Trường Quốc tế Việt Nam-Phần Lan: Ví dụ thành công điển hình từ cơ chế tự chủ
VFIS là trường công lập, tự chủ, thành viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, không vì lợi nhuận. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để tái đầu tư cho VFIS.
Khi Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được xã hội công nhận là hình mẫu thành công về tự chủ đại học, Trường nhận thấy có nghĩa vụ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà ở bậc giáo dục phổ thông. Đây là điều mà hiệu trưởng nhà trường đã ấp ủ 30 năm.
Với mong muốn mang một mô hình giáo dục phổ thông tiên tiến nhất thế giới về Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tìm đến Phần Lan - nơi có nền giáo dục phổ thông được công nhận tốt nhất thế giới.
Sau vài năm chuẩn bị với nhiều nỗ lực, Trường Quốc tế Việt Nam – Phần Lan (VFIS) -trường học chuẩn Phần Lan đầu tiên tại Việt Nam, do Trường Đại học Tôn Đức Thắng đầu tư toàn bộ, đã được thành lập theo Quyết định 5834/QĐ-HCMC ngày 7/11/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2016, rất nhiều chuyên gia, nhà giáo, kiến trúc sư, thành viên Chính phủ và công dân hai nước đã nỗ lực và tâm huyết biến mục tiêu tiếp nhận mô hình giáo dục Phần Lan về Việt Nam này trở thành hiện thực.
Chính vì vậy, ngôi trường này đánh dấu một sự hợp tác đặc biệt quan trọng giữa hai quốc gia về giáo dục. Ngày 12/8/2019, VFIS đã chính thức được khánh thành, đi vào hoạt động và khai giảng năm học 2019 – 2020.
VFIS là trường công lập, tự chủ, thành viên của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, không vì lợi nhuận. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dùng để tái đầu tư cho VFIS, nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người học.
Đây là ngôi trường Phần Lan đầu tiên tại Việt Nam và cũng là một thành tựu điển hình cho sự hội nhập giáo dục quốc tế của Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho học sinh Việt Nam tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến nhất thế giới.
Với sự nỗ lực vượt bậc và cam kết cao trong hành trình làm giáo dục, từ đầu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã quyết định đây sẽ là ngôi trường nguyên bản Phần Lan nhất có thể.
Do đó, từ thiết kế xây dựng, chương trình, giáo viên, quản lý, thiết bị....đều được mang về từ Phần Lan.
Trong Lễ khai giảng năm học mới 2019-2020, ông Olli-Pekka Heinonen, Giám đốc Ủy ban giáo dục quốc gia Phần Lan thừa nhận rằng: “Chương trình học của VFIS đã được công nhận bởi Ủy Ban Giáo Dục Quốc Gia Phần Lan và chúng tôi sẽ tiếp nối nỗ lực chung để phát triển chất lượng của ngôi trường này trong những năm tới đây”.
“Trên thế giới có những trường quốc tế Phần Lan khác, nhưng VFIS là ngôi trường đầu tiên mà các yếu tố sư phạm được xem xét kỹ lưỡng ngay từ khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn trên bản vẽ.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Phần Lan, VFIS cung cấp một môi trường học tập đa dạng, nơi mà học sinh không chỉ học trong lớp học, mà còn bên trong các phòng hội họa, kỹ nghệ, cả dưới mái hiên và không gian mở ngoài trời. Điều này tạo nền tảng cho học tập chất lượng cao lấy học sinh làm trọng tâm”.
Tòa nhà của VFIS gồm một tầng hầm, một tầng trệt, hai lầu và sân thượng với tổng diện tích xây dựng hơn 50.000 m2, trên diện tích 5 ha.
Trường do kiến trúc sư Phần Lan thiết kế và trực tiếp giám sát thi công. Màu sắc của VFIS rất tĩnh, nhẹ nhàng chứ không sặc sỡ bởi người Phần Lan quan niệm: “Học trò sẽ tạo nên sự sinh động và các em mới là trung tâm của trường học”.
Thiết kế của VFIS vừa đúng tiêu chuẩn, phong cách Phần Lan nhưng cũng có điều chỉnh phù hợp với khí hậu Việt Nam để tạo nên không gian thoáng đãng, linh hoạt; chẳng hạn có không gian bên ngoài chơi thể thao nhưng nếu mưa thì học sinh vào sảnh thể thao để tiếp tục thực hiện nội dung bài học này.
Mỗi khối nhà có một tên gọi và bức tranh khác nhau bởi lẽ theo các kiến trúc sư, VFIS là trường liên cấp nên có học sinh tiểu học; đặc biệt là lớp 1.
Học sinh từ mẫu giáo lên, chưa biết chữ; thì cách nhận diện trong môi trường rộng lớn chủ yếu là từ hình ảnh.
Nhà trường cũng chú trọng đầu trang thiết bị vì đây là những điều kiện để hỗ trợ cho giáo viên thực hiện chương trình giáo dục đạt kết quả dạy học tốt; thực hiện được đúng mục tiêu nhập khẩu mô hình giáo dục tiên tiến.
Chẳng hạn, đối với chương trình môn Thủ công có chia ra các vật liệu như gỗ, kim loại, nhựa, giấy, vải… Nôm na là có 2 loại: vật liệu cứng và vật liệu mềm.
Với vật liệu mềm, học sinh được học thắt dây, thêu thùa, may khâu...trong phòng học riêng. Còn phòng học vật liệu cứng thì có gỗ, kim loại, nhựa.
Khi tôi tận mắt quan sát phòng học thủ công dành cho vật liệu bằng gỗ mới thấy rõ được rằng trong chương trình giáo dục Phần Lan, mọi kiến thức lý thuyết đều cho học trò thực hành để tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Dựa vào những thanh gỗ, giáo viên hướng dẫn cho học sinh biết các thao tác bào, đục, đẽo, ghép hình... sao cho an toàn, đẹp mắt.
Giờ Thủ công nhưng học sinh cần kết hợp với các kiến thức và kỹ năng Toán học để biết cách đo chiều dài, chiều rộng, chiều cao từ đó các em biết tạo ra các hình khối để áp dụng, thiết kế cho một sản phẩm để biết có công dụng thực tế, ưu nhược điểm thế nào… dựa trên những thanh gỗ đó.
Cũng theo Phó giám đốc điều hành VFIS: “Hệ thống máy móc thiết bị học tập này ở Việt Nam không có, các nước châu Á cũng không có; mà ở Phần Lan thì chỉ có một đơn vị duy nhất cung cấp được và chính họ cung cấp toàn bộ cho các trường học ở Phần Lan. Vì vậy, khi áp dụng chương trình giáo dục Phần Lan thì phải nhập thiết bị máy móc này”.
Vì thiết kế chuyên dụng cho giáo dục, nên thiết bị trường học của Phần Lan đã được điều chỉnh một số chức năng, ví dụ như hệ thống hãm phanh được gắn trong máy để khi dừng khẩn cấp thì không tiếp tục quay theo quán tính; giáo viên có hệ thống điều khiển on/off từ xa và quản lý bằng mã số của giáo viên, người khác sẽ không được vận hành máy ...
Các thiết bị thực hành Lý, Hóa cũng được VFIS nhập nguyên kiện từ Phần Lan để thuận lợi cho việc học tập của học sinh.
Ví như, trong môn Lý, thiết bị về chủ đề học được chứa trong từng thùng; cụ thể: Một thùng về điện thì có tất cả các dụng cụ thực hành để có thể sản xuất ra dòng điện.
Như vậy, chỉ trong 1 thùng thiết bị học sinh sẽ tiếp cận về dòng điện một cách chi tiết và rất tổng quát về các cách "sản xuất" ra điện trong thực tiễn ...”
Qua trao đổi với lãnh đạo VFIS, có thể thấy Chương trình giáo dục phổ thông Phần Lan theo mục tiêu "để học sinh bước vào đời chứ không phải bước vào các kỳ thi".
Vì vậy, từng môn học thực hành, thí nghiệm đều là sự khác biệt; làm cho giáo dục phổ thông của Phần Lan trở nên đa dạng, tương thích nhu cầu xã hội nổi tiếng trên thế giới.
