Trường học nông trại giúp học sinh có thêm kỹ năng
Mô hình trường học nông trại gắn kiến thức học tập ở trường với thực tế cuộc sống, góp phần định hướng nghề nghiệp, cung cấp thêm kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời giúp các nhà trường chủ động một phần đối với nguồn thực phẩm sạch bổ sung cho bữa ăn bán trú. Mô hình này hiện đang được triển khai hiệu quả ở các trường học trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu).

Vườn rau của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà.
Những năm trở lại đây, tận dụng từ những khoảnh đất dư thừa và đất mượn của người dân địa phương, thầy, trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà, xã Tà Tổng đã xây dựng thành công mô hình trường học nông trại.
Mô hình có hơn 1.200m2 rau sạch, với đầy đủ các loại rau như bắp cải, su hào, cải canh... theo mùa; đủ cung ứng cho nhu cầu rau xanh trong bữa ăn bán trú hằng ngày của học sinh.
Hơn 500m2 chuồng trại tập trung để nuôi gà, ngan, vịt và lợn. Từ việc tận dụng thức ăn thừa, dưới sự chăm sóc của cả thầy và trò; mỗi năm nhà trường thu được hơn 1,5 tấn lợn, hơn 6 tạ gà, ngan, vịt. Nguồn thức ăn tươi sống này cũng được bổ sung thêm vào bữa ăn của các cháu.

Tất cả khoảng đất trống trong khuôn viên trường học đều được tận dụng làm vườn rau.
Năm học 2024-2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà có 972 học sinh, trong đó có 600 học sinh ăn bán trú tại trường.
Từ khi triển khai mô hình này, mặc dù ở vùng khó khăn nhất của Mường Tè, song nhà trường luôn được đánh giá là đơn vị có chất lượng bữa ăn tốt nhất.
Ngoài việc cải thiện một phần bữa ăn của học sinh, việc xây dựng thành công mô hình nông trại trường học cũng giúp các em học sinh có thêm môi trường thực tế để học tập, trải nghiệm nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng làm việc đội nhóm, giúp các em biết lao động và yêu lao động...
Em Giàng Thị Hoa, học sinh lớp 9A1 của nhà trường cho biết, từ khi có mô hình trường học nông trại, chúng em hiểu nhiều hơn về giá trị của những sản phẩm do chính mình làm ra. Việc được tham gia vào các khâu từ kỹ thuật làm đất, trồng và chăm sóc rau, đến chăn nuôi gà, vịt, lợn một cách khoa học mới thấy ở bản mình, việc chăn nuôi, trồng trọt còn nhiều cái chưa phù hợp.
Tham gia mô hình ở trường, mỗi lớp sẽ tự làm một vườn rau riêng, chăn nuôi và thay phiên nhau chăm sóc. Do đó, các em cũng tự ý thức được việc thi đua giữa các khối lớp, qua đó tạo sự đoàn kết trong tập thể, tổ nhóm, mỗi người sẽ tự học hỏi lẫn nhau…

Học sinh thu hoạch rau phục vụ cho bữa ăn hằng ngày.
Theo thầy giáo Trần Quang Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, qua thực hiện mô hình nhà trường trang bị thêm cho các em kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, áp dụng trong nhà trường cũng như sau này về giúp cho gia đình.
Ngoài ra, sản phẩm các em làm ra cũng phục vụ cho chính bữa ăn của các em. Hiện, nhà trường đã bảo đảm 100% về rau sạch cho các bữa ăn của học sinh bán trú; bảo đảm được một phần nguồn thực phẩm tự chủ để tăng cường thêm bữa ăn cho các em.

Rau sạch thu hoạch từ mô hình được đưa vào bữa ăn hằng ngày của học sinh.
Hiện nay toàn huyện Mường Tè có 14/14 trường mầm non có “vườn rau cho bé”. Ngoài Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà bảo đảm 100% cho bữa ăn của học sinh bán trú, tất cả các trường tiểu học và trung học bán trú còn lại đều có thể tự cung cấp ít nhất 50% sản phẩm rau xanh.
Ngoài ra, tùy vào điều kiện quỹ đất, mặt bằng… mà các trường chủ động xây dựng thêm mô hình chăn nuôi giúp học sinh có thêm điều kiện trải nghiệm thực tế.

Học sinh học được kỹ năng từ mô hình chăn nuôi tập trung, khoa học.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu nhận định, hiệu quả từ mô hình trường học nông trại là rất lớn.
Thứ nhất là tỷ lệ chuyên cần của học sinh sẽ bảo đảm cao. Thứ hai là sự kết hợp giáo dục về văn hóa đồng thời với việc rèn kỹ năng sống, tinh thần hợp tác tập thể, kỹ năng làm việc và lao động khoa học cho học sinh.
Thứ ba cải thiện một phần chất lượng bữa ăn, bảo đảm hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh.
Qua mô hình này cũng góp phần vào việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Tham gia mô hình trường học nông trại tại trường các em có thêm kiến thức để giúp đỡ gia đình.
Mặc dù diện tích đất dành cho nông trại ở các trường hầu hết đều thiếu, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, giống cây trồng, vật nuôi ở trường còn khó khăn. Tuy nhiên, mô hình trường học nông trại ở Mường Tè, đã đem lại những hiệu quả thiết thực; giúp các em hiểu hơn và thêm yêu lao động, sáng tạo, đoàn kết. Đồng thời, góp phần giúp các trường bán trú nhất là ở vùng sâu, vùng xa vùng biên giới bớt phần khó khăn.