Trường Sa 50 năm - Khúc khải hoàn giữa Biển Đông. Bài 2: Cờ Giải phóng tung bay trên toàn quần đảo
4 giờ sáng ngày 11/4, từ Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Biên đội 'tàu đánh cá' thẳng tiến về tọa độ đã định. Trên boong là một vài 'ngư dân' chỉ khác chăng là ánh mắt của họ luôn dõi nhìn về phía khơi xa trên bầu trời mùa hạ và ẩn dưới khoang tàu là những người lính tinh nhuệ cùng vũ khí được ngụy trang khéo léo bằng lưới đánh cá và vật dụng sinh hoạt.

Cuộc diễu binh trên đảo Trường Sa Lớn -Ảnh: A.D
Hành trình vượt sóng - cuộc ngụy trang giữa đại dương
Ngày hôm sau, 12/4 , khi Biên đội C75 đang hành quân giữa biển khơi bất ngờ xuất hiện một tàu lạ bám theo, trên không trung máy bay nước ngoài liên tục lượn vòng, theo dõi. Mặc dù bộ đội đặc công cùng vũ khí đã được giấu kỹ dưới hầm tàu, bên trên ngụy trang bằng lưới đánh cá, nhưng tình hình căng thẳng khiến ai nấy đều không khỏi lo lắng: Chỉ huy chiến dịch Mai Năng lo lắng: “Phải chăng kế hoạch đã bị lộ ?”.
Ông nhanh chóng ra lệnh cho các tàu đổi hướng, giả vờ hướng về vùng biển đảo Hải Nam (Trung Quốc). Những “ngư dân” của Biên đội C75 vẫn bình tĩnh điều khiển tàu như thể đó là lộ trình thường nhật. Sau nhiều giờ căng thẳng theo dõi, con tàu lạ cùng máy bay giám sát dần biến mất. Ngay lập tức, toàn biên đội tăng tốc, thẳng tiến về quần đảo Trường Sa. Từ rạng sáng ngày 11 đến chiều 13/4, Biên đội C75 đã di chuyển về tọa độ đã định.
Bầu trời đêm ngày 13 chuyển dần về rạng sáng 14/4/1975. Trên vùng biển mênh mông, 3 con tàu lần lượt vào vị trí, chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên: đảo Song Tử Tây. Khoảng 1 giờ sáng 14/4/1975, Đội 1 đặc công do Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy chia làm 3 mũi lặng lẽ rời tàu 673, dùng xuồng đổ bộ lên đảo. Các tàu 674 và 675 làm nhiệm vụ án ngữ phía bên ngoài.
Trong 3 mũi đổ bộ có 2 mũi đổ bộ an toàn nhưng mũi còn lại xảy ra sự cố không thể tiếp cận đảo do sóng quá to. Hơn một giờ đồng hồ sau, mũi tiến công gặp sự cố cũng đã bám được đảo. Đúng 4 giờ 30 phút sáng 14/4/1975, 3 mũi đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, địch co cụm về trận địa phòng thủ để chống trả. Thiếu tướng Mai Năng nhớ lại, vào đầu trận đánh, đặc công ta có lợi thế bất ngờ nhưng hỏa lực của đối phương còn khá mạnh. “Chúng tôi hô lớn về việc sử dụng hỏa lực mạnh để uy hiếp tinh thần địch ẩn núp trong hầm”. (Sau này ông không ngờ nhờ tiếng hô rất lớn này của anh em đã góp phần làm cho các binh sĩ của quân đội Sài Gòn nhanh chóng đầu hàng). Súng bắn ra từ nơi phòng thủ yếu dần rồi dừng hẳn. Đến khoảng 5 giờ 30 phút sáng 14/4/1975, binh sĩ Sài Gòn trên đảo Song Tử Tây đồng loạt đầu hàng. Lá cờ của quân Giải phóng được kéo lên thay lá cờ của chế độ cũ. Người có vinh dự treo cờ Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây là hạ sĩ Lê Xuân Phát, thuộc Đội 1, Đoàn Đặc công 126.

Thiếu tướng Mai Năng - vị chỉ huy trực tiếp của chiến dịch giải phóng Trường Sa -Ảnh: V.T
Ngay sau khi đảo Song Tử Tây được giải phóng, cục diện phòng thủ của địch trên toàn quần đảo Trường Sa bị lung lay. Cùng ngày, các tàu tiếp tục chở lực lượng đặc công và bộ đội chủ lực ra chiếm giữ các đảo còn lại: Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, An Bang và Trường Sa Lớn. Chiến dịch được thực hiện thần tốc, khéo léo và chính xác. Ngay trong ngày 14/4, tàu 675 của thuyền trưởng Phạm Duy Tam chở tù binh quay về Đà Nẵng để bàn giao và mang theo quân của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) ra tiếp quản đảo Song Tử Tây, xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố để bảo vệ thành quả đầu tiên trên vùng biển thiêng liêng.
