Trường mầm non Nà Hẩu giúp trẻ người Mông từ 'chỉ biết khóc đến biết cười'

Với đặc thù trẻ nhút nhát, hay khóc, việc nói tiếng Việt còn nhiều khó khăn, Trường Mầm non xã Nà Hẩu chỉ đạo giáo viên luôn gần gũi, thường xuyên trò chuyện thân thiện, hòa đồng với trẻ. Cùng với đó, tập trung đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo cơ hội cho trẻ chủ động tương tác theo phương châm 'học mà chơi, chơi mà học'.

Cô giáo Phàng Thị Dy - giáo viên lớp 4-5 tuổi, Trường Mầm non xã Nà Hẩu dạy trẻ múa gậy Sênh tiền.

Cô giáo Phàng Thị Dy - giáo viên lớp 4-5 tuổi, Trường Mầm non xã Nà Hẩu dạy trẻ múa gậy Sênh tiền.

Trường Mầm non xã Nà Hẩu có 100% trẻ là người Mông, cơ sở vật chất nhà trường còn rất nhiều khó khăn chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu thực tế; phụ huynh phần lớn là đồng bào dân tộc Mông, trình độ văn hóa và trình độ nhận thức còn hạn chế, một số chưa quan tâm phối hợp với nhà trường trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Trước thực tế đó, Trường Mầm non xã Nà Hẩu luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học, giúp trẻ em sớm giao tiếp tốt bằng tiếng Việt, tạo nền tảng vững chắc cho các bậc học cao hơn.

Tập thể Chi bộ nhà trường đã chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên; phát động thành Phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt”, gắn kết các cuộc vận động "Hai không”, Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, "Xây dựng trường học hạnh phúc”, "Trường học gắn với du lịch”; thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác của ngành.

Năm học 2023-2024, Trường Mầm non xã Nà Hẩu có 228 trẻ, 100% là con em đồng bào Mông, nhà trường luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, tạo nền tảng tốt nhất để trẻ tự tin giao tiếp tốt bằng tiếng Việt cũng như các kỹ năng học tập, kỹ năng sống.

Với đặc thù trẻ nhút nhát, hay khóc, việc nói tiếng Việt còn nhiều khó khăn, nhà trường chỉ đạo giáo viên luôn gần gũi, thường xuyên trò chuyện thân thiện, hòa đồng với trẻ. Cùng với đó, tập trung đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo cơ hội cho trẻ chủ động tương tác theo phương châm "học mà chơi, chơi mà học”.

Cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian đầu chưa nói được tiếng Việt, nhiều con chỉ khóc. Được nhà trường định hướng, ngoài việc thường xuyên giao tiếp, thân thiện với trẻ, dạy cho trẻ nói từng câu, từng từ, các cô giáo còn tích cực làm đồ chơi, đồ dùng học tập, tạo các hoạt động vui chơi để trẻ mạnh dạn hơn. Bằng tình yêu thương, gần gũi, cộng thêm các hoạt động dạy và học bổ ích, các con đã tiến bộ rõ rệt. Khác với ngày đầu đến lớp, nay cô nói trẻ nghe, mạnh dạn tương tác trong các hoạt động. Phụ huynh thấy sự chuyến biến nên tích cực cho con đi học. Qua đó, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường rất cao.

Cùng đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm "Lấy trẻ làm trung tâm”, nâng cao chất lượng cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế.

Cô giáo Phàng Thị Dy, giáo viên lớp 4-5 tuổi cho biết: Chúng tôi thường xuyên xây dựng các góc học tập, đồ dùng học tập, xây dựng các câu chuyện, bài thơ… phù hợp với lứa tuổi để các con vừa học, vừa trải nghiệm; tích cực trao đổi với phụ huynh, động viên thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt với các con. Bây giờ, 100% trẻ nói thành thạo bằng tiếng Việt và tự tin giao tiếp.

Tháng 12/2022, nhà trường đã khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà cộng đồng, được coi như một "bảo tàng thu nhỏ” tái hiện lại đời sống, nét văn hóa bản sắc của đồng bào Mông xã Nà Hẩu thông qua trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc và đồ dùng sinh hoạt của người Mông... Nhà trường cũng quan tâm lựa chọn các sản phẩm văn hóa địa phương xây dựng các góc, khu vực nhà sàn mô phỏng để trưng bày giới thiệu và giáo dục học sinh như: khèn của người Mông, trang phục dân tộc, dụng cụ lao động, cối giã gạo, cối xay, cọn nước, các nhạc cụ dân tộc, hình ảnh về Lễ hội cúng rừng, các sản phẩm văn hóa ẩm thực dân tộc Mông... Các hoạt động dạy học, thực hành, trải nghiệm về văn hóa, hoạt động giáo dục được gắn với kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Trong đó, lồng ghép múa "Sênh tiền" vào hoạt động thể dục buổi sáng; tổ chức các trò chơi dân gian; tổ chức các hoạt động tìm hiểu văn hóa trong Tết rừng Nà Hẩu; Tết Nguyên đán... Qua đó, trẻ được trải nghiệm với các hoạt động thực tiễn về bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó có ý thức giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.

Có thể thấy, thông qua các hoạt động tích cực, đổi mới, sáng tạo trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ của đội ngũ giáo viên nhà trường giúp trẻ ngày càng hứng thú, mạnh dạn, tự tin giao tiếp tốt bằng tiếng Việt, tích cực tham gia các hoạt động, các kỹ năng học tập, thích ứng tốt hơn với những điều kiện của môi trường mới. Đó là kết quả đáng khích lệ để Trường Mầm non xã Nà Hẩu tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện và nền tảng vững chắc cho các bậc học cao hơn.

Anh Dũng

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/320902/truong-mam-n111n-na-hau-giup-tre-nguoi-mong-tu-chi-biet-khoc-den-biet-cuoi.aspx