Chính vì hệ thống máy móc thực hành cần được sản xuất bởi công ty thiết bị trường học, thiết kế đảm bảo độ an toàn cao nhất và phù hợp với từng cấp học; cũng như quen thuộc với giáo viên Phần Lan nên VFIS không thể mua các thiết bị dạy học đặc thù nói trên từ nơi khác.
“Đó là lý do vì sao Nhà trường không thể tổ chức đấu thầu trong việc mua thiết bị dạy học này được”, Phó giám đốc điều hành VFIS nói.
Chương trình giáo dục tốt cộng với cơ sở vật chất tốt chưa thể đảm bảo được chất lượng giáo dục nếu không có lực lượng giáo viên đạt trình độ cao.
Vì thế, VFIS còn dành nhiều tâm huyết để tuyển dụng lực lượng giáo viên người Phần Lan- những người có trình độ tối thiểu là thạc sĩ giáo dục và ba năm kinh nghiệm giảng dạy.
Năm học 2020-2021, ngoài hiệu trưởng người Phần Lan, VFIS còn có thêm 20 giáo viên Phần Lan khác giảng dạy ở tiểu học và trung học.
Nhiều người trong số đó sở hữu hai bằng thạc sĩ, hoặc bằng tiến sĩ; và nói được ba thứ tiếng khác nhau, với kinh nghiệm phong phú trong giảng dạy lẫn hoạt động xã hội.
Các giáo viên quốc tế và Việt Nam khác của VFIS cũng sở hữu các bằng cấp cao từ các trường đại học uy tín.
Hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cũng được thực hiện bài bản và thường xuyên cho giáo viên trước và trong quá trình làm việc tại VFIS.
Trường Quốc tế Việt Nam- Phần Lan, VFIS, còn thể hiện một khát vọng lớn lao hơn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc đóng góp vào giáo dục Việt Nam.
Sau khi VFIS vận hành được 1 năm, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có kế hoạch mở ngành sư phạm tiểu học, cấp học bổng để thu hút thí sinh có đủ tố chất theo yêu cầu, đào tạo ra các giáo viên đủ năng lực dạy các chương trình song ngữ (hồ sơ đã gửi Bộ Giáo dục vào tháng 4/2020 lần 1 và bổ sung lần 2 vào tháng 7/2020) với mong muốn VFIS trở thành một cơ sở thực hành nghề nghiệp cho giáo sinh ngành sư phạm.
Theo dự kiến, sau 4 năm Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ đưa ra xã hội những giáo viên có năng lực giảng dạy bằng những phương pháp giáo dục hiện đại và chương trình tích hợp tiên tiến như Phần Lan để lan tỏa dần ra toàn xã hội.
Sự ra đời của một ngôi trường phổ thông quốc tế như VFIS bên trong Trường Đại học Tôn Đức Thắng không chỉ hướng đến việc tạo ra những thế hệ trẻ với tầm nhìn rộng mở, đủ năng lực để thích nghi với môi trường sống trong nước lẫn nước ngoài; mà còn là một phần chiến lược của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong việc đóng góp vào sự phát triển của giáo dục phổ thông Việt Nam.
Chỉ có cơ chế tự chủ và quyền tự quyết định các vấn đề chuyên môn, tài chính, tài sản, nhân sự của cơ chế này mới có thể tạo ra những sản phẩm và khả năng vươn đến khát vọng như VFIS.
Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép Trường Đại học Tôn Đức Thắng thí điểm tự chủ chính là chìa khóa để có những sản phẩm như VFIS, bởi nếu làm đúng theo các luật hiện hành vào những năm 2015-2018 thì không biết đến bao giờ xã hội mới có VFIS mà không hề cần đến Ngân sách nhà nước!
Cho nên, như GS. Trần Đức Viên nói: "thí điểm tự chủ mà còn bảo phải lâm theo luật, thì thí điểm cái gì?"; chỉ có mạnh dạn chấp nhận khó khăn để đối mới, để làm điều chưa ai làm thì mới có VFIS, mới có Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay mà không cần đến Ngân sách; và chỉ những ai muốn kìm bánh xe lịch sử, ngăn cản tự chủ, thì mới áp luật lệ cũ vào để bắt lỗi những trường đang thí điểm tự chủ theo Đề án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.