Có một chi tiết trong câu chuyện với những người chỉ huy chiến dịch giải phóng Trường Sa năm xưa khiến chúng tôi nhớ mãi: “Khoảng 5 giờ 30 phút sáng 14/4/1975, chúng tôi giải phóng đảo Song Tử Tây, thì chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, đến 9 giờ cùng ngày một tàu lạ đã xuất hiện phía ngoài đảo. Chiếc tàu lạ nhanh chóng áp sát bờ, lính trên tàu chuẩn bị đổ bộ thì phát hiện ra lá cờ Giải phóng đã tung bay trên đảo, còn quân Giải phóng đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, chiếc tàu lạ nhanh chóng rút lui”. Chính câu chuyện tàu lạ xuất hiện thời điểm ấy càng khiến cho chúng ta hôm nay bội phần khâm phục tầm nhìn chiến lược của “Tổng hành dinh” trong mùa xuân 1975 về quần đảo Trường Sa!
Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, chủ trương tiến đánh giải phóng các đảo còn lại trong quần đảo Trường Sa đã được truyền từ trên xuống. Rạng sáng 21/4/1975, chiếc tàu có số hiệu 641 do đồng chí Đỗ Viết Cường (Đội phó Đội 1 của Đoàn 126, sau này ông là Anh hùng LLVT, Chuẩn Đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân) chỉ huy nhằm hướng mục tiêu đảo Sơn Ca thẳng tiến. Cũng như các con tàu trong biên đội đi đánh đảo Song Tử Tây, tàu 641 được cải trang thành tàu đánh cá và liên tục thay đổi biển số tàu để tránh bị lộ.
Kế hoạch dự kiến tàu 641 sẽ đánh vào đêm 23/4/1975, nhưng trên đường gặp nhiều tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay Mỹ nên cấp trên đồng ý cho tàu 641 lùi thời điểm tấn công... Đúng 2 giờ sáng 25/4/1975, quân ta đổ bộ lên đảo Sơn Ca. Đến 2 giờ 30 phút, toàn bộ các mũi tiến công đồng loạt nổ súng, quân địch đầu hàng chỉ sau nửa giờ. Cờ Giải phóng tung bay trên đảo Sơn Ca.
Đêm 26/4, Chỉ huy trưởng Mai Năng nhận được bức điện từ cấp trên với nội dung: “Địch đã có lệnh rút khỏi đảo Nam Yết đêm nay, các anh quan sát, nếu địch không phát hiện được thì tổ chức đánh từ phía sau, nếu không thực hiện được thì ngụy trang ở khu vực lân cận chờ địch rút ra, cho lực lượng lên chiếm đảo, không để đảo lọt vào tay đối thủ khác, vì tàu địch không được nổ súng vào tàu lạ, chúng rất sợ xảy ra các trận hải chiến”.
Ngày 27/4, ta giải phóng đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn. Cấp trên giao cho Chỉ huy trưởng Mai Năng ở lại đảo Nam Yết. Ngày 28/4, quân ta giải phóng đảo Trường Sa, đảo An Bang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vòng nửa tháng với những cố gắng lớn nhất... Một vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên với những đảo và quần đảo có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đã thuộc chủ quyền của Tổ quốc. Sáng ngày 30/4/1975, Phó Tư lệnh Hoàng Hữu Thái lệnh cho tàu 673 trở về đảo Nam Yết để đón Chỉ huy trưởng Mai Năng về đất liền nhận nhiệm vụ mới.
“Đều là con dân nước Việt”
Chúng tôi vẫn nhớ buổi chiều trong căn phòng điều trị của Viện Y học cổ truyền quân đội, Thiếu tướng Mai Năng vẫn ánh lên xúc cảm rạo rực và chính hôm đó ông kể cho chúng tôi câu chuyện bấy lâu ông vẫn khắc ghi trong lòng. Ông cho rằng địch đầu hàng nhanh chóng một phần do hỏa lực mạnh của ta, nhưng còn một lý do khác. Một lần, sau khi đã giải phóng một mục tiêu trong quần đảo Trường Sa, ông đã gặp và hỏi những binh sĩ Sài Gòn về lý do họ quyết định đầu hàng dù trước đó họ đã có sự chống trả? Câu trả lời thực sự khiến ông bất ngờ.
Những binh sĩ bên kia chiến tuyến đã nói: “Sở dĩ lúc đầu phải chống trả quyết liệt vì nghĩ đó là quân đội nước ngoài tấn công lên đảo. Chúng tôi chỉ nhận ra quân Giải phóng khi những người lính đặc công hô lớn về việc sử dụng hỏa lực mạnh và thấy đúng là giọng nói của người miền Bắc.
“Lúc bấy giờ, một binh sĩ Sài Gòn có nói với tôi rằng: lúc đầu họ rất sợ cách đánh bất ngờ, táo bạo khiến cho họ không biết đối phương là ai, điều họ sợ nhất là hải quân nước ngoài tiến công chiếm đảo. Nếu là quân nước ngoài họ sẽ tử thủ đến cùng, Nhưng khi đã nhận biết đối phương qua giọng nói thì họ đỡ sợ hơn, vì lực lượng giải phóng đảo là quân đội miền Bắc, đều là đất nước Việt Nam cả. Tâm sự ấy của những người lính bên kia chiến tuyến đó dù mấy mươi năm đã trôi qua, tôi vẫn không thể nào quên”...