Trường học 'khát' nước

Thiếu nước nhưng nhìn mặt các bé đều sáng láng, không lem luốt như người ta hay tưởng tượng, tôi hiểu hơn chuyện cô trò ở đây đã thích nghi với điều kiện khô hạn, đã có ý thức tiết kiệm nước đến thế nào để bảo đảm mọi hoạt động dạy học, ăn ở vẫn bình thường như bao nơi khác.

Trường học

 Trường tiểu học Tân Phúc 1 khoan giếng có nước.

Trường tiểu học Tân Phúc 1 khoan giếng có nước.

Thích nghi

Mới sớm mai, nhưng vùng Hàm Tân nắng hạ đã gắt. Những đám thanh long ven đường đã ngã màu vàng nhợt nhạt, héo dần. Thỉnh thoảng, có vài chiếc xe bồn chở nước sinh hoạt chạy ngang nhưng người ta vẫn có thể nhớ số điện thoại in trên bồn, vì nó quá lớn và vì nơi đây đang bị thiếu nước sinh hoạt. Những ngày qua, nghề chở nước đi bán này ăn nên làm ra, vì không chỉ hộ dân mà ngay các trường học mới bắt đầu hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 cũng mua nước, trong khi những ngày nắng to như thế này chưa biết bao giờ chấm dứt. Nỗi mong ngóng ấy, tôi bắt gặp ngay khi bước chân vào điểm trường lẻ mẫu giáo Sông Phan, tại thôn An Vinh, Sông Phan. “Bước 1, làm ướt 2 bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay, chà xát 2 lòng bàn tay vào nhau. Bước 2, 3… Cuối cùng, xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch và lau khô tay”. Cứ thế, lặp đi lặp lại và những đôi bàn tay bé xíu thoăn thoắt làm theo cách cô giáo hướng dẫn. Đồng thời, cô giáo không ngừng nhắc học sinh mình: “Nước trong bồn sắp hết rồi, các con hãy vặn nhỏ vòi nước lại. Luôn luôn nhớ phải tiết kiệm nước khi rửa tay nhé”.

Gọi là điểm trường, vì chỉ có 2 lớp học với 65 trẻ lớp chồi, lá và 4 giáo viên. Trường nằm trên triền dốc, nhỏ nhoi giữa khung cảnh mênh mông. Kịp nhớ ra, 2 năm trước, cũng vào mùa hạn, tôi theo Tỉnh đoàn đến đây tặng bồn chứa nước cho trường. Bây giờ, bồn nước vẫn đặt ở vị trí cũ, chỉ có điều hao mòn hơn vì thời gian và nước trong bồn hiện chỉ còn nửa khối, trong khi bồn chứa tới 5m3. Như để tôi hiểu hơn, cô Lê Thị Lan – Phó Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sông Phan chia sẻ chuyện thiếu nước ở đây đã thành chuyện thường ngày trong mùa hạn. Lâu nay, nhà trường bắt ống xin nhờ nguồn nước giếng đào từ Tịnh Xá Ngọc Minh. Nhưng khi mùa nắng bắt đầu khoảng từ tháng 2 - 3 âm lịch, giếng nước ở chùa cũng cạn dần, nhà trường lại bắt đầu đi mua nước. Những lúc chưa phải cao điểm mùa khô, việc mua nước dễ dàng hơn. “Còn bây giờ, nước rất hiếm. Muốn mua được nước, nhà trường phải đặt trước 3 ngày người ta mới chở tới. Đây là nguồn nước từ giếng khoan hoặc đào chứ không phải nước máy nhưng giá vẫn “chát” 60.000 đồng/m3. Nhưng không phải muốn mua bao nhiêu cũng được, mà mỗi lần chỉ giới hạn được 2 – 3 m3” - cô Lan nói. Bất giác, tôi nhìn những chậu hoa, cây cảnh trong khuôn viên trường đã chết rũ gần hết, càng hiểu hơn sự khốc liệt vì thiếu nước ở đây.

 Học sinh Trường mẫu giáo điểm An Vinh đang thực hiện các bước rửa tay.

Học sinh Trường mẫu giáo điểm An Vinh đang thực hiện các bước rửa tay.

Chưa hết, nghe các cô giáo kể chuyện tiết kiệm nước ở đây khiến tôi cảm nhận hết cụm từ: “Dở khóc dở cười”. Rằng lúc trước khi có nguồn nước giếng dồi dào, mỗi trẻ sau khi đi vệ sinh xong tự ấn nút vào vòi nước để dội sạch sẽ. Còn bây giờ, đợi 4 – 5 trẻ đi tiểu xong, cô giáo xách từng xô nước dội luôn một thể. Còn sàn nhà trước kia các cô hay lấy nước dội rửa cho sạch thì nay lấy cây lau nhà thấm nước rồi lau. Phần vì bồn chính không có nhiều nước để bơm lên bồn cao xả về nhà vệ sinh, phần khác để tiết kiệm nước. Tất cả mọi hoạt động về nước ở đây đều được các cô giáo tiết kiệm linh hoạt hết sức. Như khăn mặt của các bé thì cô giáo mang về nhà giặt rồi đem lại lên lớp. Tuần này, trường bắt đầu bán trú, tất phải nấu ăn thì phần chén bát sau khi ăn ấy, các cô mang về nhà rửa rồi đem lại lớp vào ngày hôm sau… Thiếu nước nhưng nhìn mặt các bé đều sáng láng, không lem luốt như người ta hay tưởng tượng, tôi hiểu hơn chuyện cô trò ở đây đã thích nghi với điều kiện khô hạn, đã có ý thức tiết kiệm nước đến thế nào để bảo đảm mọi hoạt động dạy học, ăn ở vẫn bình thường như bao nơi khác.

