'Trường hợp đặc biệt không thể quá nhiều'
'Tiêu chuẩn mấu chốt của các nhân sự chủ chốt là đủ bản lĩnh, năng lực, phẩm chất để xử lý vấn đề của toàn Đảng, của đất nước', nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn chia sẻ.
Quan điểm này được ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, chia sẻ trong cuộc trao đổi với Zing về công tác lựa chọn nhân sự chủ chốt cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Theo ông, không nên câu nệ độ tuổi với cấp lãnh đạo chủ chốt.
- Chỉ còn khoảng một tháng nữa Đại hội Đảng XIII sẽ diễn ra. Nhân dân cả nước đang trông chờ, kỳ vọng vào đội ngũ nhân sự khóa mới. Qua nhiều nhiệm kỳ, ông đánh giá c ông tác chuẩn bị nhân sự lần này có điểm gì mới?
- Qua theo dõi, tôi thấy nhiệm kỳ này chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng XIII bài bản hơn, chặt chẽ hơn, tốt hơn nhiều so với Đại hội XII. Trong đó, có một số điểm mới đáng ghi nhận.
Đó là nhiệm kỳ này Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Tổng bí thư, quán triệt lựa chọn nhân sự phải vừa quan tâm tiêu chuẩn, vừa quan tâm cơ cấu, nhưng nhấn mạnh tiêu chuẩn hơn, nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm tiêu chuẩn những người bầu vào Trung ương hay Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Định hướng đó rất đúng vì cả 2 yếu tố này đều cần thiết.
Bảo đảm tiêu chuẩn mới có cơ quan lãnh đạo Đảng đủ phẩm chất, năng lực, tín nhiệm để đảm đương nhiệm vụ. Nhưng cơ cấu cũng quan trọng để đảm bảo yếu tố hài hòa tham gia lãnh đạo trên tất cả lĩnh vực, vùng miền. Thực tế nhiều năm trước, chúng ta hay nhấn mạnh quá mức về cơ cấu, nhiều trường hợp vì chạy theo cơ cấu mà không bảo đảm tiêu chuẩn.
Còn những người bầu vào cơ quan lãnh đạo mà không đủ tiêu chuẩn thì “có cũng như không”, không đảm nhiệm được vai trò của một thành viên cần phải có trong cơ cấu của Ban Chấp hành Trung ương.
Nhân sự lần này được chuẩn bị tốt hơn vì có sự thống nhất cao hơn giữa Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Còn nhớ vào thời điểm chuẩn bị Đại hội XII, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đề nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI xem xét danh sách nhân sự, giới thiệu để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII, nhưng danh sách này cuối cùng có gần 1/3 bị gạt bỏ. Điều này chứng tỏ công tác chuẩn bị nhân sự khi đó chưa tốt, không tạo được sự đồng thuận trong Trung ương.
Cũng trong dịp đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI giới thiệu nhiều nhân sự nằm ngoài dự kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thông qua nhiều nhân sự bổ sung vào danh sách giới thiệu để bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.
Trong đó có một số trường hợp rất xứng đáng, sau này trở thành ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng cũng có trường hợp về sau cho thấy lựa chọn của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI không chuẩn xác. Điển hình là ông Đinh La Thăng, Bộ Chính trị không giới thiệu nhưng Trung ương giới thiệu bổ sung, đến giữa nhiệm kỳ khóa XII, ông đã bị thi hành kỷ luật và giờ phải chịu án tù.
Chưa kể đến việc trong khóa XII, Đảng phải kỷ luật nhiều cán bộ các cấp, trong đó có hàng chục ủy viên Trung ương, gồm cả ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Điều đó cho thấy công tác chuẩn bị nhân sự có khuyết điểm, thiếu sót, sai lầm.
Ở nhiệm kỳ này đã có sự thống nhất tốt hơn giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương. Tuy giờ còn quá sớm để khẳng định danh sách được lựa chọn ấy có tốt không, nhưng tôi thấy có sự đồng thuận cao hơn.
