Trường nghề chật vật tuyển sinh
Sau nhiều năm được định hướng, phân luồng nhưng vẫn khó tuyển sinh (gồm cả học viên sau bậc THCS, THPT), năm 2025, tình hình tuyển sinh với các trường nghề còn khó khăn hơn nữa. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là các trường THPT công lập ở TPHCM hạ ngưỡng tuyển sinh, khiến nguồn học viên giảm rõ rệt cũng như ưu tiên học nghề vẫn là 'thứ yếu'.
Những năm qua, hệ thống trường dạy nghề ở TPHCM, nơi cung cấp lao động cho nhiều ngành nghề chủ yếu tới từ 2 nhóm học viên chính là sau THCS (lớp 9) và sau bậc THPT. Với nhóm sau THCS, các trường nghề sẽ kết hợp đào tạo kiến thức văn hóa phổ thông và thường có chương trình đào tạo dài ngày (2-3 năm). Từng được định hướng bằng cách “siết” chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường THPT công lập nên những năm trước, thường có khoảng 30.000 học sinh tốt nghiệp THCS không thể trúng tuyển bậc THPT công lập. Phần lớn số học sinh này được định hướng (không bắt buộc) theo học các trường nghề để đạt được 2 mục đích là có bằng cấp, nghề nghiệp. Một phần còn lại, sẽ lựa chọn các trường THPT ngoài công lập có mức đóng góp rất cao.
Tuy nhiên, ở kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay, số lượng thí sinh tốt nghiệp THCS mà không thể tiếp tục học THPT công lập giảm mạnh, chỉ còn khoảng hơn 10.000. Đây là một phần nguyên nhân khiến các trường nghề thiếu nguồn học viên, dù thực tế nhiều trường nghề vươn xa tuyển sinh ở các địa phương lân cận (ngoài TPHCM). Trong khi đó, với nhóm học viên sau THPT thì thường lựa chọn các khóa học nghề ngắn hạn để làm việc, bởi tâm lý “rớt ĐH mới đi học nghề” vẫn còn khá phổ biến. Với những nguyên nhân khách quan này, hầu hết các trường nghề ở TPHCM hiện nay, chỉ “hài lòng” với mức tuyển sinh bằng 50% chỉ tiêu. Rất ít trường nghề có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu dù việc chiêu sinh được tiến hành liên tục.
Cụ thể, theo TS Châu Văn Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, tới 7/2025, trường đã tuyển sinh được 450 hồ sơ vào học trung cấp nghề. Con số này khá thấp so với chỉ tiêu là 3.000 học viên của trường. Cũng theo ông Bảo, những năm trước, nhà trường thường tuyển sinh khoảng 50% chỉ tiêu. Vì vậy, hiện trường đang tập trung cho công tác tuyển sinh, đẩy mạnh với nhóm ngành nghề hot trên thị trường lao động để thu hút học viên. Tương tự, theo ThS. Trần Văn Tú - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, trường có chỉ tiêu tuyển sinh là 3.000 nhưng hiện mới tuyển được 600 chỉ tiêu bậc trung cấp nghề. Ông Tú hy vọng trong thời gian từ nay tới hết tháng 8, số lượng học viên sẽ tăng mạnh sau khi các tuyển sinh ĐH, tuyển sinh THPT công lập qua đi. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều lãnh đạo trường nghề khác, khi hy vọng thí sinh bị trượt các nguyện vọng khác sẽ tìm tới trường nghề.
Thực tế, không riêng gì những trường dạy nghề ở TPHCM, mà các địa phương khác, việc tuyển sinh cũng khá chật vật. Thậm chí vừa qua, một số lãnh đạo trường nghề còn kiến nghị lãnh đạo Bộ GDĐT “siết” đầu vào (thông qua chỉ tiêu tuyển sinh) với các trường ĐH để định hướng vào trường nghề. Điều thuận lợi so với trước là từ năm 2025, hệ thống trường nghề và các trường ĐH đều nằm dưới sự quản lý chung của Bộ GDĐT, nên nếu có phương án thì việc thực hiện sẽ đồng bộ.
Trong khi đó, một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng, các trường nghề cần phải thích ứng và cạnh tranh trực tiếp với các ĐH, trường THPT công lập bằng chất lượng dạy nghề và xa hơn nữa, là đảm bảo việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Thực tế, nhiều trường nghề đã tìm cách liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên địa bàn để định hướng đào tạo, thậm chí đào tạo theo xu hướng sử dụng lao động để các học viên tốt nghiệp có việc làm. Đây cũng được cho là hướng đi bền vững và cần thiết, để trường nghề tạo ra thế mạnh riêng, một chỗ đứng nhất định trong bức tranh chung về tuyển sinh, thay vì là lựa chọn thứ yếu.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/truong-nghe-chat-vat-tuyen-sinh-10310567.html