Trường học vùng sông nước chuyển động cùng số hóa

Sau đại dịch Covid-19, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục được thể hiện rõ nét.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học trực tuyến của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang). Ảnh: TG

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học trực tuyến của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang). Ảnh: TG

Chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, phát triển mạnh mẽ nên mỗi thầy cô giáo, nhà trường và toàn ngành đang nỗ lực thay đổi để thích ứng.

Chuyển động từ vùng sông nước

Chưa bao giờ việc dạy, học trực tuyến được triển khai rộng rãi, mạnh mẽ và đồng bộ như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Từ tháng 2 - 4, HS, SV tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Vùng thành thị đến nông thôn, dù điều kiện, hạ tầng có sự cách biệt nhưng việc dạy học trực tuyến được triển khai hiệu quả.

Vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, qua khảo sát, có 80% HS được dạy học qua Internet, truyền hình. Riêng khu vực thành phố, tỷ lệ này đạt trên 90%. Kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số của HS, GV được nâng cao, chất lượng dạy và học bảo đảm. Cũng nhờ ứng dụng CNTT, việc tập huấn GV lớp 1 dạy Chương trình GDPT mới kịp tiến độ dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…

Chia sẻ về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) nhấn mạnh: Chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Để đáp ứng yêu cầu, mỗi thầy cô giáo, nhà trường phải thay đổi để thích ứng. Ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế dạy học trực tuyến. Đây là cơ hội để việc chuyển đổi số trong ngành Giáo dục được đẩy mạnh và triển khai sâu rộng hơn...

Theo cô Nguyễn Thị Bích Trân - GV Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), chuyển đổi số tạo cơ hội cho GV, HS chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet. Thông qua dạy học trực tuyến, GV và HS được nâng cao năng lực ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Tại tỉnh Cà Mau, hiện 100% đơn vị, trường học kết nối Internet, bảo đảm phục vụ cho ứng dụng CNTT trong quản trị và dạy học; quản lý các loại hồ sơ, sổ sách trên hệ thống chính xác và khoa học. Việc tăng cường ứng dụng CNTT, nhất là các phần mềm quản lý giúp nhà trường tăng hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm thời gian, ngân sách, bảo đảm tính chính xác trong công việc.

Vượt qua khó khăn

Trang thiết bị phục vụ dạy học, họp trực tuyến được trường học ở TP Cần Thơ đầu tư.

Với đặc thù sông nước, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn khó khăn. Phổ biến nhất là hạn chế về hạ tầng, đường truyền, thiết bị kết nối đầu - cuối, hay sự chênh lệch trong việc tiếp cận của HS. Thói quen ngại thay đổi phương thức làm việc của một số lãnh đạo đơn vị, trường học cũng là thách thức trong việc triển khai ứng dụng CNTT…

Điển hình như tỉnh Cà Mau, tuy 100% đơn vị, trường học có kết nối Internet nhưng một số điểm trường chưa có đường truyền. Việc kết nối mạng chỉ thông qua thiết bị kết nối 3G, 4G nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Theo ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, một số trường học ở xa chưa được đồng nhất trong thiết bị kết nối, tín hiệu đôi khi không ổn định, ảnh hưởng đến công tác ứng dụng CNTT. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục chưa xây dựng được hệ sinh thái CNTT riêng. Các đơn vị, trường học sử dụng nhiều ứng dụng (website, phần mềm quản lý trường học…) của nhiều nhà cung cấp khác nhau dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin.

Mới đây, Bộ GD&ĐT xây dựng Dự thảo Thông tư Ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và GD thường xuyên. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để cơ sở giáo dục mạnh dạn chuyển đổi số. Việc chuẩn bị từ hạ tầng, con người đến thiết bị đang được ngành Giáo dục, nhà trường quan tâm. Tuy mỗi nơi điều kiện về thiết bị, cơ sở vật chất, trình độ công nghệ khác nhau nhưng tất cả đang vào cuộc để thích ứng một cách tốt nhất.

Chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, theo thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), trước hết cần nâng cấp hạ tầng CNTT; Xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục; Tập huấn kỹ năng cho GV; Nâng cao tính tự giác và kỹ năng sử dụng mạng cho HS… “Nếu chỉ riêng ngành Giáo dục, dù cố gắng đến mấy cũng sẽ khó thực hiện bởi các hạn chế về điều kiện tài chính, hạ tầng…”, thầy Dũng cho biết.

Năm 2019, Sở GD&ĐT Tiền Giang thực hiện 84 thủ tục tích hợp dịch vụ công trực tuyến, giúp giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99%. Kết nối văn phòng điện tử của 531 cơ sở giáo dục, 11 phòng GD&ĐT với hơn 30.000 lượt truy cập/năm. Tiền Giang đã đưa lên Cổng thông tin điện tử của ngành dữ liệu HS tốt nghiệp THPT sau năm 2008. Chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân hoặc họ và tên có thể tra cứu kết quả tốt nghiệp THPT...
Ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/truong-hoc-vung-song-nuoc-chuyen-dong-cung-so-hoa-xUGGXgaGg.html