'Trường học xanh' - Mô hình giáo dục hiệu quả
'Xây dựng mô hình 'Trường học xanh' từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hòa cùng thiên nhiên, đảm bảo thẩm mỹ và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất'. Ðó là một trong những chỉ đạo cụ thể về công tác xây dựng Mô hình 'Trường học xanh' được Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Phú Tân triển khai phát động trong toàn ngành từ ngày 1/5/2023. Sau 1 năm thực hiện, diện mạo cảnh quan và nhiều hiệu quả giáo dục ở các trường được lan tỏa tích cực.
Nhiều cách làm hay
Ðến Trường Mẫu giáo Bông Sen (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) dưới nắng nóng gay gắt, cảm nhận rõ hiệu quả mô hình “Trường học xanh” mang lại. Ấn tượng đầu tiên là những “tấm rèm xanh” bằng dây trang leo dọc theo các dãy phòng hành chính và phòng học.
Cô Nguyễn Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bông Sen, cho biết: “Ý tưởng làm rèm xanh xuất phát từ thực tế sau khi trường được xây mới, cây xanh cho bóng mát của trường còn ít. Ðể khắc phục tình trạng các cô giáo phải đi lại, làm việc dưới nắng nóng, mưa tạt vào hành lang, cũng như tạo không gian mát mẻ cho trẻ chơi đùa, trường đã xin giống, đan dây, chăm sóc để tạo ra “tấm rèm xanh” điểm hoa đỏ rực rỡ và mát mẻ”.
Bên cạnh việc phủ xanh trường học với cây bóng mát, dây leo, chậu treo... đa dạng, trường còn thiết kế góc trải nghiệm cho trẻ. Các hoạt động tích hợp trong ngày tạo điều kiện cho trẻ được tham gia trồng cây, tỉa lá, tưới nước, với những vật dụng phù hợp lứa tuổi. Những giàn chanh dây, mướp và các luống rau xanh tốt càng giúp trẻ thêm hứng khởi và năng động.
Không riêng Trường Mẫu giáo Bông Sen, mà 39 trường học trên địa bàn huyện Phú Tân đã hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng “Trường học xanh” của ngành.
Qua đó đã có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả, như: Vườn ươm cây xanh của Trường Tiểu học Phú Mỹ 3; quy hoạch sơ đồ xây dựng trường học xanh chi tiết, cụ thể của Trường Tiểu học Cái Ðôi Vàm 2; quy hoạch khu vườn trường trồng cây thuốc nam, rau xanh cho từng lớp tự trồng, chăm sóc phục vụ hoạt động thực hành cho học sinh của Trường THCS Tân Hưng Tây; thư viện xanh dưới hệ thống dây leo của Trường THCS Rạch Chèo; dùng rêu xanh trang trí gốc chậu hoa trong phòng học, phòng làm việc vừa đảm bảo vệ sinh, thẩm mỹ và tạo chất dinh dưỡng cho cây phát triển của Trường Tiểu học Rạch Chèo; tận dụng những vật dụng hư hỏng làm giá thể trồng cây của Trường THCS Nguyễn Việt Khái; tổ chức hoạt động giúp nâng cao ý thức tự giác của học sinh trong việc trồng và chăm sóc cây xanh ở Trường THCS Phan Ngọc Hiển; tự xây hệ thống chậu hoa đồng bộ, tiết kiệm của Trường Tiểu học Quảng Phú, hay triển khai mô hình trồng rau đưa vào bếp ăn bán trú của Trường Mẫu giáo Phú Tân. Mỗi trường một sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, nhưng tất cả đều lan tỏa những giá trị tích cực và mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Hiệu quả giáo dục cao
“Góc làm việc xanh, sạch, đẹp”; phòng học xanh; thư viện xanh; vườn trường xanh và diện tích “xanh” ở khuôn viên trường được tăng lên, là những thay đổi dễ thấy sau khi các trường đồng loạt hưởng ứng phong trào. Thế nhưng những thay đổi về nhận thức, hành động, nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh mới là những hiệu quả mang lại niềm vui lớn nhất.
Thầy Nguyễn Văn Ửng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng Tây, chia sẻ: "Ðể “phủ xanh” trường học, trường đã huy động học sinh cùng tham gia. Các em đã mang đến nhiều loại cây phổ biến ở địa phương: lưỡi hổ, sao nhái, mười giờ, cúc đồng tiền, dây trầu bà... và thay nhau chăm sóc. Gần 150 chậu hoa và cây xanh được trang trí trong các phòng học, hành lang đi lại, có nhiều công sức của các em".
Qua đó, các em đã được giáo dục kiến thức, kỹ năng lao động phù hợp với yêu cầu giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, tri thức gắn liền với thực tế. Từ đó, góp phần nâng cao giáo dục và nhận thức đúng về bảo vệ môi trường, không chỉ trên bài giảng. Các em được tiếp cận với những hoạt động tích hợp liên môn và ứng dụng kiến thức khoa học và giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay trong nhà trường.
Không gian xanh với đa dạng cây trồng ở các trường học đã góp phần vào tổ chức hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả hơn. Thầy Nguyễn Văn Ðồng, giáo viên giảng dạy phân môn Sinh học, Trường THCS Nguyễn Việt Khái, cho biết: “Việc dạy và học trong không gian ngoài trời đã cho học sinh cơ hội được khám phá, tiếp nhận tri thức một cách tự nhiên. Các em được vận dụng thực hành dưới sự quan sát, hướng dẫn của giáo viên nên càng thêm hứng thú học tập và chất lượng bộ môn được nâng lên”.
Với hoạt động tập thể, các em biết tổ chức phân công công việc, đoàn kết, chia sẻ, thực hiện tốt kỷ luật. Các em góp phần rất lớn trong xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi an toàn, thân thiện và có trách nhiệm hơn. Ðó cũng chính là những hiệu quả mà thầy Nguyễn Thanh Long, giáo viên Trường THCS Nguyễn Việt Khái, cảm nhận sau quá trình đồng hành cùng học sinh thực hiện phong trào.
Ghi nhận sau 1 năm phát động mô hình “Trường học xanh” của ngành, bà Trần Cẩm Hường, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Phú Tân, chia sẻ: "Với điều kiện địa hình giáp biển, nhiều trường học trên địa bàn huyện thường xuyên bị ngập mặn, gây khó khăn cho việc phát triển hệ thống cây xanh. Ðồng thời việc giảng dạy và các công tác chuyên môn chiếm nhiều thời gian. Thế nhưng, các trường học đã nỗ lực khắc phục, lan tỏa phong trào, tạo nên sự chuyển biến tích cực. Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch “Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc” giai đoạn 2024-2030, tiếp tục tạo điều kiện để các trường thi đua, phấn đấu tạo môi trường học tập văn minh, giúp học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng sự phát triển của giáo dục trong tình hình mới"./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/-truong-hoc-xanh-mo-hinh-giao-duc-hieu-qua-a32350.html