Trường học hạnh phúc

Đã sống trong cuộc đời này, ai cũng muốn có hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là khát vọng, ước mơ, mong muốn, nhu cầu chính đáng của mỗi người mà còn là động lực thôi thúc con người luôn vươn tới những giá trị tốt đẹp và năng lượng sống tích cực để không ngừng hoàn thiện bản thân.

Một xã hội văn minh là một xã hội mang lại hạnh phúc cho mọi người. Một thể chế tiến bộ là một thể chế quan tâm bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được hưởng thụ những giá trị hạnh phúc chân chính.

Khi nói đến hạnh phúc, ngoài thiết chế gia đình được ví như tổ ấm ươm mầm, trao truyền tình cảm yêu thương cho mỗi người suốt cuộc đời, còn có một thiết chế là nơi gieo trồng giá trị sống tích cực cho con người, đó là nhà trường. Thực ra, mô hình nhà trường hạnh phúc đã được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới triển khai thực hiện từ hàng chục năm qua, nhưng thời gian gần đây mới được nhắc nhiều trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo chuyên đề về giáo dục ở nước ta.

Thế nào là một nhà trường hạnh phúc? Đó là trường học mang lại trạng thái cảm xúc vui vẻ, năng lượng sống tích cực và đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu, mong muốn chính đáng cho tất cả các thành viên trong nhà trường, bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, nhân viên và người lao động. Trong đó, học sinh hạnh phúc phải được đặt ở vị trí trung tâm của nhà trường hạnh phúc, đúng như câu khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”.

Xuất phát từ sứ mệnh “trồng người” mà nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiến tạo hạnh phúc cho con người. Thời gian qua, thông qua nhiều hình thức, việc làm thiết thực, phù hợp, nhiều trường học đã cố gắng trao truyền cảm hứng, tạo dựng niềm vui, khích lệ tinh thần cho thầy trò vươn lên trong giảng dạy, học tập. Nhiều trường từng bước làm câu khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” thành hiện thực đối với thầy và trò.

Tuy nhiên, một phần do chương trình giáo dục phổ thông chưa được giảm tải căn cơ, bài bản, phần khác do tâm lý, áp lực học hành, thi cử nặng nề từ phụ huynh và cũng do cơ chế quản trị trường học ở nước ta chưa theo kịp với xu hướng phát triển của khoa học giáo dục hiện đại, cho nên nhiều trường học chưa mang lại cảm giác hạnh phúc thực thụ cho cả giáo viên và học sinh. Suy cho cùng, một số vấn đề bất cập, tiêu cực xảy ra trong nhà trường thời gian qua như bệnh thành tích, bạo lực học đường, đạo đức một bộ phận nhà giáo xuống cấp… đều có căn nguyên sâu xa từ việc chúng ta chưa coi trọng, quan tâm đúng mức đến việc xây dựng nền tảng hạnh phúc trong nhà trường. Từ đó dẫn tới một bộ phận thầy cô và học sinh thiếu thiết tha, tâm huyết với việc dạy và học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Hạnh phúc là “chất men” kích thích con người hăng say học tập, lao động, công tác tốt hơn. Vì vậy, việc chăm lo xây dựng nhà trường hạnh phúc chính là tạo ra môi trường thân thiện, nhân văn để không chỉ các thầy cô có cơ hội được cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, mà còn là “bệ đỡ” tinh thần cho học sinh hăng say học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội. Nhìn nhận đúng vấn đề này, từ tháng 4-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Ngành giáo dục Thủ đô cũng đã triển khai mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn xây dựng mô hình điểm “Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc”…

Người ta thường nói, hạnh phúc không chỉ là đích đến mà còn là một hành trình. Điều đó có thể hiểu muốn có nhà trường hạnh phúc thì trước hết đòi hỏi phải có sự nỗ lực tự thân của mỗi thầy cô giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi nhân viên trong trường học; đồng thời có sự chung tay góp sức, chia sẻ của học sinh, phụ huynh và cả cộng đồng. Khi trường học hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, chắc chắn sẽ góp phần mang lại niềm vui cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Thạc sĩ NGÔ VĂN DƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/truong-hoc-hanh-phuc-591734