Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống

Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần nằm ở trung tâm thị trấn Cốc Pài. Những năm qua, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và nuôi dưỡng con em các dân tộc địa phương. Đặc biệt, nhà trường luôn đi đầu việc thực hiện Đề án đưa văn hóa truyền thống (VHTT) vào giảng dạy.

Học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần thêu trang phục truyền thống.

Học sinh Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần thêu trang phục truyền thống.

Ngày 3.10.2013, BCH Đảng bộ huyện Xín Mần ban hành Nghị quyết chuyên đề số 10-NQ/HU và Đề án 117-ĐA-UBND bảo tồn giá trị và phát triển VHTT các dân tộc giai đoạn 2013 – 2020, trọng tâm là đưa VHTT các dân tộc vào truyền dạy trong trường học. Ngay sau đó, Trường PTDT Nội trú huyện đã thành lập Tổ thực hiện Đề án và phân công Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Đồng chí Vương Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để thực hiện hiệu quả, nhà trường xác định nhiệm vụ và hoạch định lộ trình theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2013 – 2015, nhà trường cho học sinh làm quen, tìm hiểu nét VHTT đặc sắc về phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, văn nghệ, trò chơi dân gian. Tìm hiểu nghề thêu truyền thống của 2 dân tộc Nùng U và Mông; cách làm và sử dụng một số nhạc cụ, đạo cụ như: Gậy đồng xu, khèn, sáo, ngựa giấy… Đồng thời, tìm hiểu về các món ăn, cách làm các loại bánh truyền thống của các dân tộc chủ yếu trên địa bàn huyện.

Nhà trường đã thực hiện 9 lớp tập huấn, truyền dạy về văn hóa các dân tộc: Mông, Tày, Nùng, Dao, La Chí; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, các tiết học ngoài giờ để tổ chức các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo… Hoạt động văn hóa, văn nghệ được khơi dậy gồm: Múa gậy đồng xu, ngựa giấy, múa bát… Nhằm bảo tồn và phát triển nghề thêu truyền thống của dân tộc Mông, Nùng U để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà trường đã phối hợp mời nghệ nhân của 2 xã Nàn Ma và Nấm Dẩn truyền dạy cho học sinh tại trường. Kết quả, sau gần 5 năm thực hiện (2015 – 2020), trường có hơn 300 học sinh biết múa gậy đồng xu, 60 học sinh biết múa ngựa giấy, 100 học sinh biết múa bát, 20 học sinh biết múa khèn, 20 học sinh biết thổi sáo… 100% học sinh biết chơi các trò chơi dân gian và nắm được nét cơ bản về VHTT các dân tộc. Hơn 150 học sinh được thực hành kỹ năng thêu truyền thống, thiết kế sáng tạo ra các mẫu sản phẩm phục vụ khách du lịch. Đa số các học sinh của trường đã biết cách làm và sử dụng một số nhạc cụ truyền thống… Em Lý Đức Khương, cho biết: Em là người dân tộc Nùng ở xã Thu Tà, lúc đầu mới vào trường học, bản thân em chưa biết nhiều về VHTT. Tuy vậy, được sự chỉ dạy của thầy, cô giáo, em cũng như các bạn đã biết về văn hóa dân tộc mình nhiều hơn. Không những thế, em còn làm và chơi các nhạc cụ như sáo, gậy đồng xu.

Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy VHTT đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong trường học, thúc đẩy sự đam mê và niềm tự hào của thế hệ trẻ. Nhờ đó, nhiều câu lạc bộ năng khiếu trong trường được thành lập, tạo nguồn kế cận cho Hội Nghệ nhân dân gian như: Câu lạc bộ múa ngựa giấy, múa gậy đồng xu, múa chiêng dân tộc Dao và các môn thể thao truyền thống. Mặt khác, hình thành cho các em học sinh kỹ năng thực hành, tham gia biểu diễn các hội thi và kỳ cuộc chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Với cách triển khai có bài bản và sự nỗ lực của Ban Giám hiệu, giáo viên, học sinh, 5 năm qua Trường PTDT Nội trú huyện Xín Mần luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào của huyện và đạt nhiều thành tích cao tại các cuộc thi liên quan đến VHTT do huyện, tỉnh tổ chức.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202011/truong-ptdt-noi-tru-huyen-xin-man-luu-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-767950/