Trường nghề còn nhiều khó khăn
Người thứ hai trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X là bà Trương Thị Phương Thảo - Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đánh giá hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động thời gian qua, bà Trương Thị Phương Thảo cho biết, từ năm 2020-2023, công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được 41.784 người, trong đó, trình độ cao đẳng 1.377 người, trung cấp 6.427 người, sơ cấp 25.886 người, lao động nông thôn 8.094 người. Kết quả, tốt nghiệp 34.563 người, trong đó trình độ cao đẳng 800, trung cấp 3.135, sơ cấp 22.962, lao động nông thôn 7.666 người.
Từ năm 2020 đến nay, các trường trung cấp, cao đẳng nghề luôn chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong nước liên kết đào tạo theo hình thức học tập trung liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học hoặc đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học; kết quả đã tuyển sinh được 2.589 người, trong đó đã tốt nghiệp 1.024 người (cao đẳng 121, đại học 903).
Các trường trung cấp, cao đẳng nghề hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã đưa học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập ngay tại cơ sở sản xuất thời gian từ 1-3 tháng, được các kỹ sư, thợ lành nghề trực tiếp hướng dẫn, qua đó giúp các em tiếp cận với máy móc công nghệ hiện đại để khi ra trường có thể làm việc được ngay. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn cung cấp thông tin về kết quả học tập của học sinh, sinh viên cho doanh nghiệp; ngược lại doanh nghiệp cung cấp thông tin về điều kiện tuyển dụng, vị trí việc làm và mức lương, phụ cấp để học sinh, sinh viên biết. Hằng năm nhà trường tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp có mời đại diện các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh đến dự, tổ chức ngày hội việc làm ngay tại trường để tư vấn việc làm, giúp các em tìm hiểu kỹ và quyết định làm việc phù hợp với ngành nghề và năng lực của mình…
Tuy nhiên, việc tuyển sinh, đào tạo và hoạt động của trường nghề cũng còn không ít khó khăn hạn chế, trong đó, nổi lên vấn đề học sinh phổ thông không mặn mà với trường nghề.
Đại biểu Kim Thị Hạnh phát biểu chất vấn
Sau phần tóm tắt trả lời chất vấn (tóm tắt bằng văn bản), đại biểu Nguyễn Thị Thanh Sơn đặt câu hỏi: 6 tháng đầu năm có hàng ngàn người mất việc làm, giải pháp nào cho vấn đề này? Đại biểu Nguyễn Trọng Tấn nêu: Tỉnh có nhiều trường nghề nhưng khi học viên học xong, vào công ty, xí nghiệp làm, tại sao lại phải đào tạo lại? Ngành LĐ-TB&XH cần làm gì để công tác đào tạo nghề gắn chặt hơn với thị trường lao động? Đại biểu Kim Thị Hạnh hỏi: Việc triển khai sàn giao dịch điện tử cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, nguyên nhân do đâu? Trên địa bàn tỉnh còn bao nhiêu lao động chưa có việc làm?
Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng phát biểu chất vấn
Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng đặt vấn đề doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, vậy có giải pháp nào để hỗ trợ người lao động nhưng chưa được lãnh chế độ bảo hiểm? Kinh phí đào tạo nghề dành cho người khuyết tật không sử dụng, vì không có người học, vấn đề này cần nhìn nhận ra sao? Đại biểu Nguyễn Hoàng Nam nêu, báo cáo của Sở LĐ-TB&XH nêu ra nhiều khó khăn, hạn chế nhưng không chỉ ra vì sao lại có những khó khăn, hạn chế đó. Tỷ lệ người lao động sau khi học xong có hơn 80% tìm được việc làm nhưng liệu những người này đang làm việc có đúng ngành, nghề đào tạo không? Một số đại biểu khác tiếp tục đặt câu hỏi về đào tạo nghề, về hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Trả lời theo nhóm vấn đề, bà Trương Thị Phương Thảo cho biết, 6 tháng đầu năm hơn 10.000 người lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp. Hiện tại, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần khoảng 20.000 lao động, trong đó chủ yếu doanh nghiệp sản xuất may mặc, giày da. Việc doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm, ngành chức năng thường xuyên nhắc nhở, xử phạt doanh nghiệp vi phạm. Việc đào tạo nghề gắn với thị trường, bà Thảo cho biết, cơ sở vật chất của trường nghề còn tương đối lạc hậu về thiết bị, do đó mới có chuyện doanh nghiệo phải đào tạo lại cho người lao động. Đối với hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, loại hình trường này đang tồn tại nhiều hạn chế, khó thu hút người học. Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu, tham mưu để Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trở lại trực thuộc Sở GD&ĐT.
Trao đổi thêm về chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở GD&ĐT nêu, việc phân luồng này không phải “chúng ta buông bỏ học sinh”, các em vào trường nghề cũng tốt, có định hướng nghề nghiệp cho tương lai.
Chốt lại vấn đề này, chủ tọa kỳ họp đề nghị tiếp tục nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc. “Quan tâm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, điều này tạo cơ hội cho người mất việc trong doanh nghiệp chuyển đổi việc làm” – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm phát biểu chỉ đạo. Đối với vấn đề dạy nghề, ngành LĐ-TB&XH cần sớm rà soát lại hoạt động cơ sở dạy nghề hiện nay. Ngành cần tham mưu UBND tỉnh thành lập trường nghề ngoài công lập, giảm đầu tư ngân sách nhà nước.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/truong-nghe-con-nhieu-kho-khan-a161096.html