Trường học Hà Nội sôi nổi hoạt động kỷ niệm ngày hội thống nhất non sông
Chương trình kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được các nhà trường tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa và sâu sắc.

Cô trò Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày 28/4, trong buổi chào cờ đầu tuần, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) tổ chức hoạt động sinh hoạt truyền thống kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với chủ đề “Tự hào một dải non sông”.
Trong không gian rợp sắc đỏ, màu của sự tự hào dân tộc, em Đào Ngọc Sơn - học sinh lớp 9A9, liên đội trưởng nhà trường thay mặt hơn 2000 học sinh đọc quyết tâm thư, hứa luôn cố gắng rèn đức luyện tài, học tập chăm chỉ; sống nhân ái, sẻ chia; trân trọng lịch sử, có trách nhiệm giữ gìn giá trị hòa bình...

Sắc đỏ phủ khắp sân trường THCS Ngô Sĩ Liên.
Sơn chia sẻ, trong thời khắc lịch sử này, em và các bạn luôn thấm nhuần chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do!" như lời dạy của Bác. Chiến thắng 30/4 mãi là nguồn động lực tinh thần bất diệt, góp phần quan trọng vào việc tạo ra sức mạnh cho đất nước ta vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Cô trò Trường Tiểu học Tràng An tìm hiểu về chiến thắng lịch sử 30/4.
Các hoạt động tiêu biểu gồm: Tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, triển lãm tương tác do báo Nhân dân tổ chức, tham quan Thư viện Quân đội, tham gia chương trình trải nghiệm giáo dục lịch sử Một thời hoa lửa tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Tại các nhà trường, thầy trò cùng thiết kế các không gian trưng bày, trang trí lớp học, hành lang mang đậm dấu ấn lịch sử và sắc màu quê hương. Cùng với đó là các cuộc thi tìm hiểu lịch sử như: Đố vui - Em yêu lịch sử nước nhà, Rung chuông vàng, vẽ tranh và viết cảm nghĩ về ngày 30/4.

Các thầy cô giáo lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống trong các tiết sinh hoạt dưới cờ.
Các thầy cô giáo còn lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, môn Lịch sử và hoạt động trải nghiệm. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh thêm hiểu biết về chặng đường hào hùng của dân tộc, mà còn vun đắp tình yêu quê hương, niềm tự hào là người con đất Việt.
Thông qua các hoạt động kỷ niệm, học sinh được bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc. Đó cũng là hành trang tinh thần quý giá để các em tự tin vươn lên, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.