Trường Sa - Hoàng Sa trong tim người Việt trên đất Pháp
Cách đây chưa lâu, nhân dịp lễ hội Pháp ngữ tổ chức tại thị trấn Yèbles cách Paris 60 cây, trung tâm văn hóa Việt Nam tham dự giới thiệu văn hóa ẩm thực và văn nghệ Việt cho cộng đồng Pháp ngữ. Tôi được anh em mời tham dự. Thật bất ngờ, tôi đi cùng xe với ông nhà báo Ahekoe Joseph chủ biên tờ tạp chí «Actualité Francophonie» (Tin thời sự Pháp Ngữ) mà tôi đã quen từ trước. Tờ báo này số 3 tháng 1/2017 phát hành một chuyên san đặc biệt Trường Sa - Hoàng Sa.
Trường Sa nỗi nhớ
Hai năm trước tôi cùng bạn bè đến Trocadéro để tham dự biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào địa phận của Việt Nam. Cách đây hơn năm, nhân dịp Tết đông vui ở quận 13, tôi cùng sinh viên Pháp đi phát một chuyên san đặc biệt về Hoàng Sa - Trường Sa. Tháng 4 năm 2017, tôi được may mắn một lần đến thăm đảo xa của quê hương. Một lần đi nhớ mãi. Trở về Pháp, hình ảnh Trường Sa - Hoàng Sa với những người lính đảo trẻ vui tươi cùng các cháu thiếu nhi hạnh phúc khi thấy có nhiều khách lạ đến thăm đảo in đậm nét trong tim tôi; cũng như những người bạn Việt khắp nơi trên thế giới trở về cùng đi trên chuyến tầu kiểm ngư KN 491. Mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm này, chúng tôi như muốn khóc. Hoàng Sa -Trường Sa đã trở thành gạch nối giữa những người Việt xa xứ.
Trường Sa Hoàng Sa trong lễ hội Pháp ngữ
Văn hóa và văn nghệ luôn đóng vai trò khẳng định chủ quyền dân tộc. Văn hóa phải hiểu theo nghĩa rộng bao gồm kiến trúc, giáo dục, du lịch… Chữ văn hóa tiếng La Tinh, tiếng Pháp là vun trồng (culture). Văn hóa không tự nhiên mà có. Văn hóa bao gồm các công trình vật thể và phi vật thể. Thời Pháp thuộc, để bảo vệ chủ quyền một cách hữu hiệu, chính quyền Pháp đã cho xây «Nóc nhà Đông Dương » tít trên đỉnh núi Phanxipan. Việc xây « nóc nhà » hình Kim Tự Tháp trên đỉnh núi rất khó khăn, và tưởng như vô ích. Nhưng đó chính là sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Kim Tự Tháp cũng là biểu tượng của hội Tam Điểm - một hội đề cao «Tự do- Bình đẳng- Bác Ái». Nhiều vị lãnh đạo trong chính quyền thuộc địa ở Đông Dương thuộc thành viên hội Tam Điểm. Bộ trưởng thuộc địa và một số toàn quyền Đông Dương, với một số đô đốc hải quân thuộc tổ chức này. Việc xây dựng Kim Tự Tháp và đặt tên Nóc nhà Đông Dương vừa là đề cao hội Tam Điểm và vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ Đông Dương.
Thời Pháp thuộc, chính quyền Pháp đã quan tâm đầu tư cho ra những cuốn từ điển rất ít người dùng như «Từ điển Tày - Việt - Pháp, «Từ điển Nùng-Việt-Pháp » để bảo tồn dấu vết cổ có thể mất đi, và cũng để bảo tồn sự hiện diện của người Việt từng sống ở nơi giáp ranh Trung Quốc, một nước lớn luôn có xu hướng thôn tính nước Việt bé nhỏ từ hàng nghìn năm. Ngay ở đảo Hoàng Sa, quân đội Pháp đã từng cắm mốc chủ quyền. Mốc chủ quyền này ghi rõ đất thuộc về An Nam (Việt Nam).
