Trường Sa tà áo dài bay

Một lần ra Trường Sa, cả đời nhớ Trường Sa. Tôi tin rằng, những ai đã được đặt chân lên quần đảo yêu thương này đều cảm nhận như thế. Trường Sa cũng như Hoàng Sa là một phần của biển, đảo Việt Nam thiêng liêng, luôn khắc sâu vào trái tim chúng ta.

Tôi có hai lần được đến Trường Sa, giữa mênh mang biển trời mây nước, rưng rưng không cầm nổi nước mắt khi đặt tay lên bia chủ quyền in hình ảnh lá cờ Tổ quốc thân thuộc. Cũng vậy, khi nghiêm trang cất lên lời Quốc ca trong lồng lộng nắng gió Trường Sa, tôi thầm nghĩ tới những thế hệ “Đoàn quân Việt Nam đi...”.

Những gì có trên quần đảo Trường Sa đều mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, từ tấm đá khắc những câu thơ: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư tương truyền của Lý Thường Kiệt đã từng đọc động viên tướng sĩ trên phòng tuyến song Như Nguyệt (sông Cầu) trong cuộc chiến đấu chống giặc Tống phương Bắc ở thế kỷ XI; đến bài dân ca mộc mạc trữ tình mà những người lính hát cùng văn công giữa đêm trăng bao la vằng vặc; tiếng chuông chùa thong thả cất lên cuối chiều nắng xế, cùng điệu ầu ơ man mác buồn của người mẹ trẻ... và không thể không nói đến tà áo dài bay bay trong nắng gió Trường Sa.

Áo dài Việt Nam! Đó không chỉ đơn thuần trang phục mà là một biểu tượng văn hóa tuyệt đẹp của phụ nữ trên đất nước mình. Áo dài mềm mại thướt tha, dịu dàng quyến rũ, kín đáo mà gợi cảm ấy, từ rất lâu rồi vốn quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Chúng ta nhận ra trong đó một phần hình dáng, tâm hồn, thuần phong mỹ tục con người Việt Nam. Nét đẹp của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay có một phần trong chiếc áo dài. Nói cách khác, chiếc áo dài được người Việt sáng chế, định hình và cải tiến cũng nhằm tôn vinh vẻ đẹp thon thướt, nền nã của phụ nữ.

Tôi từng nghe những câu chuyện về nguồn gốc chiếc áo dài Việt và tự hào về điều đó. Khoảng những năm 38 - 42 sau công nguyên, chiếc áo dài đã xuất hiện trên đất nước ta và hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị từng mặc trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Hán. Lại được nghe, áo dài là một loại trang phục cách tân từ áo tứ thân của Việt Nam. Và, chúa Nguyễn Phúc Khoát được coi là người có công sáng chế, định hình áo dài Việt Nam như ngày nay.

Cụm từ “Tà áo dài” được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford với nội dung giải thích là trang phục phụ nữ Việt Nam. Nhắc đến áo dài, tôi bâng khuâng nhớ lại hình ảnh bà lên chùa, mẹ dắt tay tôi đi đến hội làng thời còn thơ bé... Xa xưa mà không hề mờ khuất. Áo dài như một minh chứng về sức sống bền bỉ của văn hóa Việt. Chẳng thế, mà khi đứng giữa nhân loại, chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam thu hút nhiều sự chú ý của bè bạn bốn biển, năm châu.

Tôi phải lan man như thế trước khi nói về những tà áo dài xuất hiện giữa Trường Sa cũng có cái lý của nó. Trong hai chuyến ra quần đảo Trường Sa vào mùa Hè năm 2000 và năm 2019, tôi đều được ngắm những tà áo dài Việt mềm mại ở chốn đầy thiêng liêng này. Có điều gì đó rất khó diễn tả nhưng tôi cảm thấy càng yêu biển, đảo, biên cương, đất nước mình hơn khi chứng kiến hình ảnh ấy. Cái đẹp nơi cõi bờ cương vực hình như có tầm kích cao rộng hơn cái đẹp thông thường bởi nó gắn liền với sự chịu đựng, sự vượt lên, sự cống hiến mà không phải lúc nào chúng ta cũng thấu cảm hết.

Như những mầm Xuân nhú nẩy ra từ thân cây có vết đạn thù thời trận mạc đã qua hay chùm hoa phong ba vừa trổ sáng trên cành chi chít vết do “sẹo” bão giữa Trường Sa. Những tà áo dài của các cô văn công, của các nữ thành viên đoàn công tác ở đất liền ra thăm đảo và đặc biệt là của chị em dân đảo đã làm tươi tắn thêm vẻ đẹp truyền thống không gì thay thế được. Những chiếc áo dài tôi đã từng thấy, từng quen bỗng trở nên thân thương, dịu mát và tỏa sáng vô cùng. Phải chăng, tôi đã đọc ra trong đó những giá trị văn hóa Việt lâu bền như một khẳng định về chủ quyền Tổ quốc.

Tà áo dài bay bay trên boong tàu. Tà áo dài bay bay trên thềm cát san hô. Tà áo dài bay bay dưới tán phong ba. Tà áo dài bay bay như thể đang nâng lượn cùng bài quan họ, điệu chèo, câu lý, khúc hò, lời vọng cổ. Tà áo dài bay bay bên màu áo cán bộ, chiến sĩ, công nhân bám trụ trên đảo xa... Mỗi ngày sống là một ngày thắm đượm tình yêu Tổ quốc. Xa đất liền, xa gia đình, người thân, những người lính, người thợ ở Trường Sa dường như thấy trong chiếc áo dài hình bóng quê nhà. Gần gũi và thân thương biết mấy.

Tôi còn lưu giữ hình ảnh những người phụ nữ mặc áo dài trong buổi chào cờ trên thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Chẳng có gì đẹp hơn thế. Bầu trời trong xanh vời vợi. Đàn chim bồ câu bay qua, chấp chới trong bình minh. Đảo ngập tràn sắc nắng vàng tươi. Tôi ngửi được mùi biển mặn mòi trong những cơn gió thoáng lộng thổi lên từ mặt biển.

Trong đội ngũ rắn rỏi chỉnh tề trước bia chủ quyền, dưới Quốc kỳ, tôi bắt gặp những phụ nữ mặc áo dài. Ít thôi, nhưng cũng đủ làm nên duyên dáng Việt Nam nơi góc bể chân trời.

Cũng đủ nói với tôi, với mọi người rằng, khi chúng ta còn biết trân quý, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp ông cha để lại thì không kẻ thù nào xâm phạm được Tổ quốc này. Chủ quyền đất nước không chỉ là núi, là sông, là biển, là trời... những thực thể thấm mồ hôi, máu, nước mắt của tổ tiên, ông cha bao đời mà còn được minh định trong những giá trị văn hóa cốt lõi được bồi đắp mấy nghìn năm nay, đôi khi chỉ là tà áo dài mỏng manh, duyên dáng.

Bản sắc dân tộc là cái không thể thay thế được, vì nó đã làm nên khí chất, bản lĩnh, tâm hồn con người Việt Nam. Không ai được phép lãng quên những giá trị văn hóa tốt đẹp có từ quá khứ được truyền giữ lại đến hôm nay mà chỉ cùng góp sức làm cho nó sáng đẹp hơn. Từ Trường Sa, tôi thêm tin điều đó luôn luôn đúng, như tin áo dài Việt Nam mãi mãi đồng hành với dân tộc ta.

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/truong-sa-ta-ao-dai-bay-post437084.html