Trường nội thành ở Hà Nội lên phương án đón trẻ tiểu học

Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, các trường tiểu học ở Hà Nội còn lên phương án dạy học song song, kế hoạch củng cố tâm lý, kiến thức cho trẻ sau thời gian dài học trực tuyến.

Ngày 21/2, trẻ tiểu học và lớp 6 các trường nội thành ở Hà Nội trở lại trường. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh dù họ vẫn lo lắng con có thể lây nhiễm virus khi ở trường.

“Là một hiệu trưởng, một giáo viên, đồng thời là một bà mẹ, tôi cũng lo lắng. Đó là điều đương nhiên nhưng ta không nên đặt nặng nó mà nên thể thức hóa nỗi lo thành công việc phòng, chống dịch, giúp đỡ lẫn nhau, khi có F0 thì cách ly, khoanh vùng F1 nhanh chóng, gọn nhất có thể, động viên gia đình học sinh”, cô Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông), chia sẻ.

 Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình) tổ chức diễn tập công tác phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học chiều 17/2. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.

Trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình) tổ chức diễn tập công tác phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học chiều 17/2. Ảnh: Phòng GD&ĐT Ba Đình.

Chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án phòng, chống dịch

Cô Thanh Mai khẳng định việc mở cửa trường học là cần thiết vì dịch kéo dài quá lâu, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, tâm sinh lý của trẻ. Hơn nữa, cô cho rằng nước ta đã tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi cũng được tiêm phòng. Trẻ tiểu học chưa tiêm nhưng nhìn chung, khả năng miễn dịch của các con tốt hơn.

Dù vậy, công tác chuẩn bị cho ngày trẻ đi học trở lại cũng được tiến hành nghiêm ngặt, cẩn thận ở các trường nội thành.

Tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hiệu trưởng Teo Thị Thanh Mai cho hay việc chuẩn bị cơ sở vật chất đã hoàn thành. Bước tiếp theo, trường tổ chức họp phụ huynh, đưa ra các phương án để phụ huynh cùng góp ý, đồng thời để cha mẹ học sinh nêu khó khăn của họ, xem có phương án nào tháo gỡ.

Cuối tuần này, trước khi đón học trò đến lớp, trường mời phụ huynh đến kiểm tra công tác chuẩn bị để họ yên tâm hơn khi gửi con cho thầy cô.

Tại trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà cùng cán bộ, nhân viên, giáo viên đã lên kế hoạch tỉ mỉ, chi tiết.

“Vì học sinh tiểu học còn nhỏ tuổi, mọi thứ phải rất chi tiết nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn nhất có thể cho các con”, cô Hà chia sẻ.

Trường đã vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị như khẩu trang, mũ chống giọt bắn, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận, nhân viên trong trường.

Trường Tiểu học Khương Thượng đã tập dượt đón học sinh, nêu các tình huống, kịch bản để có hướng xử lý, đặc biệt khi có trường hợp nghi mắc Covid-19.

Trường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Đông) cũng tiến hành tổng vệ sinh khử khuẩn toàn bộ, phòng học, phòng chức năng, khu vực xung quanh trường, lắp thêm 2 máng rửa tay để học sinh sát khuẩn khi ở trường.

Hiệu trưởng Bùi Thị Minh Thu thông tin trường đã lên phương án cụ thể, giả định tình huống có trường hợp F1 hoặc nghi mắc Covid-19, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh, chuẩn bị khẩu hiệu, pano trong trường.

Hai cơ sở của hệ thống giáo dục Dewey tại Cầu Giấy và Tây Hồ Tây (Bắc Từ Liêm) đều tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, khử khuẩn để đón học sinh trở lại vào tuần tới.

Bà Vũ Thị Lệ Hằng - Phó ban an toàn phòng chống dịch Covid-19 (cơ sở Tây Hồ Tây) - cho biết trường trang bị bình sát khuẩn tại nhiều khu vực trong trường, khẩu trang, nhiệt kế, nước sát khuẩn ở khắp mọi nơi. Những poster tuyên truyền về công tác phòng dịch cũng được dán khắp trường.

Nhà trường bố trí ngồi giãn cách tại canteen, lớp học, khu vực tập trung đông, chuẩn bị phòng cách ly cho các trường hợp ốm, sốt tại trường.

Việc khử khuẩn phòng học, lau chùi bàn ghế, xe đưa đón học sinh được thực hiện định kỳ. Ngoài ra, sau thời gian dài trẻ không tới lớp, nhà trường cũng kiểm tra lại độ an toàn của khu vui chơi, lan can, phòng học.

Bà Nguyễn Tuyết Minh, phụ trách Ủy ban an toàn phòng chống Covid-19 tại The Dewey Schools (cơ sở Cầu Giấy), cho biết 6 kịch bản ứng phó đã được tập luyện từ trước để giáo viên, nhân viên nắm rõ các quy tắc, xử trí trong bất cứ trường hợp nào xảy ra.

 Với học sinh lớp 1 ở nội thành, ngày 21/2 sẽ là ngày đến trường đầu tiên đúng nghĩa. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Với học sinh lớp 1 ở nội thành, ngày 21/2 sẽ là ngày đến trường đầu tiên đúng nghĩa. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Lên phương án dạy học song song

Không chỉ chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, để đón học sinh đến lớp, các trường còn phải lên phương án dạy học để đảm bảo chất lượng dạy học, an toàn của trẻ.

Tại trường Dewey, khoảng 90% phụ huynh đồng ý cho con trở lại trường. Do đó, trường sẽ dạy song song on - off. Giáo viên vừa giảng bài trên lớp, vừa mở Zoom để những em chưa đến trường vẫn có thể học online theo thời khóa biểu chung.

