Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh: Làm tốt công tác quản lý, nuôi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số
Những năm qua, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh chú trọng làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tích cực tham mưu UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm phát triển quy mô nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh là người dân tộc thiểu số được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt.
Những năm qua, Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh chú trọng làm tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh. Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tích cực tham mưu UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm phát triển quy mô nhà trường, tạo điều kiện cho học sinh là người dân tộc thiểu số được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt.
Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh là trường chuyên biệt, có tính chất phổ thông, dân tộc và nội trú nằm trong hệ thống các trường dân tộc nội trú của cả nước. Theo đó, đại đa số học sinh tại trường là con em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Năm học 2024 - 2025, nhà trường có trên 800 học sinh với 24 lớp, gồm hệ phổ thông và hệ chất lượng cao. Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn xác định công tác quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh là nhiệm vụ trọng yếu.
Theo Hiệu trưởng nhà trường Đào Tuấn Sơn, những năm qua, trường đã xây dựng được đội ngũ nhân viên là những người lao động trực tiếp, tâm huyết với việc nuôi dưỡng học sinh nội trú, tổ chức bữa ăn cơm dẻo, canh ngọt cho học sinh phù hợp với mức học bổng qua từng giai đoạn.
Chế độ ăn của học sinh được bảo đảm đúng định lượng, chất lượng. Mức ăn, tiêu chuẩn ăn được công khai hàng ngày, hàng tháng. Để kiểm soát tốt về vấn đề an toàn thực phẩm, nhà trường hợp đồng với các nhà cung cấp có đủ tư cách pháp nhân, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho học sinh. Hàng ngày, nhân viên y tế lấy mẫu thức ăn của từng bữa để kiểm định và lưu hồ sơ theo dõi. Từ năm 2021 đến nay, chưa lần nào bếp ăn tập thể của nhà trường để xảy ra ngộ độc thực phẩm, sức khỏe học sinh nội trú được đảm bảo và phát triển tốt.
Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng cải tiến phương pháp tổ chức quản lý, phục vụ ăn uống cho học sinh. Đặc biệt là việc huy động học sinh tham gia dọn dẹp vệ sinh tại bếp ăn tập thể của trường, để các em vừa học hỏi kiến thức về nấu ăn, vừa học cách tổ chức ăn uống cho đông người, cách kiểm tra chất lượng thực phẩm, cách xử lý để thực phẩm được an toàn... Qua đó góp phần vào việc phát triển toàn diện của học sinh dân tộc nội trú tại trường. Đồng thời tích cực tìm giải pháp nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng gia sản xuất để cải thiện thêm bữa ăn cho học sinh. Mục tiêu đặt ra của nhà trường là từng bước nâng dần việc "quản lý nội trú” thành "giáo dục nội trú”; việc "nấu ăn cho học sinh” thành "nấu ăn và giáo dục văn hóa ẩm thực cho học sinh”, để học sinh được "học ăn, học nói, học gói, học mở” thiết thực, có chiều sâu và hiệu quả cao tại môi trường nội trú.
Hệ thống quản lý học sinh nhà trường ngày càng hoàn thiện và hiện đại hơn, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, tính khả thi cao. Bước đầu thực hiện công tác quản sinh bằng công nghệ tin học, hệ thống camera đạt hiệu quả tốt. Hệ thống hồ sơ nội trú đầy đủ, rõ ràng, khoa học. Các mẫu biên bản, báo cáo... đều được vi tính hóa, tiện lợi cho việc tổng hợp, báo cáo tình hình và xử lý người vi phạm. Bố trí cán bộ, nhân viên bộ phận nội trú thường xuyên kiểm tra trật tự nội vụ và việc chấp hành giờ giấc học tập; kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc của học sinh tại ký túc xá. Đồng thời tích cực giáo dục học sinh nội trú nếp ăn, nếp ở và nếp sống tự quản lành mạnh, văn hóa.