Bất ngờ

Đâu chỉ điểm Trường mẫu giáo Sông Phan bị thiếu nước, vùng hạn Hàm Tân còn có một số trường học khác cũng bị tình cảnh thiếu nước sinh hoạt với mức độ khác nhau. Và cũng đâu chỉ huyện Hàm Tân, tại các huyện khác như Hàm Thuận Bắc, nơi có hồ thủy lợi Sông Quao lớn nhất nhì trong tỉnh, cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy nước sinh hoạt cả ở TP. Phan Thiết, nhưng có nhiều trường học đang đối diện với chuyện khan hiếm nước sinh hoạt bất ngờ. 2 điểm trường chính Trường mẫu giáo Hàm Thắng nằm ở thôn Kim Bình và Thắng Thuận với số lượng trẻ khá đông hơn 260 trẻ là một ví dụ. Lâu nay, nhà trường vẫn sử dụng nguồn nước máy để sinh hoạt nhưng bây giờ, không có nước máy. Điều này chưa bao giờ xảy ra. Để có nước phục vụ nấu ăn và vệ sinh cho trẻ, trước mắt nhà trường đã mua nước bên ngoài với giá 90.000 đồng/m3.

Cô Lê Thị Hồng Trâm – Hiệu trưởng trường mẫu giáo Hàm Thắng tâm sự: “Nếu mua nước giếng thì sẽ rẻ hơn nhưng vì an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe của học sinh nên nhà trường đã mua nước máy với giá cao hơn. Đối với cán bộ, giáo viên thì có thể sử dụng nước tiết kiệm, nhưng với các cháu thì không thể”. Rồi cô lại băn khoăn rằng mỗi ngày, mỗi điểm trường dùng tiết kiệm lắm cũng hết 2 m3 nước. Trong khi thời gian năm học còn dài mà hạn hán không biết tiếp diễn đến bao giờ nên các trường chưa biết lấy kinh phí ở đâu để mua nước.

Đem điều ấy hỏi ngành giáo dục huyện, ông Dương Văn Đông - Trưởngphòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hàm Thuận Bắc cũng đang rất lo cho tình hình trên. Ông nói: “Qua rà soát ban đầu, có rất nhiều trường học từ bậc mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đang thiếu nước sinh hoạt. Gay gắt nhất làtrường mầm non La Dạ, một số điểm trường tại xã Thuận Hòa, Hàm Đức, Hồng Sơn… rất khó mua nước vì ở cách xa nên giá nước rất cao từ 150.000 - 200.000 đồng/m3”. Và ông cũng tình thiệt là chưa bao giờ, nhiều trường học trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc lại rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt như năm nay. Vì vậy, chuyện kinh phí mua nước đang kiến nghị huyện tính phương án hỗ trợ nước cho các trường.

Xoay xở

Đáng ra, thời điểm này học sinh bắt đầu rục rịch nghỉ hè, nhà trường đỡ lo về việc giải quyết nguồn nước. Nhưng năm nay, điều chưa bao giờ có trong tiền lệ đã xảy ra. Đã giữa tháng 5, học sinh mới bắt đầu học kỳ 2. Do vậy, vấn đề thiếu nước trong trường học càng “nghẹt thở” hơn, vì thời gian năm học còn kéo dài hơn 2 tháng trong khi mùa khô vẫn tiếp diễn. Trước mắt, các trường kiến nghị, đề xuất các cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện giúp đỡ hỗ trợ kinh phí để mua nước hoặc khoan giếng. Điều đáng nói, có địa phương đã đầu tư kinh phí cho một số trường khoan giếng nhưng các thầy, cô giáo, học sinh vẫn trong tình trạng “khát” nước. Điển hình như tại Trường mẫu giáo Sông Phan, điểm thôn An Vinh, huyện đã chi ngân sách để khoan giếng nhưng không có nước do địa hình nhiều đá. Hiện chỉ còn cách duy nhất là trường sớm được lắp đặt hệ thống nước máy…

 Giáo viên Trường mẫu giáo Sông Phan điểm An Vinh phải xách nước dội nhà vệ sinh.

Giáo viên Trường mẫu giáo Sông Phan điểm An Vinh phải xách nước dội nhà vệ sinh.

Trong khi đó, Trường tiểu học Tân Phúc 1 (Hàm Tân) khoan giếng tại trường thành công. Hôm ấy, khi ghé lại trường vì nghe tin ở đây phải mua nước với giá 150.000 đồng/m3 thì đúng lúc chứng kiến hội phụ huynh, một số thầy cô giáo và hiệu trưởng nhà trường mừng vui như trúng số, vì giếng khoan trúng mạch nước. Nước rất trong, ai cũng vốc nước lên mặt, uống thử hít hà. “Mừng quá cô ơi, cứ sợ khoan giếng không có nước lại mất tiền. Nhưng thật may mắn, mũi khoan đi tới 50m thì nước đã về. Mọi lo lắng về thiếu nước sinh hoạt cho học sinh giờ đây đã được giải tỏa”, thầy Hồ Đức Lũy – Phó hiệu trưởng (phụ trách) Trường tiểu học Tân Phúc 1 nói.

Khi tôi đang viết bài này thì ở một số huyện, trời đã bắt đầu có mưa rải rác. Mưa đầu mùa không to nhưng làm dịu mát không gian. Tôi bỗng nhớ những đôi tay bé xíu của các bé ở điểm Trường mẫu giáo Sông Phan đang thực hành rửa tay. Nếu những ngày tới, ở đây có mưa thì nước mưa ấy cũng có thể giúp rửa những bàn tay trên. Vậy cũng đã mừng!

Phóng sự: Thanh Thủy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/truong-hoc-khat-nuoc-127582.html