'Trường học hạnh phúc' trên đỉnh Dế Xu Phình

'Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh muốn đến và vui vẻ khi ra về mỗi ngày'. Các thầy, cô giáo và các em học sinh tận trên bản vùng cao Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đã làm được điều ấy- một câu chuyện không khỏi khiến tôi thực sự tò mò.

“Giờ học hạnh phúc” của cô và trò Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình.

“Giờ học hạnh phúc” của cô và trò Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình.

>> Giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Không phải vì tôi không biết thế nào là "Trường học du lịch”, "Trường học hạnh phúc”, mà thứ làm tôi thắc mắc là giữa muôn vàn khó khăn, gian khổ nơi vùng núi cao, của một trong những huyện nghèo nhất cả nước ấy, họ đã làm như thế nào để có được kết quả tốt? động lực "không tưởng” nào giúp họ trụ lại trên con đường đầy chông gai ấy?!...

Với miền xuôi, khu vực thành phố, hẳn là không ít người còn thấy lạ lẫm đối với những ngôi trường hạnh phúc. Đó là những mái trường được đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, vật chất đầy đủ; chương trình và phương pháp giảng dạy được nâng cấp, cải tiến từng ngày; là nơi thầy cô giáo, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hài lòng trong quá trình dạy và học; nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.

Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, nhà trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em; mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ, lỗi thời…

Ấy là ở thành phố, chỗ mà những việc làm trên có vẻ như khá dễ dàng thực hiện. Còn nơi đây - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT), Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Dế Xu Phình, họ đã bắt đầu từ đâu để thành công!?

Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình đóng trên địa bàn xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, với 99% là con em đồng bào dân tộc Mông. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 21 lớp (13 lớp tiểu học, 8 lớp THCS) với tổng số 38 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 617 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, trong đó có 400 học sinh được ăn ở sinh hoạt tại trường trong tất cả các ngày học theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ…

Để thực hiện mục tiêu xây dựng "Trường học hạnh phúc”, "Trường học du lịch”, nhà trường đã được tỉnh, huyện Mù Cang Chải đầu tư xây dựng mới với cơ sở vật chất khang trang đầy đủ các phòng học, phòng hành chính quản trị, các công trình phụ trợ…

Vừa đưa tôi đi giới thiệu về trường, cô giáo Nguyễn Thùy Nhung - Hiệu trưởng nhà trường vừa chia sẻ: "Biết rằng đối với vùng cao, việc xây dựng thành công mô hình "Trường học du lịch”, "Trường học hạnh phúc” sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, địa phương, cùng với quyết tâm vượt lên tất cả của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhằm đạt mục tiêu xây dựng và phát triển nhà trường theo hướng hiện đại kết hợp truyền thống, là ngôi trường thân thiện, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc…”.

Được biết, với mô hình "Trường học du lịch”, nhà trường đã thành lập 3 câu lạc bộ (CLB), phân công giáo viên phụ trách. CLB thêu thổ cẩm đã đi vào hoạt động từ năm 2021 với mục tiêu ban đầu là thu hút một số học sinh nữ tham gia, giáo viên hướng dẫn học sinh thêu các hoa văn để gìn giữ nét văn hóa dân tộc. CLB đã sáng tạo nhiều hoạt động khác thu hút ngày càng nhiều học sinh tham gia.

Đặc biệt đã vận động được phụ huynh cùng giúp đỡ. Hiện nay CLB đã phát triển được trên 50 em học sinh. Các em biết làm các sản phẩm thủ công như: thêu tranh bằng hoa văn người Mông; làm móc treo chìa khóa; vẽ sáp ong…

Gần đây, CLB đã đưa hoạt động hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm vào trong kế hoạch mà ở đó các em học sinh sẽ giới thiệu và cùng khách vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu các sản phẩm làm quà lưu niệm. Bên cạnh đó, khách đến trường có thể tham gia vào một hoạt động trải nghiệm khá độc đáo là tô màu quả thông.

Học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình tham gia Câu lạc bộ thêu thổ cẩm.

Học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Dế Xu Phình tham gia Câu lạc bộ thêu thổ cẩm.

Với lợi thế là vùng có sẵn nguyên liệu quả thông, nhà trường tạo điều kiện để học sinh được tìm hiểu về việc làm các sản phẩm "handmade” cung cấp cho khách du lịch. Với khách đến trường, ngoài việc có thể cùng học sinh tô màu quả thông mang về làm kỷ niệm thì còn có thể tặng lại cho các bạn nhỏ khuyết tật tại Trung tâm Hương Giang để sản xuất tranh. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn, là những bài học đơn giản về truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam…

Còn CLB âm nhạc dân gian lại có màu sắc khác biệt. Thành viên trong CLB không chỉ là các em học sinh yêu văn hóa, văn nghệ mà còn có các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh muốn đem tiếng khèn, tiếng sáo Mông bay xa và truyền dạy lại cho các thế hệ sau. CLB sinh hoạt đều đặn hàng tuần, thu hút được nhiều học sinh tham gia và sẵn sàng phục vụ cho các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ…

CLB "Hướng dẫn viên du lịch” thì tập luyện cho học sinh kỹ năng thuyết trình, giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch, cung cấp cho học sinh thông tin về các điểm du lịch tại huyện Mù Cang Chải...