Một điểm mới nữa, là quá trình chuẩn bị nhân sự bầu vào cấp ủy của các đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa giúp lựa chọn người vào ban lãnh đạo của đảng bộ các cấp, nhưng cũng là bước chuẩn bị cho Đại hội XIII, vì thế chuẩn bị nhân sự ở các tỉnh lần này chặt chẽ hơn, coi trọng chất lượng hơn.
Đặc biệt, không ít trường hợp Trung ương đưa cán bộ từ nơi khác về các địa phương, không chỉ có bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương mà các thành phần chủ chốt của ban lãnh đạo cũng vậy, như giám đốc công an không phải người địa phương giúp phanh phui nhiều vụ án, xét xử nhiều sai lầm trước đây của cán bộ địa phương.
Những thay đổi đó là cần thiết, đem lại hiệu quả tích cực.
- Cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới quy định 3 độ tuổi: Dưới 50 (10-15%); 50-60 (75-80%) và từ 61 tuổi trở lên (10%). Theo ông, cơ cấu này sẽ giúp Trung ương khóa mới có thế mạnh gì?
- Hiện, chủ trương là trong Ban Chấp hành Trung ương khóa tới phải đảm bảo 3 độ tuổi. Một là những người dưới 50 tuổi; hai là từ 50 đến 60 tuổi và ba là trên 61 tuổi. Và có thể có một số ít trường hợp đặc biệt trên 65 tuổi. Cơ cấu 3 độ tuổi như vậy là cần thiết vì mỗi độ tuổi có thế mạnh, mặt yếu riêng.
Ví dụ tuổi trẻ sẽ sung sức, năng động và mạnh dạn đổi mới, nhưng kinh nghiệm có thể còn thiếu, sự từng trải chưa đủ. Song, khi những tiêu chuẩn cơ bản được đảm bảo, việc cơ cấu người trẻ vào Ban Chấp hành Trung ương sẽ giúp Trung ương khóa mới có sức bật tốt hơn, có sự năng động cần thiết, tạo điều kiện cho những lớp cán bộ trẻ trưởng thành, có thể đảm nhiệm nhiệm vụ nặng nề hơn.
Độ tuổi 50 đến 60 là nhóm nhìn chung có độ chín, có bề dày kinh nghiệm và sự từng trải trong các lĩnh vực công tác. Độ tuổi này nên chiếm số đông nhất trong Đảng.
Đặc biệt, với lãnh đạo cấp cao, tiêu chuẩn quan trọng nhất là khả năng, bản lĩnh xử lý các vấn đề của toàn Đảng, của đất nước nên những người cao tuổi được rèn luyện, có kinh nghiệm công tác về nhiều mặt là một vốn quý, bảo đảm sự vững vàng trong công tác lãnh đạo của Đảng.
Song, tôi cho rằng với cấp lãnh đạo chủ chốt không nên câu nệ độ tuổi. Như trên thế giới có lãnh đạo trẻ, có lãnh đạo nhiều tuổi và họ vẫn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ.
- Ông nghĩ sao về các “trường hợp đặc biệt” trong quyết sách lựa chọn lãnh đạo chủ chốt tại Đại hội Đảng XIII, nhất là trong bối cảnh nhiệm kỳ đại hội trước từng có tiền lệ về một trường hợp đặc biệt của Bộ Chính trị (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) và 4 trường hợp đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương?
- Trường hợp đặc biệt không thể quá nhiều. Tiêu chuẩn mấu chốt của các nhân sự chủ chốt là đủ bản lĩnh, năng lực, phẩm chất để xử lý vấn đề của toàn Đảng, của đất nước. Ở những vị trí này cũng cần tạo điều kiện cho những nhân tố trẻ được tham gia, chuẩn bị cho những thế hệ kế cận.