Ngoài ra, theo quy định, trường chỉ dạy trực tiếp một buổi. Vì thế, học sinh học tại trường 4 tiết vào buổi sáng và tiếp tục học trực tuyến 3 tiết vào buổi chiều.

Trong khi đó, tại trường Tiểu học Khương Thượng, đến ngày 16/2, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con chuyển sang học trực tiếp là khoảng 50%. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết nhiều phụ huynh đang theo dõi tình hình trước khi ra quyết định nên con số này có thể tiếp tục thay đổi.

Để đảm bảo việc học cho tất cả học sinh, nhà trường đang thăm dò, lấy ý kiến giáo viên. Nếu họ tự nguyện, buổi sáng, giáo viên dạy trực tiếp tại trường. Buổi chiều, họ tiếp tục dạy online cho những em chưa đi học vì là F0, F1 hoặc phụ huynh chưa yên tâm gửi con đến lớp.

“Việc này, tôi phải xin ý kiến cả phụ huynh lẫn giáo viên vì dạy học như vậy còn liên quan đến nhiều thứ như cơ chế, thời gian, việc chuẩn bị bài giảng”, cô Hà nói.

Theo cô, phương án ổn nhất là dạy song song trực tiếp và trực tuyến. Để chuẩn bị, trường đã kiểm tra lại đường truyền. Trong ngày 15/2, tất cả giáo viên mang máy tính đến để kiểm tra kết nối trong trường hợp vừa dạy ở lớp vừa dạy online.

Trường Tiểu học Vạn Phúc chưa khảo sát số lượng phụ huynh sẽ cho con học trực tuyến (F0, F1, con chưa kịp trở lại Hà Nội hoặc cha mẹ chưa yên tâm).

“Nếu phụ huynh còn lo lắng mà chưa cho con đến lớp, trường sẽ tuyên truyền để họ yên tâm. Đây là cơ hội để các con đến trường. Nhà trường cũng đã có kế hoạch, phương án. Tôi nghĩ phụ huynh sẽ đồng ý gửi con tới lớp”, Hiệu trưởng Bùi Thị Minh Thu nói.

Dù vậy, để đảm bảo việc học cho những em chưa chuyển sang học trực tiếp vào tuần tới, trường đã họp ban trung tâm, tổ chuyên môn để lên phương án.

Theo đó, mỗi khối lập một lớp vừa dạy học trực tiếp vừa trực tuyến hoặc luân phiên dạy online giữa các lớp. Những em chưa đi học sẽ học online ở lớp này. Phòng học được cài đặt thiết bị để giáo viên dạy trực tiếp đồng thời chuyển bài giảng tới học sinh ở nhà học.

Ngoài ra, chưa có kế hoạch cụ thể, thống nhất chung song trường dự kiến bố trí học sinh học lệch giờ, lệch buổi. Khối 1, 2, 5 học sáng, khối 3, 4 học chiều để giảm lưu lượng học sinh đến trường, đảm bảo khoảng cách.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn lại đưa ra 2 cách làm. Với khối 3, 4, 5, trường lắp camera trong phòng học để phát trực tiếp bài giảng cho học sinh ở nhà học cùng những em ở lớp.

Với khối 1, 2, trường bố trí giáo viên dạy học trực tuyến trái buổi (có thể vào buổi tối) cho học sinh chưa đến trường.

Củng cố kiến thức, tâm lý cho trẻ

Lần đầu tiên trẻ đến trường trong năm học 2021-2022, đặc biệt với trẻ lớp 1, đây còn là buổi đầu đến lớp đúng nghĩa, các trường còn quan tâm đến yếu tố tâm lý cũng như kiến thức của học trò.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà xác định buổi học đầu tiên là để tạo niềm vui cho các con. Giáo viên chủ nhiệm sẽ làm quen, động viên, giúp các con lấy tinh thần, chuẩn bị tâm lý để đỡ căng thẳng khi đến trường lần đầu. Đương nhiên, các hoạt động phải đảm bảo nguyên tắc 5K.

Tại trường Tiểu học Vạn Phúc, học sinh lớp 1 sẽ đến trường muộn hơn các khối khác 15-20 phút.

Với trẻ lớp 1 cũng như các khối khác, giáo viên đều đang lên thời khóa biểu cho việc học trực tiếp. Tuần đầu tiên, thầy cô sẽ ôn tập, hệ thống, bổ sung kiến thức, phân loại học sinh, đương nhiên không phải bằng bài kiểm tra mà thông qua quá trình dạy, nắm được những em nào cần hỗ trợ, bổ sung kiến thức.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã phân công lực lượng đón học sinh, dạy bù, dạy phụ đạo, củng cố tâm lý, phần kiến thức thiếu hụt khi học trực tuyến cho học sinh.

Hiệu trưởng Teo Thị Thanh Mai cho biết giáo viên cũng xác định tâm lý vừa dạy học vừa trông trẻ, tổ chức ra chơi hợp lý, quan sát học sinh để nhắc nhở giãn cách khi các con tụ tập, dặn trẻ luôn đeo khẩu trang.

Cô nói thêm do trường chỉ tổ chức dạy học một buổi, không bán trú, phụ huynh có thể gặp khó khăn trong đưa đón con. Với vấn đề này, trường chỉ có thể động việc các gia đình cố gắng do không đủ lực lượng để hỗ trợ.

Nhà trường sẽ sắp xếp khung giờ tan học của các khối. Mỗi khối có thêm 30 phút ngoài giờ để tạo điều kiện cho phụ huynh đến đón trẻ.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truong-noi-thanh-o-ha-noi-len-phuong-an-don-tre-tieu-hoc-post1296829.html