Trường nghề Hải Dương hợp tác quốc tế nâng tầm đào tạo nhân lực
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương chủ động hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đào tạo, kỹ năng nghề và khả năng hội nhập của người lao động.
Nắm bắt cơ hội
Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành năm 2021 nêu rõ "phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới".
Hải Dương hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó nhiều đơn vị có xu hướng liên kết hợp tác với tổ chức nước ngoài đào tạo nhân lực. Tiêu biểu như Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương hợp tác với Trường Đại học Bách khoa cộng hòa (RP) của Singapore; Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng hợp tác với Tổ chức Asia society for social improvement and sustainable transformation inc (Tổ chức phi chính phủ của Philippines); Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I hợp tác với Tổ chức PUM (tổ chức phi chính phủ của Hà Lan)...
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương chủ yếu hợp tác quốc tế theo 2 hình thức. Hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; hỗ trợ nhà trường cơ sở vật chất, trang thiết bị giúp thu hút tuyển sinh và gia tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hợp tác cùng các trường đại học, cao đẳng, tổ chức quốc tế thực hiện các khóa trao đổi sinh viên, bồi dưỡng giảng viên, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ; đưa học sinh, sinh viên sang du học hoặc làm việc tại nước sở tại…
Theo ông Nguyễn Minh Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I ở phường Nam Đồng (TP Hải Dương), hợp tác quốc tế theo hình thức nào thì cũng là cơ hội để các trường nghề phát triển và bắt kịp xu hướng hội nhập ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Đây cũng là nhu cầu của người học trong thời gian tới. Tháng 3 vừa qua, nhà trường đã trao đổi nội dung hợp tác với Viện Hàng hải Harlingen và Tổ chức PUM của Hà Lan để phát triển các chương trình đào tạo theo hướng hiện đại.
Các chuyên gia của Hà Lan sẽ hỗ trợ nâng cao kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho giảng viên của trường; giúp giáo viên, học sinh sử dụng hệ thống radar, điều khiển trên tàu hiện đại và vận hành tàu chạy bằng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) tiết kiệm nhiên liệu, vận tải hành khách an toàn. “Đây là cơ hội lớn để Trường Cao đẳng Giao thông vận tải đường thủy I có thể phát triển nghề điều khiển phương tiện thủy nội địa lên tầm cao mới và trở thành nghề trọng điểm quốc gia, đạt chuẩn quốc tế”, ông Vỹ chia sẻ.
Nâng tầm
Hợp tác quốc tế giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương nhận được những kinh nghiệm, kỹ thuật công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới; thu hút học viên. Ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương (Cẩm Giàng) khẳng định thực tế đã chỉ ra rằng, khi nhà trường giới thiệu các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế đã tạo được sự hứng thú, thu hút người học, từ đó nâng cao uy tín, sức hút cho các trường nghề.
Anh Nguyễn Thanh Hải cùng con tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp năm 2024 do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức ngày 9/4 vừa qua cùng quan điểm trên. Anh Hải cho biết khi các trường nghề giới thiệu về các ngành học có chương trình đào tạo chuyên sâu của nước ngoài và được cấp chứng chỉ quốc tế, anh thấy hấp dẫn hơn hẳn. Đăng ký học nghề đó, học sinh không những được tiếp cận với chương trình chuẩn quốc tế mà còn được thực hành với máy móc, thiết bị hiện đại. Ưu điểm nổi bật nhất là có thể xin việc ở các doanh nghiệp FDI và có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Phòng Quan hệ - Hợp tác quốc tế (Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng ở phường Sao Đỏ, Chí Linh) cho biết cuối năm 2023, Trường Cao đẳng Cơ giới xây dựng là một trong 20 trường trên cả nước được Tổ chức Asia society for social improvement and sustainable transformation inc lựa chọn thực hiện Dự án “Trung tâm đào tạo nghề điện xanh”. Để được lựa chọn, nhà trường ngoài đạt chuẩn chất lượng đào tạo còn có đội ngũ giáo viên phù hợp, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu. “Tổ chức này sẽ trực tiếp tài trợ trang thiết bị phục vụ dạy và học ngành điện, điện tử, tập trung vào điện xanh và tự động hóa nên từ giảng viên đến học viên của trường cũng được lựa chọn kỹ để tham gia dự án”, chị Hường chia sẻ.
Khi đề cập tới hợp tác quốc tế, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hải Dương đều nhận thấy rào cản về ngôn ngữ ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng này. Thực tế khả năng ngoại ngữ của cả giảng viên, học sinh, sinh viên của Hải Dương còn hạn chế. Nhiều giáo viên ngại tiếp cận với chương trình đào tạo mới và các máy móc, thiết bị hiện đại do các tổ chức nước ngoài cung ứng hoặc đưa vào chương trình đào tạo khi hợp tác... Xóa được những rào cản cơ bản trên thì hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực chất lượng của Hải Dương mới đạt hiệu quả.