Theo quy trình, Đảng sẽ xem xét, biểu quyết thông qua danh sách giới thiệu các ủy viên Trung ương, sau đó biểu quyết thông qua danh sách giới thiệu nhân sự vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa tới, cuối cùng mới xem xét đến các nhân sự chủ chốt như Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Trình tự như vậy là hợp lý vì phải đủ tiêu chuẩn Trung ương mới cân nhắc vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư; vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư rồi mới có thể đảm nhiệm vị trí chủ chốt.
Qua trình tự ấy, từng bước ta sẽ thấy những ai được tín nhiệm cao nhất ở Trung ương, Bộ Chính trị để cân nhắc giới thiệu nhân sự chủ chốt.
Nhân sự chủ chốt do Bộ Chính trị chuẩn bị, xem xét, cân nhắc để đề nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
- Nhiệm kỳ khóa XII được đánh giá là thành công trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng . Vậy theo ông, kết quả của cuộc đấu tranh này sẽ đem lại thuận lợi, thách thức gì cho đội ngũ lãnh đạo chủ chốt khóa mới?
- Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ khóa XII đã có biến chuyển rõ ràng. Chúng ta đã nghiêm khắc đưa các vụ án, trong đó nhiều vụ án lớn ra xem xét, xử lý; thi hành kỷ luật nhiều cán bộ của Đảng, Nhà nước, kể cả các cán bộ cấp cao của Trung ương, Bộ Chính trị.
Việc này chúng ta không vui mừng, nhưng cần thiết phải làm để vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể nói, đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là “dấu son” trong công tác của Đảng nhiệm kỳ XII.
Về cơ bản nó sẽ tạo ra nhiều thuận lợi vì công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đang được sự ủng hộ, tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân. Điều đó giúp đội ngũ lãnh đạo khóa mới phải luôn tu dưỡng, rèn luyện mình, không được để mình trượt vào sai lầm.
Thành tựu ấy cũng tạo thuận lợi để đội ngũ lãnh đạo khóa mới tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Tất nhiên, đó cũng là một áp lực với họ, nhưng áp lực ấy là tốt, sẽ góp phần ngăn ngừa, giúp cán bộ ít sai lầm, lo tu dưỡng, rèn luyện để xứng đáng với sự tín nhiệm, mong đợi của nhân dân.
- Nhắc đến tiêu chuẩn ủ y viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới, Tổng bí thư , Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định. Đặc biệt, phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực… Theo ông, vì sao Tổng bí thư nhấn mạnh các tiêu chuẩn này trong bối cảnh hiện nay ?
- Chuẩn bị nhân sự Trung ương cho Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt Tổng bí thư nhấn mạnh 2 tiêu chuẩn là bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng, tiêu biểu, không có vi phạm khiến cán bộ đảng viên chê trách.
Thực ra nhiệm kỳ nào các tiêu chuẩn này cũng được đề cập, nhưng nhiệm kỳ này được nhấn mạnh là “rất cần thiết” vì chúng ta đang đứng trước giai đoạn nhiều thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức, trong đó có những thách thức khó lường, phức tạp trong cả kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng hay trong công tác xây dựng Đảng.
Trong lúc chúng ta phải đương đầu, đối phó với những thách thức lớn thì yêu cầu bản lĩnh với người lãnh đạo là rất quan trọng, nếu không có sẽ không thể vượt qua được những khó khăn phía trước.
Tiêu chuẩn thứ hai được đặc biệt nhấn mạnh là người lãnh đạo phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, là tấm gương cho đảng viên, cán bộ tin cậy, noi theo.
Điều đó đặc biệt cần thiết vì trong một thời gian khá dài trước đây, công cuộc xây dựng Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ta bị lơi lỏng, để tham nhũng, tiêu cực hoành hành, gây tổn hại đến uy tín của Đảng.
Nhiệm kỳ này, tuy có nhiều thành tựu trong chống tham nhũng, tiêu cực và trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, tình hình tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài nên người lãnh đạo rất cần thiết phải có những tiêu chuẩn trên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-hop-dac-biet-khong-the-qua-nhieu-post1165388.html