Trường học miền núi 3 năm liền dự VEX Robotics thế giới: Tỏa sáng theo cách riêng
Đội Robotics 'Xóm Nhà Lá' Trường THCS và THPT Đông Du (Đắk Lắk) là một trong sáu đội đại diện cho Việt Nam tham dự Giải vô địch thế giới VEX Robotics 2025, tại Hoa Kỳ.

Thầy Nguyễn Thái Hòa hướng dẫn học sinh vượt qua phần trở ngại nhất “tự hành robot”.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp, học sinh ngôi trường miền núi Đắk Lắk tham dự sân chơi này.
Vượt khó “gieo mầm” đam mê
Ông Nguyễn Phú - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đông Du (Trường Đông Du) cho biết: “Đây là năm thứ 3 liên tiếp học sinh nhà trường đạt được thành tích đáng tự hào này. Bởi, Giải vô địch thế giới VEX Robotics là một trong những giải đấu công nghệ lớn nhất hành tinh dành cho học sinh trung học”. Còn theo TS Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, thành công của Trường Đông Du không chỉ đến từ sự nỗ lực của học sinh mà còn là kết quả của quá trình đầu tư bài bản vào giáo dục STEM.
Từ năm học 2020 - 2021, đơn vị đẩy mạnh phát triển mảng Robotics, tổ chức dạy đại trà cho học sinh khối 8 về robot VEX VR và KC BOT. Hiện tại, trường sở hữu 25 robot KC BOT dùng mạch Arduino, 50 board mạch Microbit và nhiều thiết bị khác phục vụ cho việc dạy và học Robotics. Câu lạc bộ STEM Robotics của trường là nơi quy tụ học sinh đam mê lập trình, robot và khoa học.
Tại đây, các em có cơ hội thể hiện năng lực khoa học, ứng dụng kiến thức vào thực tế, rèn luyện tư duy và nâng cao khả năng làm việc nhóm. Giáo viên phụ trách câu lạc bộ và mảng STEM Robotics thường xuyên được tham gia tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu triển khai và phát triển hoạt động trong nhà trường.
Lê Ngọc Quỳnh Như - học sinh lớp 10A1, thành viên Câu lạc bộ STEM chia sẻ: “Được học tập và sinh hoạt trong môi trường năng động, lành mạnh, em tích lũy được nhiều bài học quý báu từ thầy cô và các bạn đồng hành. Từ việc phân biệt thiết bị, đến kỹ năng thu thập thông tin và viết Sổ tay kỹ thuật số là những bước đi đầu tiên giúp em tiến sâu hơn vào thế giới công nghệ. Dù ban đầu còn bỡ ngỡ, em luôn nhận được sự hỗ trợ tận tình từ thầy cô và các bạn trong câu lạc bộ. Nhờ đó, em trưởng thành hơn trong tư duy và kỹ năng thực hành”.
Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật, Quỳnh Như còn cho biết, mỗi cuộc thi robot là hành trình thử thách bản thân: “Từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, lắp ráp, lập trình đến điều khiển robot, em học được cách tư duy logic, giải quyết vấn đề linh hoạt. Những sự cố kỹ thuật là bài học thực tiễn vô giá giúp em tự tin hơn”.

Các thành viên đội tuyển Robotics Xóm Nhà Lá lắp ráp các linh kiện cho robot.
Nâng tầm thành tích
Em Phan Hoài Anh - học sinh lớp 10, Trường THCS và THPT Đông Du tham gia cùng đội Robotics được 3 năm. “Em thấy chỉ cần có đam mê và tinh thần ham học hỏi, bất cứ bạn trẻ nào cũng có thể tham gia vào lĩnh vực STEM, khoa học kỹ thuật hay AI”, Hoài Anh chia sẻ và cho hay:
Các vòng thi không chỉ giúp học kỹ năng lắp ráp, điều khiển robot, lập trình mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thể hiện bản thân và tích lũy kinh nghiệm đấu trường trong nước và quốc tế. Cùng đó, nhóm có cơ hội gặp gỡ những người có ảnh hưởng và học hỏi từ các đội bạn. Đó là những điều mà không phải sân chơi nào cũng mang lại.

Các thành viên đội tuyển Robotics Xóm Nhà Lá, Trường THCS và THPT Đông Du.
Là giáo viên môn Vật lý, đồng thời là huấn luyện viên của đội Xóm Nhà Lá, thầy Nguyễn Thái Hòa thừa nhận, ban đầu gặp nhiều khó khăn do không chuyên về công nghệ thông tin. Nhưng sau quá trình tìm tòi cùng học sinh, thầy trò đã cùng nhau vượt qua các trở ngại. Phần khó nhất là tự hành robot, nhưng đội đã tìm được hướng đi phù hợp.
Kết quả là 2 năm liên tiếp, đội vô địch phần tự hành, vô địch Teamwork và lọt Top 2 tại đấu trường thế giới VEX Robotics 2024. “Năm nay là lần thứ 3, chúng tôi đặt quyết tâm tiếp tục nâng tầm thành tích Robotics của Trường THCS và THPT Đông Du cũng như ngành Giáo dục Đắk Lắk trên đấu trường quốc tế”, thầy Hòa đặt quyết tâm.
Nói thêm về thành tích này, TS Đỗ Tường Hiệp cho rằng, không chỉ tiên phong trong giáo dục mũi nhọn, Trường THCS và THPT Đông Du là đơn vị đi đầu trong giáo dục STEM ở Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên.
“3 năm liên tiếp vượt qua hàng trăm đội tuyển từ các địa phương mạnh như: Hà Nội, TPHCM, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… để đến với kỳ thi tổ chức tại Mỹ cho thấy hướng đi đúng đắn của nhà trường trong phát triển năng lực, phẩm chất học sinh theo Chương trình GDPT 2018”, TS Hiệp nói.
Tham gia Câu lạc bộ STEM, Quỳnh Như nhận ra, thành công không thể đến nếu thiếu sự đoàn kết và phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong nhóm. Từ đó, nữ sinh này gửi lời nhắn tới các bạn nữ yêu thích công nghệ và khoa học: Đừng ngần ngại bước vào thế giới STEM - nơi trí tuệ và đam mê sẽ giúp bạn tỏa sáng theo cách rất riêng của mình.