Nóc nhà Đông Dương ngày nay cũng trở thành một nơi văn hóa du lịch của Việt Nam được nhiều người biết đến. Văn hóa xây dựng, văn hóa tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Chính vì vậy việc đặt trung tâm văn hóa Việt Nam ở Pháp là điều cần thiết. Việc giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới cũng là một hình thức khẳng định Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Chính vì thế năm nay, nhân dịp lễ hội Pháp Ngữ ở Yèbles giám đốc TTVHVN tại Pháp giám đốc Nghiêm Xuân Đông đã mời ông Ahekoe Joseph phụ trách tạp chí «Tin tức Pháp Ngữ» tham dự cùng.
Những tập san xòe quạt nằm trên giá sách ngay lối vào các gian hàng. Bìa nổi bật hình anh bộ đội hải quân Việt Nam cầm súng làm tôi chạnh lòng nhớ nơi mình từng đặt chân đến. Nhìn trẻ em tung tăng chạy trong hội chợ vui đùa, tôi thương các cháu ở đảo xa. Nơi đó vẫn chưa bình an. Nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm trong tim mỗi người mang dòng máu Việt. Chiến tranh, bạo lực không ai đồng tình. Nhưng cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đều luôn được ca ngợi. Ông Ahekoe Joseph - một người châu Phi sống ở Pháp không có dòng máu Việt nhưng không ngại ngần đấu tranh vì chính nghĩa trên quả địa cầu. Ông bỏ nhiều thời gian tham khảo tư liệu mới cho một chuyên san riêng về quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Cũng như cựu chủ tịch hội Ái Hữu Pháp Việt - giáo sư sử học tại Paris ông Patrice Jorland đã từng có mặt ở Trocadéro biểu tình ủng hộ Việt Nam bảo vệ biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Tình cảm đó thật là đáng quý.
Những món quà ý nghĩa
Ngay buổi đầu lễ hội ông Ahekoe Joseph tận tay trao tặng bà Thị Trưởng tập san này với mong muốn giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Một việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Văn hóa ẩm thực, nghệ thuật cùng báo chí không chỉ quảng cáo hình ảnh đất nước mà còn đóng vai trò khẳng định chủ quyền dân tộc.
Bà Thị trưởng Marieme Tamata Varin vui vẻ cảm ơn, nhận tờ tạp chí mang hình ảnh bộ đội hải quân Việt Nam cũng là một minh chứng bày tỏ thiện cảm với Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Bà Thị Trưởng Marieme Tamata Varin nhận cuốn tạp chí từ ông Ahekoe Joseph
Cũng trong buổi lễ hội Pháp Ngữ, giám đốc Nghiêm Xuân Đông cùng nhà văn Trần Thu Dung trao tặng một túi quà kỷ niệm cho bà Thị trưởng. Trong đó có tấm bản đồ do công ty du lịch Việt Nam phát hành in rõ quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và cuốn sách song ngữ « Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường của Pháp » (*) để khẳng định Việt Nam luôn cố gắng mãi là thành viên tích cực trong cộng đồng Pháp ngữ. Cuốn sách cũng là một bằng chứng lịch sử để thấy mối quan hệ mới giữa hai nước nay đã thay đổi. Người Việt khát vọng hòa bình nhưng luôn sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh, thuộc địa đã vào dĩ vãng. Nước Pháp đã lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho 7 con đường trên đất Pháp. Chung sống hòa bình là tiêu chí của tất cả những người mang khát vọng bình đẳng, dân chủ, tự do. Hình ảnh bà Thị trưởng da màu lần đầu tiên thắng phiếu trong cuộc tranh cử thị trưởng căng thẳng là một dấu ấn chung sống hòa bình và luôn bảo vệ giá trị Tự Do - Bình Đẳng - Bác Ái của nước Cộng Hòa Pháp.
Trường Sa - Hoàng Sa mãi mãi trong tim người Việt trên quả địa cầu.
(*) Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường của Pháp, Trần Thu Dung, nxb Văn hóa Thông Tin, 2014