ, anh chị sẽ đậm nét, mãi không phai mờ trong tâm trí của con. Cho nên sau này nhân cách đó phát triển như thế nào là tùy thuộc vào những dấu ấn đầu tiên. Gia đình cũng là thành lũy cuối cùng để bảo vệ nhân cách các con. "Cha mẹ ngoảnh đi, con dại. Cha mẹ ngoảnh lại, con khôn" chính là vậy.
Thứ năm, gia đình là trường học đầu đời của mỗi con người. Ở đó, cha mẹ là những người thầy đầu tiên. Không có giáo án, giáo trình nhưng những lời dạy của cha mẹ xuất phát từ tấm lòng, trái tim chân thành. Chính những bài học đó đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trí tuệ của chúng ta để khi đến trường được sự tác động của thầy cô giáo, mỗi cá nhân lần lượt phát triển thêm nhân cách để thật sự trưởng thành trong xã hội.
Nói tóm lại, gia đình là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng cũng là thành trì quan trọng nhất của mỗi người. Hơn nữa, gia đình luôn gắn liền với cộng đồng, khu phố, làng xã, là nền tảng vững chắc phát huy sức mạnh, sự trường tồn của dân tộc.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/truong-hoc-dau-doi-cua-moi-nguoi-post283951.html