Trường hợp nào nghỉ hưu trước tuổi vẫn được hưởng nguyên lương?

Chị Trần Thị Hà (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) hỏi: Tôi được biết, từ 1/1/2021, sẽ có một số đối tượng thuộc diện tinh giảm biên chế, nghỉ hưu trước tuổi nhưng vẫn được hưởng đầy đủ chế độ hưu trí, không bị trừ tỷ lệ lương hưu. Vậy, chính sách trên được áp dụng đối với những trường hợp nào?

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, ngày 10/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và các khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP đối với quy định liên quan đến tuổi để thực hiện chính sách về hưu trước tuổi, nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tuyên truyền pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội tới đoàn viên, người lao động

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm tuyên truyền pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội tới đoàn viên, người lao động

Theo đó, các đối tượng tinh giảm biên chế được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, cụ thể như sau:

Một là: Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động (theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến đủ 48 tuổi đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành; hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Hai là: Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động (theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Ba là: Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động (theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, trên 48 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Bốn là: Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động (theo khoản 4 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, trên 58 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, trên 53 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/truong-hop-nao-nghi-huu-truoc-tuoi-van-duoc-huong-nguyen-luong-122223.html