Ngoài hoạt động của 3 CLB trên, nhà trường còn thường xuyên tổ chức trao đổi với cán bộ, giáo viên, nhân viên về định hướng phát triển du lịch của huyện, về ý nghĩa, mục tiêu xây dựng "Trường học du lịch”. Mỗi giáo viên nhà trường đều trang bị cho mình thông tin các điểm du lịch tại địa phương, tích cực truyền thông trên mạng xã hội để cùng nhau giới thiệu về nét đẹp của miền đất, con người Mù Cang Chải.

Nhà trường cũng dành riêng 1 phòng trưng bày các sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: các nhạc cụ, nông cụ, nông sản đặc sản, sản phẩm thổ cẩm… cùng mô hình thu nhỏ của nhà trường được kết nối với 2 điểm du lịch tiêu biểu của xã Dế Xu Phình là đồi thông bản Háng Cuốn Rùa và "Sống lưng khủng long” ở bản Phình Hồ…

Đặc biệt hơn, mô hình "Trường học hạnh phúc” được nhà trường xem là mục tiêu quan trọng hướng đến những giá trị cốt lõi là "yêu thương, an toàn, tôn trọng”. Điều này cũng đã được xác định trong tầm nhìn, sứ mệnh của nhà trường. Yếu tố đầu tiên là việc cải thiện môi trường giáo dục, tạo không khí thân thiện, hài hòa giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa thầy với trò, giữa nhà giáo với phụ huynh học sinh. Nhà trường đã tập trung thực hiện tốt quy tắc ứng xử, giữ mối liên hệ với phụ huynh, hướng tới sự hài lòng của cha mẹ học sinh khi gửi con đến lớp.

>> Ngành giáo dục Yên Bái tự hào làm theo lời Bác

Với đặc thù trường bán trú, học sinh còn nhỏ, các thầy cô luôn phân công nhau trực 24/24 để quản lý, hỗ trợ học sinh. Vì vậy, những thời điểm lẽ ra các thầy cô bên mâm cơm gia đình lại là thời gian trực quản lý học sinh...

Nắm bắt tâm tư của đoàn viên, công đoàn nhà trường đã sáng kiến ra Quỹ "Trà chiều” dành cho ca trực. Đôi khi chỉ là gói mì tôm lót dạ, lúc lại chia nhau mẩu bánh mì nhưng các thầy cô cảm thấy ấm lòng vì nhận được sự động viên, chia sẻ của đồng nghiệp. Từ những việc nhỏ đó cũng góp phần gắn kết mỗi thành viên với nhau, cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nhằm tạo cho học sinh, giáo viên, nhân viên có điều kiện học tập, vui chơi, nhà trường đã tích cực huy động các nguồn lực để xây dựng thư viện, khu thể thao, trang bị máy tính cho phòng học bộ môn… Cùng với cơ sở vật chất khang trang được Nhà nước đầu tư, khuôn viên nhà trường dần hoàn thiện nhờ sự chung tay giúp đỡ của cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

Đây là điều kiện quan trọng để thầy cô và học trò được giảng dạy, học tập, được chăm sóc với những gì tốt nhất có thể. Những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (mồ côi, tàn tật) đều được nhà giáo trong đơn vị nhận đỡ đầu. Mỗi thầy cô giáo đều ý thức chăm lo cho học sinh của mình từ việc gội đầu, cắt tóc, từ trang trí lớp học với không gian thân thiện…

Những việc làm của thầy cô với học trò, với trường lớp như vun vén cho chính gia đình thân yêu của mình, bởi thế, mỗi người đều ý thức rằng "hạnh phúc không ở đâu xa, trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh muốn đến và vui vẻ khi ra về mỗi ngày”...

"Xây dựng mô hình "Trường học du lịch” không tách rời "Trường học hạnh phúc”, tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo môi trường, động lực để thầy và trò cùng phát triển, đặc biệt là những giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy để trở thành niềm tự hào của dân tộc. Học sinh nhà trường được chăm sóc tốt, có kiến thức, có kỹ năng hội nhập trong tương lai - đó chính là những gì chúng tôi đang hàng ngày hướng đến” - cô giáo Nguyễn Thùy Nhung nói thêm.

Tin tưởng rằng, với những gì đang diễn ra hàng ngày trên đỉnh núi Dế Xu Phình ấy, ngôi trường hạnh phúc sẽ vun đắp cho những ước mơ bé nhỏ bay cao, vươn tới những thành công trong tương lai không xa.

Tô Hải

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/302080/truong-hoc-hanh-phuc-tren-dinh-de-xu-phinh.aspx