Trường nghề kêu khó tuyển sinh vì không có phần mềm chung, Bộ Lao động nói gì?
Thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống phần mềm tuyển sinh chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngày 30/12/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có công văn gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh khối giáo dục nghề nghiệp. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản hồi của của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội kí ngày 10/3.
Để rộng đường dư luận về vấn đề này, Tạp chí đăng tải toàn bộ nội dung trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
PV: Từ khi chuyển về Bộ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự thân làm công tác tuyển sinh do phải tự cập nhật dữ liệu của học sinh phổ thông lại từ đầu nên tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Bộ có biết điều này? Bộ đã tháo gỡ cùng các cơ sở giáo dục như thế nào?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện nay, theo quy định, các trường đều được quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh, đào tạo tùy theo năng lực và quy mô tuyển sinh đã đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tuyển sinh từ nhiều nguồn khác nhau trong đó có nguồn học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tới từng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để truyền thông, quảng bá về các ngành, nghề nhằm hỗ trợ các học sinh phổ thông tìm hiểu thông tin, xác định con đường nghề nghiệp tương lai. Đây cũng là cơ hội để các trường tự xây dựng, khẳng định thương hiệu và thu hút người học.
Nếu các trường chỉ trông chờ và hỗ trợ của cơ quan quản lý, không chủ động, sáng tạo trong công tác tuyển sinh thì rất khó đạt được kết quả như mong đợi. Do vậy, ý hỏi: “…phải tự thân làm công tác tuyển sinh do phải tự cập nhật dữ liệu của học sinh phổ thông lại từ đầu nên tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc” là không đúng với thực tế và quy định trong tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh những nỗ lực của các trường, từ khi thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra nhiều giải pháp để “gỡ khó” cho công tác tuyển sinh và đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các giải pháp bao gồm:
Thứ nhất, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, qua đó hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, internet vào các hoạt động tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo và quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập an toàn, thích nghi, đặc biệt là các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho học sinh, sinh viên và trong các nhà trường.
Thứ hai, truyền thông mạnh mẽ về giáo dục nghề nghiệp từ báo chí, truyền hình đến các nền tảng mạng xã hội, góp phần thu hút mạnh mẽ số lượng tuyển sinh học nghề. Hàng năm, đều tổ chức các hội nghị tuyển sinh để các trường chia sẻ những điểm mạnh, những khó khăn còn gặp phải trong quá trình tổ chức đào tạo, hỗ trợ các cơ quan quản lý xây dựng chính sách.
Thứ ba, có văn bản gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội từ cấp tỉnh đến các phòng giáo dục nghề nghiệp cấp huyện tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hàng năm tổ chức các hội nghị tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, việc làm ở các cấp thuộc địa bàn nhằm thúc đẩy việc tuyển sinh và đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ nhu cầu địa phương, vùng.
Thứ tư, thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên cử giáo viên đi học nâng cao, đặc biệt là tiếp cận kỹ năng số. Mở rộng các mô hình đào tạo chuyển giao quốc tế, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là xây dựng thương hiệu cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sức hút tuyển sinh, thu hút người học; kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp lớn cùng tham gia đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
PV: Mong muốn của các trường cơ sở giáo dục nghề nghiệp là có dữ liệu của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông để làm căn cứ, có thông tin xây dựng chiến lược tuyển sinh phù hợp. Vậy Bộ có dự kiến xây dựng hệ thống phần mềm tuyển sinh chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không? Vì sao?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:Do đặc thù về đối tượng người học ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, việc sử dụng dữ liệu của học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để tuyển sinh, phân luồng người học và hệ thống giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết. Về việc này, ngày 04/7/2017, Tổng cục Dạy nghề (nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đã có công văn số 1646/TCDN-DNCQ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chia sẻ dữ liệu tuyển sinh và giảng dạy văn hóa trung học phổ thông trong các trường trung cấp, cao đẳng, tuy nhiên cho đến nay việc chia sẻ dữ liệu tuyển sinh nêu trên vẫn chưa được thực hiện.
Về việc xây dựng phần mềm tuyển sinh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp trong đó có các chuyên mục quản lý tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, các trường hiện nay có phần mềm tuyển sinh riêng kết nối với Trang thông tin tuyển sinh trên website của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tại địa chỉ: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn và ứng dụng chọn nghề dùng cho thiết bị di động. Hiện tại, các trang thông tin tuyển sinh đang hoạt động có hiệu quả.
Do vậy thời điểm này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống phần mềm tuyển sinh chung cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
PV: Thông tư 15 về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó quy định 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Sử, đã có hiệu lực từ ngày 24/12 nhưng đến nay nhiều trường vẫn thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Bộ có kế hoạch gỡ khó cùng các trường như thế nào trong năm 2023?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Điều 4 của Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định về yêu cầu và điều kiện tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông. Đồng thời, Điều 14 của Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định tại Thông tư này.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Do vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện đảm bảo khi thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông phải tuân thủ theo đúng quy định và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở năng lực của mình.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 15, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ các trường trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của trường đảm bảo đạt chuẩn, thực hiện tốt giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để tạo thuận lợi cho người học có nhiều cơ hội học tập và học tập suốt đời.
Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã triển khai, đăng tải loạt bài ghi nhận ý kiến từ một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp về khó khăn trong công tác tuyển sinh kể từ khi chuyển về do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý.