Trường học kêu gọi tài trợ hàng tỉ đồng có đúng với chủ trương xã hội hóa giáo dục?

Xã hội hóa giáo dục là cần thiết, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn với tiện nghi đầy đủ. Nhưng việc có những trường học kêu gọi tài trợ hàng tỉ đồng dấy lên bàn tán từ dư luận. Số tiền này được chi tiêu và quyên góp ra sao?

Xã hội hóa giáo dục là vận động tài trợ hàng tỉ đồng?

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3/2023, bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định cho biết nhà trường đã có kế hoạch xã hội hóa giáo dục bằng việc vận động tài trợ với kinh phí hơn 2,4 tỉ đồng cho 2 nội dung.

Thứ nhất: Vận động tài trợ cho cơ sở vật chất cải tạo sân trường vườn hoa khu C; thay bạt che sân trường, bạt phòng bảo vệ; hệ thống loa thông báo đến các lớp học và tầng lầu... với chi phí 750 triệu đồng.

Thứ hai: Vận động tài trợ cho hoạt động giáo dục bao gồm phần thưởng học sinh đạt giải Olympic; học sinh đỗ điểm cao vào lớp 10; khen thưởng học sinh đạt điểm cao vào đại học; học bổng tiếp sức Gia Định 2 đợt/năm cho khoảng 40 học sinh; học bổng dành cho học sinh chuyên 2 học kỳ khoảng 400 em; hỗ trợ các hoạt động của nhà trường như trại xuân, lễ tri ân trưởng thành.

Tổng cộng khoảng hơn 1,67 tỉ đồng. Tổng kinh phí của 2 hoạt động hơn 2,4 tỉ đồng. Kế hoạch này đã được Sở giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trường đã vận động được khoảng 79% cả 2 nội dung.

Vừa qua, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Lê Văn Hưu (Thanh Hóa) đã có thông báo tới các thế hệ thầy cô giáo, cựu học sinh nhà trường về dự kiến kế hoạch thực hiện công việc chuẩn bị các điều kiện và tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, dự kiến vào tháng 11/2023.

Theo đó, nhà trường đã kêu gọi ủng hộ với tổng kinh phí dự kiến hơn 2,6 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục như: xây dựng nội thất nhà truyền thống, từ 350 đến 450 triệu đồng; sơn và làm lan can khu hiệu bộ 3 tầng là 300 triệu đồng; xây dựng thư viện xanh 200 triệu đồng; biên tập, xuất bản và in kỷ yếu 225 triệu đồng; thuê tổ chức sự kiện 300 triệu đồng; quà lưu niệm cho các thầy cô giáo, đại biểu 250 triệu đồng…

Được biết, thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh việc Trường Trung học phổ thông Lê Văn Hưu kêu gọi cựu học sinh đóng góp 2,655 tỉ đồng để chi cho hoạt động mừng 60 năm ngày thành lập trường.

Vẫn còn nhiều trường học kêu gọi phụ huynh tài trợ tiền tỉ nhưng chưa được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Sự việc một số trường kêu gọi tài trợ hàng tỉ đồng khiến dư luận không khỏi bàn tán xôn xao vì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện kinh tế.

Điều kiện tiện nghi để học tập cho học sinh là mục tiêu của nhà trường và của các gia đình. Ảnh: IT/image

Điều kiện tiện nghi để học tập cho học sinh là mục tiêu của nhà trường và của các gia đình. Ảnh: IT/image

Cẩn trọng để không làm trái Thông tư quy định về xã hội hóa giáo dục

Điều 3, Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có nội dung đáng chú ý sau đây.

1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

2. Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Chiếu theo quy định này, để thực hiện việc tài trợ, nhà trường nếu có nhu cầu thì hiệu trưởng phải lập kế hoạch rõ ràng, gồm chi cho hoạt động gì, kinh phí ra sao, vận động thế nào. Lãnh đạo trường học phải trình lên cơ quan quản lí giáo dục (phòng/sở) để được xem xét. Sau khi được cơ quan quản lí giáo dục phê duyệt, kế hoạch vận động tài trợ phải được niêm yết công khai tại trường học để phụ huynh giám sát.

Liên quan đến chuyện tài trợ cho trường học, nhiều năm qua, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích theo hình thức "chìa khóa trao tay". Nghĩa là, trường hợp tài trợ bằng công trình xây dựng cơ bản theo hình thức này thì nhà tài trợ hoàn thành hồ sơ, tài liệu và chứng từ liên quan đến xây dựng công trình chuyển cho cơ sở giáo dục và cơ quan tài chính cùng cấp để thực hiện hạch toán theo giá trị công trình tài trợ đã nhận bàn giao.

Việc làm này tránh trường hợp phụ huynh đóng tiền cho nhà trường nhưng lại thả nổi khâu giám sát dẫn đến các công trình được tài trợ kém chất lượng, còn tiền thì bị thất thoát, tạo điều kiện nảy sinh tham nhũng ở trường học.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, trường học là nơi diễn ra các hoạt động trước toàn thể địa phương, học sinh và phụ huynh học sinh. Nếu lãnh đạo nhà trường kêu gọi tài trợ để tổ chức ăn uống linh đình, cho dù là kỉ niệm ngày thành lập trường e có phần phô trương. Chuyện tặng quà cáp lên đến hàng trăm triệu đồng lại càng gây lãng phí, phản cảm.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/truong-hoc-keu-goi-tai-tro-hang-ti-dong-co-dung-voi-chu-truong-xa-hoi-hoa-giao-duc-179230414163655101.htm